Hà Nội: Ba công trình lớn đi vào hoạt động

ANTĐ - Sáng qua 4-1, Bộ GTVT đã chính thức khánh thành, đưa vào sử dụng 3 công trình giao thông trọng điểm ở cửa ngõ đối ngoại của Thủ đô Hà Nội gồm Nhà ga hành khách T2 Nội Bài, đường Võ Nguyên Giáp và cầu Nhật Tân. 

Hà Nội: Ba công trình lớn đi vào hoạt động ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng đại diện Chính phủ Nhật Bản gắn biển tên cầu Nhật Tân

Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2 có tổng mức đầu tư gần 1 tỷ USD từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản. Nhà ga hành khách T2 đi vào hoạt động sẽ khắc phục được tình trạng quá tải nghiêm trọng trong thời gian vừa qua tại nhà ga T1, đảm bảo lưu lượng vận chuyển hiện tại cũng như trong tương lai.

Công trình có công suất phục vụ ngày cao điểm lên tới 30.000 hành khách với 230 lượt cất hạ cánh; giờ cao điểm đáp ứng phục vụ 3.000 hành khách với 23 lượt cất hạ cánh. Công suất đáp ứng 10 triệu hành khách/năm (giai đoạn 2015 đến 2020) và 15 triệu hành khách/năm (giai đoạn 2020 đến 2030). Nhà ga hành khách T2 gồm 4 tầng, trong đó, tầng 1 dành cho hành khách đến quốc tế; Tầng 2 dành cho hành khách đi (nối chuyến) và đến quốc tế; Tầng 3 dành cho hành khách đi quốc tế; Tầng 4 là phòng chờ hạng thương gia và khu dịch vụ thương mại.

Dự án cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu có tổng mức đầu tư 89,943 tỷ yên Nhật (tương đương 13.626 tỷ đồng). Tổng chiều dài của dự án  là 8.930m, trong đó phần cầu chính dài 3.755m với bề rộng mặt cầu 33,2m. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, cầu Nhật Tân là một trong 3 cầu dây văng liên tục nhiều nhịp nhất trên thế giới. Thiết kế của cầu với 5 trụ tháp tượng trưng cho 5 cửa ô của Hà Nội, giống như 5 cánh hoa đào của làng đào Nhật Tân. Cây cầu cũng thể hiện tình hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản. 

Dự án đường nối từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân được đầu tư xây dựng để kết nối trung tâm Thủ đô với Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, đồng thời kết nối tuyến Nhật Tân - Nội Bài với tuyến Bắc Thăng Long - Nội Bài. Dự án sẽ giúp giảm bớt lượng giao thông trên tuyến Bắc Thăng Long - Nội Bài và đáp ứng nhu cầu kết nối giao thông trong khu vực, phục vụ chiến lược phát triển Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài. 

Tại kỳ họp thứ 10 khóa XIV vừa qua, HĐND TP đã chính thức đặt tên tuyến đường này là Võ Nguyên Giáp. Tuyến đường có tổng mức đầu tư 6.742 tỷ đồng với chiều dài 12,1km. Phần đường chính được thiết kế theo tiêu chuẩn đường phố chính, vận tốc thiết kế 80km/h. 

Hà Nội: Ba công trình lớn đi vào hoạt động ảnh 2Nhà ga hành khách T2 Nội Bài có công suất 10 triệu hành khách/năm

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, 3 công trình trọng điểm, cửa ngõ Thủ đô đều là những công trình hiện đại, có ý nghĩa quan trọng, kết nối sân bay quốc tế Nội Bài với nội đô, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. “Hà Nội đã lập quy hoạch chi tiết dọc 2 bên tuyến đường Võ Nguyên Giáp. Tại đây, có một số công trình lớn đã được quy hoạch như đầu mối trung chuyển hàng hóa phục vụ thương mại quốc tế trong và ngoài nước; Công viên Kim Quy rộng 80ha, gắn liền với thành Cổ Loa và sự tích thần Kim Quy; khu đô thị hiện đại với những tòa nhà cao ốc, trung tâm tài chính – thương mại tầm cỡ quốc tế”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nói.

Cũng tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, các công trình hoàn thành là niềm tự hào của người dân Việt Nam đồng thời là biểu tượng đẹp về tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản. Ông Akihiro Ohta - Bộ trưởng Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật Bản đồng tình, những công trình lớn vừa hoàn thành đã kể một câu chuyện dài, sinh động về tình hữu nghị và hợp tác giữa 2 nước.

Biểu dương Bộ GTVT, chính quyền và nhân dân TP Hà Nội, các nhà thầu... đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn để công trình hoàn thành đạt và vượt tiến độ, đưa vào khai thác đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp, đảm bảo khai thác các dự án một cách tốt nhất.