Gửi tài liệu chậm đến Đại biểu Quốc hội là nội dung xem xét khi lấy phiếu tín nhiệm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với 466/468 Đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, sáng 15-11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Trước đó, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Về trách nhiệm của Đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, theo quy định tại Điều 26 của Luật Tổ chức Quốc hội, Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp toàn thể của Quốc hội; thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.

Do đó, việc quy định các trường hợp vắng mặt của đại biểu Quốc hội cần báo cáo là cần thiết để tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm của đại biểu trong việc tham gia đầy đủ các phiên họp Quốc hội.

Tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý quy định tại khoản 2 Điều 3 về việc vắng mặt vì lý do bất khả kháng, do thực hiện các nhiệm vụ khác trong kỳ họp theo quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội để bảo đảm chặt chẽ.

Về tài liệu phục vụ kỳ họp Quốc hội (Điều 7), nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ và bảo đảm thời hạn gửi tài liệu kỳ họp đến đại biểu Quốc hội, phân loại thời hạn gửi theo tính chất phức tạp của tài liệu; bổ sung chế tài xử lý đối với việc chậm gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội; quy định việc gửi tài liệu chậm là nội dung để xem xét khi lấy phiếu tín nhiệm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội phải bảo đảm thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 97 của Luật Tổ chức Quốc hội.

Văn phòng Quốc hội đã công bố công khai danh sách các cơ quan chậm gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội. Đây cũng là một trong những cơ sở để Quốc hội xem xét, đánh giá việc hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao của người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi lấy phiếu tín nhiệm.

Về thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội (Điều 18), một số ý kiến đề nghị quy định Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp có quyền yêu cầu dừng tranh luận trong trường hợp đại biểu tranh luận không đúng trọng tâm, không rõ đối tượng tranh luận, sử dụng quyền tranh luận để phát biểu; được dừng, tạm dừng, hoãn, tạm hoãn phiên họp, kỳ họp trong tình huống có sự cố bất khả kháng, việc tiếp tục họp do Quốc hội quyết định trong từng trường hợp cụ thể.

Kết quả biểu quyết

Kết quả biểu quyết

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các nội dung này đã được quy định trong dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội, cụ thể là điểm d khoản 2 Điều 18 quy định: Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp yêu cầu đại biểu Quốc hội dừng phát biểu hoặc dừng tranh luận nếu đại biểu Quốc hội phát biểu, tranh luận quá thời gian hoặc phát biểu, tranh luận không đúng nội dung. Đối với việc dừng, tạm dừng, tạm hoãn kỳ họp, phiên họp là thẩm quyền của Quốc hội khi quyết định chương trình hoặc điều chỉnh chương trình kỳ họp.

Có ý kiến cho rằng thời gian phát biểu 7 phút của đại biểu là ngắn; không nên giới hạn thời gian phát biểu của đại biểu; khi kéo dài phiên họp, nếu còn thời gian thì đại biểu có quyền phát biểu lần hai. Ý kiến khác đề nghị giảm thời gian phát biểu của đại biểu. Có ý kiến đề nghị quy định thời gian tranh luận là không quá 2 phút…

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về thời gian phát biểu, tranh luận của đại biểu Quốc hội là kế thừa quy định của Nội quy kỳ họp Quốc hội hiện hành. Do đó, xin Quốc hội cho giữ các nội dung này như dự thảo.