GPMB dự án giao thông trọng điểm: Không được chậm trễ hơn nữa

ANTĐ - Giải phóng mặt bằng là khâu vướng mắc khiến một số dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn TP Hà Nội bị chậm, đặc biệt, dự án cầu Nhật Tân đang gặp phải sự phản ứng quyết liệt từ phía nhà thầu. Trong khi đó, cơ chế chính sách đền bù phức tạp mà sự chỉ đạo điều hành lại chưa quyết liệt. 

Quốc lộ 3 mới đang nằm chờ đoạn qua Hà Nội để thông xe toàn tuyến

Dự án nào cũng tắc mặt bằng

Tại cuộc họp giữa Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội về các dự án giao thông trọng điểm diễn ra sáng qua 5-8, đại diện BCĐ GPMB TP Hà Nội cho biết: 10 dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Thủ đô do Bộ GTVT làm chủ đầu tư đều đang gặp vướng mắc trong công tác GPMB. Điển hình là dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường dẫn 2 đầu cầu theo kế hoạch là phải xong GPMB vào tháng 5-2013 nhưng hiện đang vướng 1,59ha đất liên quan đến 138 hộ dân trên địa bàn phường Phú Thượng (quận Tây Hồ).

Trong đó 111/138 hộ không hợp tác, không cho các tổ công tác vào khảo sát, đo đạc với lý do giá bồi thường thấp; dự án đường nối từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài theo kế hoạch phải xong GPMB trong tháng 6-2013 nhưng đến nay vẫn còn rất bộn bề. Đặc biệt, trên địa bàn huyện Sóc Sơn còn tới 347 hộ chưa bàn giao mặt bằng; dự án xây dựng QL3 mới Hà Nội-Thái Nguyên phải hoàn thành GPMB trong tháng 5-2013 nhưng đến nay mới chỉ xong phần thuộc địa phận huyện Đông Anh, 2,37ha đất trên địa bàn huyện Gia Lâm và Sóc Sơn đang vướng mắc do dân kiến nghị nâng giá đền bù hoặc đang khó khăn trong việc xác định giá đất ở làm căn cứ bồi thường. Một số dự án khác như đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài… đã cơ bản bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư nhưng tại một số hạng mục nhỏ làm ảnh hưởng chung tới dự án.

Trước thực trạng trên, đại diện lãnh đạo các quận, huyện đều cho rằng: cơ chế, chính sách trong công tác đền bù, hỗ trợ và tái định cư (TĐC) có nhiều thay đổi nên các địa phương gặp nhiều khó khăn. Ngoài vướng mắc trong xác định giá đất, tại nhiều dự án đang gặp khó khăn về nguồn vốn phục vụ GPMB và xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu đất TĐC. Như khu TĐC tại chỗ thuộc 2 xã Quang Tiến và Phù Lỗ (huyện Sóc Sơn), UBND huyện Sóc Sơn đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và lập dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật nhưng đến nay vẫn chưa được bố trí vốn để trả cho các hộ.

Không thay đổi phương án đã duyệt

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho hay, theo kế hoạch, các dự án đều sắp đến giai đoạn phải hoàn thành và đưa vào khai thác nhưng đến nay vẫn khó khăn do không có mặt bằng. Như dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông chậm nhất đến tháng 6-2015 phải đưa vào khai thác; QL3 mới Hà Nội-Thái Nguyên phải hoàn thành vào 31-12-2013… Quỹ thời gian còn lại không nhiều, Bộ GTVT đề nghị TP Hà Nội chỉ đạo các địa phương tập trung quyết liệt hơn nữa cho công tác GPMB.

Liên quan đến việc một số dự án bị Chính phủ nhắc nhở vì chậm trễ trong việc triển khai, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho biết, chậm trễ trong khâu GPMB có nhiều lý do như cơ chế, chính sách, chỉ đạo, điều hành còn chưa quyết liệt ở tất cả các cấp; sự phối hợp giữa các bên chưa thường xuyên, chặt chẽ. Khối lượng công việc tại từng dự án còn rất lớn. Tiến độ GPMB không thể chậm trễ hơn nữa. “Yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện liên quan khẩn trương lập phương án đền bù GPMB, công khai với dân và kịp thời bố trí đủ kinh phí để chi trả”, Chủ tịch UBND TP yêu cầu.  Tuy nhiên, nguyên tắc xuyên suốt của TP là các phương án đã phê duyệt sẽ không thay đổi để bảo đảm công bằng xã hội. Không thể người đi sau có lợi hơn những người đã chấp hành đi trước. Khi các vướng mắc đã được tháo gỡ, nếu người dân vẫn cố tình chây ỳ, chống đối thì cương quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế…

Cũng tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo phê bình chủ đầu tư dự án đường sắt trên cao Cát Linh- Hà Đông. “Tôi phê bình các chủ đầu tư như Ban quản lý dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, bây giờ mới bàn giao mốc giới ở Thanh Xuân, Đống Đa mà đã báo cáo Thủ tướng, dự án này chậm tiến độ do 2 quận trên chậm bàn giao mặt  bằng”. 

Đang thương thảo với nhà thầu về tiền đền bù

Liên quan đến dự án cầu Nhật Tân, do phải thi công đường dẫn cầu Nhật Tân cầm chừng suốt 18 tháng do mặt bằng chậm giải phóng, nhà thầu Tokyu (Nhật Bản) đã đề nghị Bộ GTVT bồi thường 155 tỷ đồng. Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam cho rằng, đây không phải là tiền phạt, mà yêu cầu trang trải những chi phí phát sinh khi dự án chậm trễ. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ GTVT vẫn đang trong quá trình thương thảo với nhà thầu Tokyu về khoản tiền đền bù này. “Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận nghiên cứu việc này, Bộ Tài chính cũng đang thẩm định lại chi phí bù đắp cho nhà thầu hợp lý, cố gắng thỏa mãn yêu cầu các bên hợp lý nhất. Khoản tiền đền bù 155 tỷ đồng là đề xuất của nhà thầu để bổ sung chi phí do chậm bàn giao mặt bằng, số tiền đền bù chính thức là bao nhiêu phải rà soát lại, nhưng chắc chắn sẽ có nhiều biến động”, lãnh đạo Bộ GTVT cho hay. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hồng Trường cũng cho rằng, đây là tiền lệ, nên cần rất thận trọng trong việc xử lý các mối quan hệ, đảm bảo nguyên tắc chi các nguồn vốn nhà nước một cách hợp lý, xem xét các đề nghị của nhà thầu để vừa giải thích, vừa xem xét tính chất GPMB của Việt Nam.