Góp ý Bộ luật Hình sự sửa đổi: Có thể quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân

ANTĐ -  TS. Đỗ Đức Hồng Hà - Phó Giám đốc phụ trách Học viện Tư pháp cho rằng, thực tiễn phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm về môi trường trong thời gian gần đây đã đặt ra yêu cầu quy định trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với pháp nhân. Song, vấn đề này cần được xem xét một cách thận trọng.

Theo TS. Đỗ Đức Hồng Hà, tình trạng nhiều khu công nghiệp, cơ sở sản xuất sử dụng hệ thống ngầm dẫn nước thải chưa xử lý ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng, một số doanh nghiệp đã có thủ đoạn gian dối trong khai báo hải quan, móc nối với một số tổ chức kiểm định, giám định để có kết luận hàng hoá đạt tiêu chuẩn về môi trường… đang có chiều hướng gia tăng.

Tuy vậy, các vụ việc nêu trên hầu như không bị xử lý hình sự do chưa thiết lập chế định TNHS đối với pháp nhân. Các biện pháp xử phạt hành chính như phạt tiền hoặc đóng cửa, chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp không phải là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước nên các doanh nghiệp sẵn sàng chịu phạt tiền nhiều lần, thậm chí sau khi bị đóng cửa lại mở cơ sở mới và tiếp tục vi phạm.

Thêm vào đó, việc truy cứu TNHS đối với người đứng đầu pháp nhân cũng không thể thực hiện được vì cấu thành tội phạm về môi trường đòi hỏi phải thỏa mãn dấu hiệu “đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền gây hậu quả nghiêm trọng”. Do vậy, đã đến lúc phải quy định TNHS đối với pháp nhân. Tuy nhiên, phải cân nhắc kỹ để tránh bỏ lọt tội phạm do cá nhân “núp bóng” pháp nhân.

Để góp phần vào việc xây dựng chế định TNHS của pháp nhân, TS. Đỗ Đức Hồng Hà kiến nghị: Về phạm vi áp dụng TNHS đối với pháp nhân, việc xác định phạm vi chủ thể của tội phạm trong BLHS Việt Nam phải thể hiện rõ, chỉ xác định chủ thể của tội phạm là các tổ chức có tư cách pháp nhân. Tuy nhiên, điều này không loại trừ TNHS của người đại diện pháp nhân. Bên cạnh đó, BLHS nên quy định TNHS của pháp nhân đối với một số tội phạm cụ thể như các tội phạm về môi trường, các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, rửa tiền, sản xuất, buôn bán trái phép chất ma túy…

Về hình phạt, có thể lựa chọn loại và mức hình phạt phù hợp đối với các pháp nhân: Quy định phạt tiền với mức cao hơn nhiều lần so với việc phạt tiền với tư cách là biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Mặt khác, các cơ quan nhà nước vẫn có thể áp dụng các biện pháp hành chính khác đối với pháp nhân, như rút giấy phép sản xuất kinh doanh, đình chỉ hoạt động của pháp nhân...