Chiến dịch thần tốc cấp 6 triệu căn cước công dân của CATP Hà Nội:

Góp nỗ lực cùng đất nước tiến vào kỷ nguyên số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong gần 2 tháng thực hiện chiến dịch Cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử, có những đơn vị của CATP Hà Nội đã làm việc tới 20 giờ/ngày. Và đến sáng 18-4, hồ sơ thu nhận của công dân đã cán mốc con số 3 triệu, đạt 50% chỉ tiêu Bộ Công an giao…
Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội kiểm tra công tác cấp CCCD tại huyện Chương Mỹ

Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội kiểm tra công tác cấp CCCD tại huyện Chương Mỹ

Chiến dịch không có trong lịch sử

Bám sát chiến dịch “thần tốc” này, mỗi ngày chúng tôi lại nạp thêm những câu chuyện mới đầy năng lượng từ những cán bộ, chiến sỹ (CBCS) làm nhiệm vụ. Đó là câu chuyện của vợ chồng Trung úy Nguyễn Thị Ngọc Hoa - cán bộ Đội Cảnh sát QLHC về TTXH (CAH Phú Xuyên). Cưới nhau 5 năm, mãi đến năm 2019, vợ chồng Trung úy Hoa mới đón đứa con đầu lòng. Thế nhưng dù em bé mới hơn 1 tuổi, nhưng đôi vợ chồng đã gửi lại con nhỏ cho ông bà nội ngoại chăm sóc hộ để nỗ lực cùng các đồng đội hoàn thành phần việc cấp trên giao. “Con mình thì không được bế, nhưng mỗi khi người dân mang con đi cùng để xin cấp CCCD, chúng em sẵn sàng bế giúp để họ dễ dàng làm các thủ tục” - Trung úy Nguyễn Thị Ngọc Hoa bày tỏ.

Thiếu tá Dương Thùy Dương - Đội trưởng Đội Cảnh sát QLHC về TTXH (CAH Phú Xuyên) cho hay, đơn vị có 3 cặp vợ chồng đều tham gia chiến dịch. Phú Xuyên có 27 xã, thị trấn, trong đó nơi xa nhất cách trung tâm huyện 20km. Quán triệt mệnh lệnh của Giám đốc CATP Hà Nội, với tinh thần “Dễ làm trước, khó làm sau. Đông làm trước, đơn lẻ làm sau. Ngày làm xa, đêm làm gần”, đến thời điểm này CAH Phú Xuyên cùng 30 quận, huyện, thị xã đều đã vào guồng trơn tru và tiến độ đẩy nhanh từng ngày.

Quan tâm sát sao, chấn chỉnh từng chi tiết nhỏ

Trong chiến dịch này, công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc được đặc biệt coi trọng. Ngay từ những ngày đầu tiên thực hiện “cao điểm trong cao điểm”, giống như một giải đấu thể thao, chiến dịch cấp CCCD gắn chíp đã có ngay một... “bảng tổng sắp”. Có điều, đó không phải là điểm số, không phải là sự thắng - thua, mà là bảng xếp hạng số hồ sơ mỗi ngày của các đơn vị. Những ngày đầu còn bỡ ngỡ, mỗi dây máy chỉ có thể tiếp nhận được khoảng từ 150-180 trường hợp/ngày. Nhìn các con số “nhảy múa” liên tục trên “bảng tổng sắp” chung ấy, những đơn vị dẫn đầu thì cảm thấy tự hào vì công sức của họ được đền đáp. Nhưng những đơn vị bị rơi xuống top lại càng có động lực phấn đấu hơn bởi sự ganh đua.

Gần 2 tháng với những đêm không ngủ, mỗi CBCS tham gia chiến dịch cấp CCCD gắn chíp điện tử nói riêng, Công an Thủ đô nói chung đều nhận thức rõ, sâu sắc về trách nhiệm phục vụ nhân dân. Đó là yêu cầu, mệnh lệnh để Việt Nam bước vào kỷ nguyên số với những lợi ích chưa thể đo đếm được.

Ngay cả Đảng ủy Ban Giám đốc CATP cũng không thể ngồi yên khi “bảng tổng sắp” cập nhật các thông tin nóng bỏng. Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội cũng đã tranh thủ ngày thứ bảy, chủ nhật, trực tiếp đến những đơn vị top cuối để tìm hiểu nguyên nhân vì sao họ chưa thể đạt hiệu suất tốt nhất. Rất nhanh chóng người đứng đầu CATP Hà Nội và các thành viên trong đoàn công tác đã tìm ra nguyên nhân, chỉnh sửa cho CBCS làm thủ tục tiếp nhận từng chi tiết nhỏ, từ cách lấy vân tay đến cách chụp ảnh cho người dân.

Từ những thực tế ấy, Đảng ủy Ban Giám đốc CATP đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH phối hợp với Phòng Tham mưu ban hành hướng dẫn quy trình chuẩn trong công tác thu nhận hồ sơ, xử lý, bảo mật dữ liệu... Thành lập tổ xử lý sự cố về đường truyền, thiết bị, để khắc phục nhanh nhất khi có sự cố, đảm bảo công tác thu nhận hồ sơ và xử lý dữ liệu không bị gián đoạn.

Thành lập 3 tổ công tác liên phòng để duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, hướng dẫn, chấn chỉnh toàn diện các nội dung liên quan đến công tác cấp CCCD của công an các quận/huyện/thị xã, đảm bảo thực hiện nghiêm túc quy trình thu thập, xử lý hồ sơ, không để xảy ra bức xúc trong nhân dân. Trên cơ sở kiểm tra, phát hiện kịp thời các tồn tại, Giám đốc CATP đã giao Trưởng Công an quận/huyện/thị xã trực tiếp chấn chỉnh tại đơn vị, đồng thời thành lập tổ công tác đặc biệt xử lý ngay nếu phát hiện tiêu cực, không để các đối tượng cơ hội chính trị, phản động lợi dụng bôi nhọ hình ảnh của lực lượng CAND.

Trung úy Nguyễn Thị Ngọc Hoa - cán bộ Đội Cảnh sát QLHC về TTXH (CAH Phú Xuyên) hỗ trợ người dân làm CCCD gắn chíp điện tử

Trung úy Nguyễn Thị Ngọc Hoa - cán bộ Đội Cảnh sát QLHC về TTXH (CAH Phú Xuyên) hỗ trợ người dân làm CCCD gắn chíp điện tử

Vì nhân dân phục vụ

Tính đến ngày 17-4 đã có 180 tổ cấp CCCD gắn chíp điện tử lưu động trên địa bàn thành phố. CATP Hà Nội đã huy động thêm 828 CBCS thuộc các công an huyện để tiến hành tập huấn và bố trí ngay vào các dây chuyền đang hoạt động, sẵn sàng tách riêng thành từng tổ công tác khi được Bộ Công an trang cấp thêm các thiết bị mới. Đến nay, tổng cộng đã huy động gần 1.500 CBCS trực tiếp tham gia vào công tác này, chưa kể số CBCS công an cấp xã chính quy và bán chuyên trách hỗ trợ trong quá trình cấp CCCD lưu động tại địa bàn quản lý.

Gần 2 tháng với những đêm không ngủ, mỗi CBCS tham gia chiến dịch cấp CCCD gắn chíp điện tử nói riêng, Công an Thủ đô nói chung đều nhận thức rõ, sâu sắc về trách nhiệm phục vụ nhân dân. Đó là yêu cầu, mệnh lệnh để Việt Nam bước vào kỷ nguyên số với những lợi ích chưa thể đo đếm được.

“Mẹ đừng mong con, vì tiếng gọi thiêng liêng

Khi Tổ quốc cần, con ngại chi gian khổ

Để đất Mẹ tiến vào kỷ nguyên số

Ngẩng cao đầu cùng cường quốc năm châu”

Xin mượn lời những câu thơ này để nói lên niềm tin của những CBCS đang ngày đêm chạy đua cùng chiến dịch, đạt mốc trong thời gian sớm nhất.

Mong người dân tiếp tục đồng hành cùng lực lượng Công an

Những tháng cao điểm thực hiện “chiến dịch” cấp Căn cước công dân gắn chíp điện tử vừa qua, CAH Mỹ Đức đã hết sức nỗ lực, quyết tâm thực hiện chỉ đạo, chủ trương xuyên suốt của Bộ Công an và CATP Hà Nội. Điều này giúp tỷ lệ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của đơn vị đạt cao, và tương đối ổn định. Chúng tôi nhận thức rõ, cán bộ quyết tâm đến mấy, máy móc hiện đại đến mấy, mà người dân chưa “thông”, chưa đồng hành, thì kết quả sẽ không thể tích cực. CAH Mỹ Đức thời gian qua đã được người dân hỗ trợ, hợp tác thông qua công tác tuyên truyền và sự nhiệt tình, trách nhiệm của lực lượng làm nhiệm vụ. Tôi mong rằng thời gian còn lại, không chỉ riêng huyện Mỹ Đức mà toàn bộ các quận/huyện/thị xã của Hà Nội sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của bà con nhân dân để sớm cán đích trên 6 triệu công dân được cấp thẻ căn cước công dân mới.

Thượng tá Nguyễn Thanh Bình - Trưởng CAH Mỹ Đức, Hà Nội

Trưởng thành hơn trong công tác chuyên môn

Tôi cho rằng, chiến dịch cao điểm cấp Căn cước công dân gắn chíp điện tử đang được CATP Hà Nội triển khai đã giúp từng cán bộ, chiến sỹ, từ người lính đến chỉ huy đơn vị cơ sở trưởng thành hơn, nắm vững hơn các quy định pháp luật về công tác quản lý tạm trú, tạm vắng cũng như công nghệ thông tin. Một vấn đề quan trọng khác là thông qua việc tiếp nhận, hướng dẫn nhân dân đến làm Căn cước công dân gắn chíp điện tử, kỹ năng ứng xử, giao tiếp của các chiến sỹ cũng được nâng lên. Chiến dịch này sẽ thành công, người dân sẽ có Căn cước công dân mới, và trong mỗi chiến sỹ Công an sẽ có thêm kinh nghiệm để phục vụ nhân dân tốt nhất.

Trung tá Phạm Trung Khánh Tùng - Trưởng CAP Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

“Phận liễu” không thua “mày râu”

Tôi thường nói vui với anh em rằng, trong suốt quá trình thực hiện chiến dịch, các nữ chiến sỹ không hề thua kém các đồng đội “phái mạnh”, từ tiếp nhận hồ sơ, chụp ảnh, lăn tay, đến vận động, tuyên truyền, hướng dẫn người dân làm thủ tục cấp Căn cước công dân gắn chíp điện tử. Trong chừng mực nào đó, “phái yếu” còn mạnh hơn “phái mạnh”, vì họ còn phải thu xếp việc nhà, con cái, đêm hôm làm tăng ca… một cách chỉn chu, tích cực nhất có thể. Đến thời điểm này, tôi nghĩ rằng chị em phụ nữ chúng tôi vô cùng cảm ơn “hậu phương lớn”, là bố mẹ, chồng con, anh chị em… thời gian vừa qua đã và đang ngày đêm lặng lẽ tạo điều kiện, ủng hộ, giúp đỡ để chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chiến dịch này thành công, phần thưởng có được chúng tôi xin được dành cho “hậu phương” của mình…

Trung tá Trương Thị Liễu - Phó trưởng Công an xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội