Gỗ Việt Nam lại bị cáo buộc sai lệch

ANTĐ - Cáo buộc sai sự thực của cơ quan điều tra môi trường Environment Ingestigation Agency (EIA) – tổ chức phi chính phủ hoạt động tại Anh quốc rất có thể sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành xuất khẩu gỗ Việt Nam.

EIA vừa họp báo tại Bangkok – Thái Lan công bố báo cáo “Giao lộ - thương mại gỗ bất hợp pháp giữa Lào và Việt Nam” với nhiều cáo buộc xấu về ngành gỗ Việt Nam. Tuy nhiên, cáo buộc này đã bị Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam phản đối, bởi nó là những thông tin sai sự thực.

Theo đó, báo cáo được công bố ngày 28-7, cáo buộc một số Công ty gỗ Việt Nam, mua gỗ bất hợp pháp từ Lào và sử dụng các nguyên liệu này sản xuất đồ gỗ xuất khẩu (XK) sang Mỹ và EU – hai thị trường XK gỗ chủ lực của nước ta.

Kết luận này được đưa ra sau quá trình điều tra được cho là “kỹ lưỡng”, có phỏng vấn, ghi âm. Tổ chức này nhận định hùng hồn rằng, phần lớn gỗ tròn nhập lậu qua biên giới được chế biến thành các sản phẩm gỗ tại Việt Nam, sau đó xuất đi Mỹ và EU. Đây là lần thứ hai (lần đầu vào năm 2008), EIA phát hành báo cáo về việc buôn bán gỗ bất hợp pháp giữa Việt Nam, Lào và Campuchia.

Ngay sau lần cáo buộc thứ nhất, Bộ NN&PTNT và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã có công văn phản bác các cáo buộc của EIA nhằm gây tổn hại đến uy tín của ngành gỗ Việt Nam.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư kí Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam khẳng định, mọi cáo buộc mà EIA đưa ra hoàn toàn sai sự thật. Gỗ được khai thác từ Lào đều là gỗ từ các lòng hồ, vùng gập nước, trước khi XK được cơ quan chức năng của Lào kiểm tra chặt chẽ. 100% gỗ tròn xuất khẩu sang Mỹ và EU là sản phẩm gỗ ngoài trời sử dụng chủ yếu gỗ rừng trồng.

“Gỗ chế biến các sản phẩm gỗ sử dụng ngoài trời đều phải chẻ nhỏ, qua ngâm sấy để chống cong vênh do tác động thời tiết, về nguyên tắc không bao giờ sử dụng các loại gỗ tự nhiên có đường kính lớn. Nếu sử dụng loại gỗ này để làm sản phẩm ngoài trời, chỉ có nước… phá sản”, ông Quyền lên tiếng.

Các sản phẩm gỗ XK Việt Nam đều có nguồn gốc hợp pháp

Bên cạnh đó, chủ tịch Hiệp hội gỗ, ông Trần Đức Sinh cho biết, báo cáo điều tra của EIA không cung cấp số liệu cụ thể, sử dụng các hình ảnh và thông tin cách đây đã 3 năm, cách thức điều tra chỉ đơn thuần qua kênh phỏng vấn không chính thức.

“Chúng tôi được biết các nhân viên của EIA giả danh là khách hàng để tiếp cận với DN, ghi âm, đặt câu hỏi mờ ám, thiếu minh bạch, các nhân viên Việt Nam được phỏng vấn cũng không biết mình làm việc với ai. Đây là cách điều tra không toàn diện, những bình luận chủ quan trong báo cáo là không trung thực và thiếu khách quan” – ông Sinh nói.

Ông Sinh cho rằng, cáo buộc của EIA có động cơ xấu, nhằm gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành gỗ Việt Nam, điều này cũng không loại trừ các đối tượng là đối thủ cạnh tranh cố tình bịa đặt, hạ uy tín ngành gỗ nước ta.

Trước đó, vào ngày 30-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Nguyễn Phương Nga đã phản bác những thông tin sai sự thật trong báo cáo. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng nhanh chóng có tờ trình báo cáo Chính Phủ. Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, ngay lập tức phát hành thư bác bỏ các nội dung sai sự thật đối với các DN gỗ Việt Nam và trực tiếp gửi tới EIA, Tổng cục Môi trường của E Ucùng đại diện Liên minh châu Âu tại Hà Nội để nêu rõ vấn đề. Hiệp hội cũng đối chất với Tổng cục môi trường thuộc EU – cơ quan trực tiếp tài trợ cho điều tra của EIA và được phản hồi rằng, phía EU không ủng hộ các kết luận của báo cáo do việc điều tra không minh bạch.

Việt Nam hiện là nước xuất khẩu gỗ đứng đầu Đông Nam Á, và thứ 10 trên thế giới. Xuất khẩu gỗ đi 120 quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, kể từ khi đạo luật Lacey của Mỹ ra đời, chưa có lô hàng gỗ nào của Việt Nam bị  trả lại. Điều đó chứng tỏ, gỗ Việt Nam hoàn toàn hợp pháp.