Giữ cho được bình thường

ANTĐ -  Chỉ số giá tiêu dùng sau 4 tháng đầu năm nay tăng thấp nhất so với cùng kỳ 9 năm qua. Với “tiến bộ” này, các chuyên gia đều dự đoán gần như chắc chắn CPI cả năm 2012 sẽ ở dưới 10%, thậm chí có thể thấp hơn tốc độ tăng 6,52% của năm 2009. Sự tăng chậm lại của CPI được coi là “nhiệt kế” đo độ nóng nhất là lạm phát đã giảm nhiệt. Đây là tiền đề cho việc hạ lãi suất cho vay để “giải cứu” doanh nghiệp và có thể phải lo cho tăng trưởng hợp lý.

Thành công trong mục tiêu kiềm chế lạm phát thường đi kèm theo “phản ứng phụ” là giảm phát, tức là suy giảm tăng trưởng và liền sau đó là thiểu phát. Một số nhà nghiên cứu lưu ý, “điều trị” giảm phát và đình trệ bao giờ cũng khó hơn chữa trị tăng trưởng nóng. Đặc biệt khi “bốc thuốc” trị giảm phát và đình trệ dễ dẫn đến cái vòng luẩn quẩn: lạm phát - đình trệ - lạm phát. Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 và 4 tháng qua, có nguyên nhân do sự “co” lại của tín dụng và tiêu dùng. Từ đầu năm đã có 2 lần hạ trần lãi suất huy động từ 14% xuống còn 13% và 12%/năm; đồng thời giảm các loại lãi suất điều hành, lãi suất liên ngân hàng và mở tín dụng cho vay tiêu dùng, bất động sản.

Tuy nhiên, do phải đáp ứng các điều kiện vay khắt khe của ngân hàng thương mại, cho nên các doanh nghiệp vẫn khó “chạm tay” vay vốn và lãi suất thì vẫn còn cao. Trong khi đó, chỉ số tiêu thụ của công nghiệp chế biến chỉ tăng 0,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tốc độ tăng chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù, giá vàng, giá USD ổn định, nơi được coi là “hầm” trú ẩn an toàn thời kỳ lạm phát cao, chứng tỏ không có yếu tố “lạm phát tâm lý”, song không phải vì thế mà vội vã cho rằng, đây là khoảng lặng lý tưởng để chấn chỉnh một số mặt hàng thiết yếu theo cơ chế thị trường.

Luồng ý kiến này ngộ nhận rằng, trong thời điểm “lý tưởng” này, nếu tăng giá thì không lo sợ các mặt hàng khác sẽ “té nước” theo giá xăng dầu. Bởi vì, càng tăng giá sẽ càng ế ẩm. Do sức mua của người dân gần như đã… chạm đáy. Bằng chứng được đưa ra là khi giá xăng được điều chỉnh tăng tới 10%, nhưng lạm phát chỉ ở mức 0,16%, thấp hơn nhiều so với dự báo của các chuyên gia, vì giá lương thực, thực phẩm chững lại. Một đại diện của khối kinh doanh cũng đồng tình với quan điểm này, khi quả quyết rằng, với sức mua của dân cư hiện nay, chẳng doanh nghiệp nào dại gì tăng giá bán.

Với lý lẽ này, có thể sắp tới giá điện cũng sẽ được điều chỉnh tăng trong thời điểm “lý tưởng” mà không lo ngại bất hợp lý. Hiện chưa thể biết sau lần tăng giá xăng dầu gần đây, thuế nhập khẩu mặt hàng này có được khôi phục lại không hay phải đợi sau một vài đợt tăng giá nữa? Ngân sách Nhà nước sẽ giảm thu bao nhiêu phần trăm theo nguồn thu thuế tiềm năng này? Không phải ngẫu nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội lưu ý: “Sức mua của toàn bộ nền kinh tế giảm, thu nhập của người dân giảm mạnh, đồng tiền kiếm ra được khó khăn hơn. Doanh nghiệp có thể được vay vốn, nhưng vay để làm gì khi sức mua của nền kinh tế đang giảm sút?”. Không chỉ riêng Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, mà một số chuyên gia kinh tế cũng dự báo, từ quý II năm nay, nền kinh tế nước ta sẽ đứng trước sức ép ngày càng tăng do giá một số mặt hàng tăng lên.

Nếu chỉ số giá tiêu dùng giảm bình thường thì đó là điều tốt, nhưng nếu giảm đột ngột trong khi  GDP tăng trưởng chậm, sản xuất bị đình đốn, nhu cầu tiêu dùng yếu, thì đó là biểu hiện bất thường của sự giảm phát kinh tế. Giữ cho được bình thường, không phát triển quá nóng cũng không quá lạnh là tốt nhất.