Giữ bình yên cho những nhịp xuân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Kết thúc đợt nghỉ Tết cổ truyền Quý Mão 2023 cũng là lúc khởi đầu mùa lễ hội, kéo dài đến tận tháng 3 Âm lịch. Đảm bảo an ninh, an toàn lễ hội ở các di tích, đình, đền, chùa là nhiệm vụ mang tính thường niên, song không vì thế mà hình thành tâm lý chủ quan. Bắt đầu từ trung tuần tháng 12-2022, CATP Hà Nội xây dựng, triển khai nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự tại những địa điểm tập trung đông người và đây là một trong những yêu cầu trọng tâm của Kế hoạch cao điểm bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023.

Kết quả là thước đo của mọi phương án

Với người dân Thủ đô và du khách thập phương, lễ hội chùa Hương luôn là nơi thôi thúc các bước chân lên đường. Nhiều năm qua, nơi đây được xem là kỷ lục của những kỷ lục về lễ hội. Nhưng với với lực lượng Công an Thủ đô, việc giữ gìn, đảm bảo an ninh, trật tự cho lễ hội chùa Hương chưa bao giờ là nhiệm vụ đơn giản. Nhiều cán bộ, chiến sỹ được phân công bảo vệ lễ hội nói vui là họ có thêm nhiệm vụ giữ gìn “hương vị Tết” thêm gần 100 ngày. Vì sao vậy?

Lực lượng công an hướng dẫn giao thông trên trục đường vào thắng cảnh chùa Hương

Lực lượng công an hướng dẫn giao thông trên trục đường vào thắng cảnh chùa Hương

Bởi thắng cảnh chùa Hương tuy nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, nhưng các chiến sĩ Công an Hà Nội (với sự phối hợp của lực lượng nghiệp vụ Bộ Công an) phải trải đều khắp các địa bàn, tuyến giao thông dẫn về khu thắng cảnh này. Xe khách rùa bò, “cò” xe, “cò” đò, ùn tắc… những hiện tượng tuyệt đối không được hình thành phức tạp trên mọi nẻo đường về chùa Hương. Còn ở thủ phủ của thắng cảnh, đồng bộ các lực lượng phải vào cuộc.

Trước 6-1 Âm lịch (ngày khai hội chùa Hương), CATP Hà Nội đã có hướng dẫn, chỉ đạo CAH Mỹ Đức tham mưu UBND huyện, Ban tổ chức lễ hội để chỉ đạo Tiểu Ban văn hóa - xã hội phối hợp các cơ quan, đơn vị, UBND xã Hương Sơn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh văn hóa, lịch sử của di tích thắng cảnh Hương Sơn và lễ hội chùa Hương; quy chế của Ban tổ chức lễ hội chùa Hương; quy định của Ban tổ chức lễ hội về công tác đảm bảo an ninh trật tự; giá vé các loại (vé thắng cảnh, vé đò, vé gửi xe)...

Lực lượng công an cũng phối hợp với các tiểu ban thực hiện công tác quản lý, kiểm tra, xử lý đối với các hành vi vi phạm liên quan đến hành vi ép giá, ép khách, tranh giành khách, trốn lậu vé, các cơ sở kinh doanh vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, bày bán động vật hoang dã, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đồ chơi bạo lực nguy hiểm, văn hóa phẩm không được lưu hành, cờ bạc trá hình, đổi tiền lẻ… Nhiệm vụ trọng tâm khác là thường xuyên nắm chắc tình hình, quản lý và bảo vệ an toàn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch quần thể Hương Sơn.

Chỉ huy CAH Mỹ Đức cho biết, đơn vị đã phối hợp tổ chức tổng rà soát, nắm tình hình, điều tra cơ bản các mục tiêu, đối tượng trên địa bàn xã Hương Sơn và các địa bàn giáp ranh nhằm phục vụ phương án đảm bảo an ninh trật tự, đáp ứng tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Lực lượng công an đã thành lập các tổ tuần tra kiểm soát trong khu vực, trực 24/24h để tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm và xử lý các vấn đề phát sinh. Bên cạnh đó, chủ động triển khai các biện pháp nhằm phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp và xử lý nghiêm các loại tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy và các tệ nạn xã hội.

Không quá để thấy rằng, lễ hội chùa Hương kết thúc chính là thước đo hiệu quả những chỉ đạo, quyết tâm và giải pháp của lực lượng Công an Thủ đô. Rất mừng là bao nhiêu năm qua, những phản hồi luôn tích cực.

Hướng dẫn đảm bảo PCCC tại cơ sở thờ tự

Hướng dẫn đảm bảo PCCC tại cơ sở thờ tự

Thế trận đồng bộ, rộng khắp

Khó để thống kê chính xác Hà Nội có bao nhiêu lễ hội trong 3 tháng xuân. Nhưng có một điểm chung là lễ hội nào cũng luôn có lực lượng công an thực hiện nhiệm vụ. Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã kết thúc, người dân Thủ đô được hưởng trọn vẹn những ngày thời tiết thuận hòa để quây quần, sum họp bên gia đình và cùng nhau du xuân đón Tết. Để có được sự bình yên trên địa bàn là sự nỗ lực, cố gắng của toàn lực lượng Công an Thủ đô. Ngay từ thời điểm trước Giao thừa, người dân đổ về các trận địa bắn pháo hoa rất đông. Nắm và dự báo tình hình, công an các đơn vị đã huy động 100% quân số ứng trực, phối hợp với lực lượng CSGT hướng dẫn, phân luồng, không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông.

Suốt kỳ nghỉ Tết, do thời tiết thuận lợi nên người dân du xuân đón Tết rộn ràng hơn mọi năm. Để đảm bảo an ninh, an toàn, ngay từ trước Tết, Phòng Cảnh sát hình sự đã quán triệt cán bộ, chiến sĩ phải triển khai có hiệu quả các biện pháp, giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm lợi dụng các địa điểm đông người để trộm cắp, móc túi, hoặc các tuyến nguy cơ phát sinh tội phạm cướp, cướp giật tài sản. Phân công lực lượng tập trung vào các nơi thờ tự, vì đầu năm không chỉ người dân Thủ đô mà du khách thập phương đi lễ cũng rất đông như: Phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ… Lợi dụng đông người, nhiều người dân sơ hở tài sản, các đối tượng trà trộn gây án nên các cán bộ, chiến sĩ được bố trí hóa trang, mật phục nhằm phát hiện kịp thời đối tượng nghi vấn hoặc các vụ việc xảy ra để xử lý, không để bà con bức xúc ngay trong những ngày đầu xuân năm mới.

Là địa bàn có nhiều điểm thờ tự thu hút du khách, trong những ngày qua, CAQ Tây Hồ chỉ đạo lực lượng Cảnh sát hình sự phối hợp với công an các phường tăng cường tuần tra, kiểm soát, phòng chống tội phạm. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, xử lý các điểm trông giữ xe trái phép, không phép, sai phép cũng được triển khai. Song song với đó là kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm đầu năm quanh các khu vực đền, chùa, miếu, phủ phục vụ bà con.

Sự chủ động này phát huy hiệu quả là ngày 24-1 vừa qua, CAQ Tây Hồ đã tóm gọn tên trộm gây ra liên tiếp 9 vụ móc điện thoại, ví ở nhiều di tích trên địa bàn thành phố.

Không chỉ quyết liệt đấu tranh, phòng chống tội phạm, Công an Hà Nội đã chủ động phòng ngừa tối đa các nguy cơ cháy, nổ tại các thắng cảnh, di tích. Trước và trong dịp Tết Nguyên đán, lực lượng Cảnh sát PCCC và CHCN phối hợp công an cơ sở đẩy mạnh kiểm tra các địa điểm di tích, đền, chùa và cơ sở tập trung đông người, hướng dẫn các cơ sở duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn PCCC. Kết quả kiểm tra bước đầu tại một số điểm di tích, nơi thờ tự cho thấy, cơ bản được trang bị bình chữa cháy xách tay, xây khu hóa tiền, vàng đảm bảo an toàn về PCCC.

Ngoài ra, nhiều di tích, đền, chùa đã sử dụng đèn điện thay cho việc thắp nến. Để đảm bảo an toàn, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH cũng yêu cầu các cơ sở nghiêm túc chấp hành và duy trì các điều kiện an toàn về PCCC như quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt tại khu vực bếp, chánh điện, nhà kho, bãi gửi xe… Thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện, điện chiếu sáng, dây dẫn điện. Tăng cường công tác thường trực trong thời điểm khách đến viếng, cúng và sau khi kết thúc công việc trong ngày. Sự bài bản, kiên trì và cũng hết sức văn minh, văn hóa của lực lượng làm nhiệm vụ đã góp vào thành công chung của mùa lễ hội đang bắt đầu.