Giờ chào cờ, sinh hoạt lớp không nhàm chán

ANTĐ - Thời tiết nắng nóng, chương trình dài dòng, quá nhiều lời dặn dò, nhắc nhở… chỉ là vài nguyên nhân khiến các giờ sinh hoạt tập thể của học sinh phổ thông không tạo được sự hứng thú, dẫn tới kém hiệu quả. Khắc phục việc này không khó nếu các trường thực sự đứng từ góc nhìn của học sinh.
Giờ chào cờ, sinh hoạt lớp không nhàm chán ảnh 1
Những tiết học ATGT khô khan được chuyển thành chương trình sinh hoạt tập thể ngoài trời

Giờ chào cờ đầy ắp thông tin

Đã thành truyền thống, giờ sinh hoạt đầu tuần của học sinh trường THPT Trần Phú-Hoàn Kiếm thường xuyên được tổ chức bằng những hình thức sôi nổi, hấp dẫn và quan trọng là mang lại rất nhiều thông tin cho học sinh. “Nhiều bài học lịch sử, ôn lại truyền thống hay những buổi tuyên truyền an toàn giao thông, pháp luật, phòng chống ma túy sẽ rất khô cứng, không thể tiếp cận tới học sinh nếu tổ chức theo cách truyền thụ thông thường. Điều này đã được thay đổi hoàn toàn, tạo nên sự chủ động, hào hứng của học sinh trường THPT Trần Phú với các tiết sinh hoạt, chào cờ đầu tuần” – em Ngô Phương Vy, học sinh lớp 12 D3 của trường cho biết. 

Không vất vả giữ trật tự, không phải ra sức “hò hét” học sinh tập trung nghe phát biểu, các thầy cô khá nhàn nhã khi “khoán” phần lớn các chương trình sinh hoạt tập thể này cho học sinh. Từng tập thể lớp được phát huy hết năng lực tổ chức sự kiện, kết nối thông tin để đem đến những buổi sinh hoạt chuyên đề ngoại khóa hấp dẫn với học sinh toàn trường bằng sự uyển chuyển kết hợp giữa các hoạt động văn nghệ, sân khấu, thuyết trình, hùng biện… Cách làm này đã được áp dụng rất sớm tại trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa. Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thị Nhiếp cho biết, ngày 22-12, kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam vốn không phải là chương trình có sức hấp dẫn với học sinh lứa tuổi teen. Tuy nhiên, cũng như tất cả các buổi sinh truyền thống khác của nhà trường, sự kết nối của học sinh với giáo viên khiến cho chương trình đầy màu sắc, sôi động, thể hiện đầy đủ những thông điệp cần mang tới cho học sinh. Sự nhiệt tình, thấu hiểu của các thầy cô giáo đã thổi lửa vào những buổi sinh hoạt tập thể tại trường.

Vai trò mới của hoạt động tập thể

Phân tích kỹ về vấn đề này, nhà giáo Đinh Huyền Phương – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng: Hoạt động tập thể trong trường phổ thông hiện nay bao gồm chào cờ, sinh hoạt lớp… không hề mới, nhưng đang được kỳ vọng sẽ thực hiện được vai trò mới-phối hợp với môn đạo đức và được tổ chức theo một cách mới để tạo ra bước ngoặt trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Theo nhà giáo Đinh Huyền Phương, giờ chào cờ đầu tuần là tiết học lớn, tiết học đặc biệt, là nội dung bắt buộc trong các hoạt động giáo dục của mỗi nhà trường. Hiện nay việc tổ chức các hoạt động trong giờ chào cờ còn cứng nhắc về nội dung và hình thức, nặng về kiểm điểm, nhận xét. Tổ chức giờ chào cờ phải đảm bảo tính trang nghiêm, sinh động, hấp dẫn, gần gũi với học sinh, đồng thời phải đổi mới hình thức sinh hoạt.

Muốn đạt được yêu cầu này, theo bà Đinh Huyền Phương, các trường cần tổ chức theo chủ đề, chủ điểm cụ thể; nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động đảm bảo đa dạng, bổ ích, gần gũi, thu hút được đông đảo học sinh hưởng ứng, tham gia; nội dung hoạt động phải bám sát các chủ đề, chủ điểm của từng tuần, tháng, các vấn đề mang tính thời sự và thực tiễn xã hội. Việc tổ chức các hoạt động trong giờ chào cờ cần lưu ý, nội dung, chủ đề sinh hoạt phải đa dạng và được thay đổi thường xuyên; cần lựa chọn những chủ đề được các em học sinh quan tâm; khuyến khích tối đa học sinh tham gia, bày tỏ quan điểm của mình trong các hoạt động; các thầy, cô giáo gợi mở vấn đề hoặc chia sẻ khi cần thiết. Cần lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về pháp luật, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giá trị sống… cho học sinh thông qua việc tổ chức các hoạt động văn nghệ, thi biểu diễn tiểu phẩm, thi tìm hiểu, trò chơi… mới tạo được sự hứng thú cho học sinh.