‘Giật mình’ trước tình trạng mất an toàn lao động nhiều nhan nhản

ANTD.VN - Khi các công trình xây dựng ngày càng nhiều, cũng chính là thời điểm tình trạng mất an toàn lao động đáng báo động hơn cả. Mới đây, ngày 29-4, một người thợ sửa điều hòa tại phường Gia Thụy Long Biên, Hà Nội) đã gặp tai nạn lao động, rơi từ tầng 4 xuống, tử vong tại chỗ. Sự việc khiến người dân không khỏi "giật mình" trước thực trạng mất an toàn lao động đang diễn ra. 

Hậu quả nặng nề

Dư luận không chỉ thảng thốt trước cái chết thương tâm của người thợ sửa điều hòa trên mà mọi người còn “giật mình” điểm lại khi thấy thời gian qua có hàng chục vụ tai nạn lao động xảy ra, khiến hàng trăm người bị thương, số người tử vong cũng tăng lên.

          Hiện trường vụ tai nạn lao động: Nam thanh niên sửa điều hòa bị đứt dây bảo hộ, rơi từ tầng 4 xuống, tử vong tại chỗ

Tháng 3-2019, một nhóm người dân vào khu vực mỏ khai thác thiếc đã đóng cửa ở xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp để mót quặng thiếc thì bất ngờ hầm sập. Hậu quả, ông Lương Văn Tuấn (42 tuổi), bà Lương Thị Hảo (37 tuổi, vợ ông Tuấn) và chị Sầm Thị Hải (32 tuổi), cùng ngụ xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, bị đất đá vùi lấp, tử vong tại chỗ.

Theo VOV, ngày 26-6-2018, tại xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An, trong quá trình triển khai trồng cột để kéo cáp viễn thông nhằm cung cấp dịch vụ tới khách hàng trên địa bàn, Công ty cổ phần Đông Đông (đơn vị ký hợp đồng thi công xây dựng công trình với Viettel) đã để xảy ra sự cố gây hậu quả nghiêm trọng, khiến 4 người dân tử vong và 3 người bị thương.

         Hiện trường xảy ra sự cố làm 4 người tử vong tại Nghệ An vào tháng 6-2018 (Ảnh: ICTNews)

Tai nạn lao động không chỉ tăng về số vụ, mà số người chết cũng tăng theo, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng. Trong đó, mất an toàn vận hành cẩu tháp là nguyên nhân chủ yếu. Năm 2018, nước ta phải chứng kiến rất nhiều những vụ mất an toàn lao động, đó là vụ đứt cáp cẩu tháp tại dự án The Sun tại phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội); hay vụ thanh sắt dài khoảng 4m rơi từ tầng 16 tại dự án nhà ở trên đường Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân, Hà Nội) mới đây làm 1 người thiệt mạng và 1 người khác bị thương nặng...

Nguyên nhân thì rõ, nhưng khó khắc phục

Theo Báo Giáo dục thời đại, quy định về an toàn lao động rất chặt chẽ, nhưng người sử dụng lao động vẫn thờ ơ không tuân thủ, thiếu trách nhiệm và không thực hiện đúng quy định. Bởi vậy, mất an toàn lao động luôn là nỗi lo thường trực của công nhân cũng như các cơ quan chức năng. Nói về tình hình mất an toàn lao động, ông Nguyễn Anh Thơ – Phó Cục trưởng Cục ATLĐ (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, có 3 nguyên nhân dẫn đến TNLĐ: Không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn (chiếm gần 15% số vụ); thiết bị không đảm bảo ATLĐ (chiếm 10%)... Đặc biệt, không huấn luyện hoặc huấn luyện ATLĐ chưa đầy đủ cho người lao động là nguyên nhân chính dẫn đến các tai nạn lao động chết người.

         Tình trạng mất an toàn lao động lên mức “ báo động”, đặc biệt chiếm tỷ lệ cao trong ngành xây dựng

Theo ông Thơ, qua khảo sát cho thấy, nguyên nhân TNLĐ đến từ phía người lao động cũng chiếm tỷ lệ khá cao, trên 20%. Trong đó, lỗi vi phạm quy trình quy chuẩn ATLĐ chiếm tới 17% tổng số vụ ( Theo thống kê 2018). Ngoài ra, một số nguyên nhân chủ quan khác như: Biện pháp triển khai tại các công trình chưa triệt để, thậm chí nhiều biện pháp không tuân thủ theo đúng quy chuẩn Nhà nước.

Chẳng hạn theo quy định, hệ thống lan can phải cứng, cao 1m và có 2 thanh ngang. Tuy nhiên, phổ biến ở các công trình xây dựng hiện nay là lan can mềm mang tính cảnh báo chứ không phòng ngừa. Thêm nữa, đào tạo an toàn lao động tại các công trình cũng đang có nhiều vấn đề, cả về nội dung và thời gian. Nhiều trường hợp không được học, không được huấn luyện, nhưng vẫn cấp thẻ ATLĐ. Đặc biệt, công tác kiểm tra sức khỏe cho người lao động còn lỏng lẻo, không ít công trình 100% người lao động đi mua giấy khám sức khỏe…

Khi đó, xảy ra tai nạn lao động trong quá trình làm việc là điều không thể tránh khỏi và người chịu ảnh hưởng lại chính là những người công nhân.

Theo khảo sát về ngành nghề của Cục ATLĐ (Bộ LĐ-TB&XH), hiện lĩnh vực xây dựng đang có tỷ lệ TNLĐ cao nhất với trên 20% tổng số vụ tai nạn và gần 20% tổng số người chết; lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng chiếm gần 10% tổng số vụ...