Giật dây chuyền bất thành vẫn cấu thành tội cướp giật tài sản

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Qua báo chí tôi được biết, đối tượng tên Dương (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) vừa bị cơ quan công an bắt giữ do có hành vi cướp giật tài sản của một phụ nữ. Khai báo tại cơ quan công an, Dương cho biết, sau khi cướp giật được sợi dây chuyền của người phụ nữ nêu trên, đối tượng mang về nhà, rồi cùng người thân mang bán được 50 triệu đồng. Trước đó, đối tượng còn gây ra 2 vụ cướp giật khác tương tự. Trong đó, 1 vụ đối tượng ra tay cướp giật nhưng sợi dây chuyền không đứt, song đã khiến người phụ nữ đi xe máy bị ngã dẫn đến thương tích. Còn 1 vụ đối tượng cướp giật thành công sợi dây chuyền và mang về đưa cho người thân bán được 18 triệu đồng, cùng nhau ăn tiêu. Xin hỏi luật sư, ở vụ việc thứ hai - cướp giật sợi dây chuyền bất thành thì hành vi của đối tượng Dương có cấu thành tội phạm không? Người thân của Dương biết rõ nguồn gốc tài sản và cùng đem đi bán lấy tiền ăn tiêu chung thì phạm tội gì? Hậu quả pháp lý mà Dương và người thân của anh ta phải chịu là như thế nào? Nguyễn Thị Duyên (Hà Nội)

Luật sư Đặng Văn Sơn trả lời:

Luật sư Đặng Văn Sơn (Văn phòng luật sư Đặng Sơn và Cộng sự; Số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội)

Luật sư Đặng Văn Sơn (Văn phòng luật sư Đặng Sơn và Cộng sự; Số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội)

Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, tội “Cướp giật tài sản” được quy định tại Điều 171. Tuy nhiên, điều luật này không mô tả hành vi khách quan, trên thực tiễn xét xử thừa nhận hành vi khách quan của tội này là hành vi công khai, nhanh chóng chiếm đoạt tài sản, dấu hiệu công khai vừa thể hiện tính khách quan của hành vi chiếm đoạt tài sản, vừa thể hiện ý thức chủ quan của người phạm tội. Dấu hiệu nhanh chóng phản ánh thủ đoạn thực hiện hành vi chiếm đoạt của người phạm tội như lợi dụng các sơ hở có sẵn hoặc người phạm tội chủ động tạo ra và nhanh chóng tiếp cận, nhanh chóng chiếm đoạt và nhanh chóng tẩu thoát… Dấu hiệu công khai và nhanh chóng của tội phạm này để phân biết với hành vi chiếm đoạt tài sản ở các tội khác như: tội “Cướp tài sản”, “Cưỡng đoạt tài sản”. Bởi vậy hành vi của người cướp giật sợi dây chuyền bất thành do sợi dây chuyền không đứt đã đủ cấu thành tội “Cướp giật tài sản”. Mặt khác, hành vi cướp giật đó khiến người phụ nữ đi xe máy bị ngã dẫn đến thương tích mà thương tích thì tùy theo mức độ tỷ lệ % thương tích của bị hại, người phạm tội sẽ bị áp dụng khung hình phạt theo quy định khung hình phạt tại khoản của điều luật cụ thể.

Theo quy định tại Điều 171 - Bộ luật Hình sự, người phạm tội tùy theo mức độ có thể phải đối diện với một trong các khung hình phạt như sau: Khung cơ bản xác định: “Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm”. Khung 2, người thực hiện hành vi cướp giật tài sản mà tài sản chiếm đoạt có trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11-30%; Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ… thì bị phạt tù từ 3-10 năm. Tương tự, khung 3, người thực hiện hành vi phạm tội sẽ bị phạt tù từ

7-15 năm nếu: Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31-60%. Cao nhất, người có hành vi cướp giật tài sản sẽ bị áp dụng hình phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân, nếu rơi vào một trong các trường hợp: Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên... Ngoài hình phạt chính, người có hành vi phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

Hành vi cướp giật đã đủ cấu thành tội cướp giật tài sản

Hành vi cướp giật đã đủ cấu thành tội cướp giật tài sản

Về hành vi của người thân của đối tượng Dương là biết rõ nguồn gốc tài sản và cùng đem đi bán lấy tiền ăn tiêu chung thì hành vi của người này đã cấu thành tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, được quy định tại Điều 323 - Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, điều luật này quy định: “Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”. Trường hợp tiêu thụ tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng thì bị phạt tù từ 3-7 năm. Người thực hiện hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có còn bị xử phạt bổ sung là phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Ngoài ra, quá trình truy tố, xét xử, Dương và người thân của anh này còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (quy định tại Điều 52 - Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017) là phạm tội 2 lần trở lên.

Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922; hoặc hòm thư điện tử: bandoc@anninhthudo.vn.