Căn cứ để người phạm tội được áp dụng mức án thấp hơn mức truy tố

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Theo dõi vụ án xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội vừa qua tôi thấy, bị cáo Nguyễn Quang Tuấn (cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội) và các đồng phạm bị truy tố tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 3, Điều 222 - Bộ luật Hình sự (BLHS) với mức hình phạt tù rất cao. Tuy nhiên, khi xét xử, Tòa án Hà Nội chỉ tuyên phạt 3 năm tù đối với bị cáo Tuấn. Các bị cáo khác cũng được áp dụng những mức án nhẹ, thấp hơn hẳn mức đề nghị của Viện Kiểm sát. Ở nhiều vụ án khác cũng vậy, giữa khung hình phạt truy tố và mức án Tòa án áp dụng đối với các bị cáo luôn có một khoảng cách rất lớn... Xin hỏi luật sư, vì sao lại như vậy? Pháp luật quy định thế nào về việc áp dụng hình phạt tù? Trường hợp người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng cũng có nhiều tình tiết tăng nặng thì việc này được vận dụng thế nào? Vũ Xuân Ân (Hà Nội).

Luật sư Đặng Văn Sơn trả lời:

Luật sư Đặng Văn Sơn (Văn phòng luật sư Đặng Sơn và Cộng sự ; Số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội)

Luật sư Đặng Văn Sơn (Văn phòng luật sư Đặng Sơn và Cộng sự ; Số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội)

Vừa qua, dư luận xã hội rất quan tâm đến vụ án liên quan đến ông Nguyễn Quang Tuấn - cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội. Tiến hành xét xử sơ thẩm đối với ông Nguyễn Quang Tuấn, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên phạt ông này mức án 3 năm tù giam và không cấm đảm nhiệm chức vụ hay cấm hành nghề, sau khi chấp hành xong bản án. Ở vụ án này, rất nhiều người quan tâm và có quan điểm trái chiều về mức hình phạt mà Tòa án áp dụng đối với ông Nguyễn Quang Tuấn và các đồng phạm trong vụ án. Về vấn đề bạn nêu, chúng tôi thấy phạm vi khá rộng. Do đó, chúng tôi chỉ xin đề cập một cách cơ bản trước những băn khoăn của bạn cũng như rất nhiều người.

- Vì sao mức án Tòa án áp dụng, tuyên phạt 3 năm tù đối với ông Nguyễn Quang Tuấn lại thấp hơn nhiều so với khung khoản của điều luật truy tố và thấp hơn mức án mà Viện Kiểm sát đề nghị?

Theo quy định tại Điều 50 - BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì: “Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự”. Đối với trường hợp của ông Nguyễn Quang Tuấn bị truy tố theo khoản 3, Điều 222 - BLHS với mức hình phạt tù là 10 năm đến 20 năm. Trong quá trình xét xử vụ án, Viện Kiểm sát đề nghị áp dụng 4 - 5 năm tù đối với ông Tuấn. Mức đề nghị này thấp hơn mức quy định của khung hình phạt tại điều luật.

Qua thông tin phản ánh thì thấy Tòa án đánh giá ông Tuấn có vai trò chính, các bị cáo khác tại Bệnh viện Tim Hà Nội có vai trò giúp sức, thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử cũng nhìn nhận, ông Tuấn là người có chuyên môn cao, chuyên gia đầu ngành về tim mạch, được đánh giá cao về chuyên môn và trình độ y học. Bản thân ông Tuấn là giáo sư, tiến sĩ, thường xuyên giảng dạy, viết sách; từng là đại biểu Quốc hội; Quá trình công tác ông Tuấn được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương cao quý và từng cứu sống nhiều người nên được nhân dân yêu quý. Hành vi phạm tội của bị cáo Tuấn về đấu thầu không liên quan đến chuyên môn ngành y và vi phạm xảy ra trong công tác quản lý trong bối cảnh ngành y tế khó khăn, khó mua vật tư vì thiếu sót pháp luật. Ông Tuấn nóng vội dẫn đến phạm tội, song đã nhận rõ trách nhiệm, thành khẩn khai báo và đã tự nguyện nộp hơn 6,2 tỷ đồng khắc phục hậu quả dù không phải là bị đơn dân sự. Do đó, có thể áp dụng hình phạt thấp cũng đủ sức răn đe đối với bị cáo và để ông Tuấn sớm trở về đóng góp cho đất nước, xã hội. Đây chính là những lý do mà Tòa án áp dụng mức hình phạt 3 năm tù đối với ông Nguyễn Quang Tuấn.

- Pháp luật quy định thế nào về việc áp dụng hình phạt tù?

Để áp dụng một trong các hình phạt chính được quy định trong BLHS thì người tiến hành tố tụng khi áp dụng cần có sự xem xét trên các căn cứ để đưa ra quyết định áp dụng một hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ, động cơ, mục đích, nhân thân, tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội nhằm đạt được mục đích của hình phạt khi áp dụng đối với người phạm tội. Cũng như áp dụng hình phạt chính khác, áp dụng hình phạt tù có thời hạn cần phải căn cứ vào những quy định được luật hình sự xác định.

Theo đó, phạt tù là một trong 7 hình phạt chính quy định tại Điều 32 - BLHS năm 2015. Tù có thời hạn là buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt tại cơ sở giam giữ trong một thời hạn nhất định. Tù có thời hạn đối với người phạm một tội có mức tối thiểu là 3 tháng và mức tối đa là 20 năm. Cụ thể, Điều 38 - BLHS quy định: “Tù có thời hạn là buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt tại cơ sở giam giữ trong một thời hạn nhất định. Tù có thời hạn đối với người phạm một tội có mức tối thiểu là 3 tháng và mức tối đa là 20 năm. Thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù, cứ 1 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 1 ngày tù. Và không áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý và có nơi cư trú rõ ràng”... Như vậy, tù có thời hạn là buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt tại cơ sở giam giữ trong một thời hạn nhất định.

Những ngày gần đây, dư luận hết sức quan tâm đến vụ án xét xử liên quan đến những sai phạm ở Bệnh viện Tim Hà Nội

Những ngày gần đây, dư luận hết sức quan tâm đến vụ án xét xử liên quan đến những sai phạm ở Bệnh viện Tim Hà Nội

- Trường hợp người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng cũng có nhiều tình tiết tăng nặng thì việc này được vận dụng thế nào?

Cũng như phân tích ở trên, khi áp dụng hình phạt tù thì Tòa án sẽ căn cứ vào các nguyên tắc được quy định tại BLHS và khi quyết định hình phạt Tòa án sẽ đánh giá mức độ hành vi nguy hiểm cho xã hội, đánh giá động cơ mục đích, thân nhân, sự thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 51, các tình tiết tăng nặng tại Điều 52 - BLHS và đặc biệt là việc đánh giá vai trò của các bị cáo trong vụ án nhằm phân hóa, cá thể hóa vai trò đồng phạm của các bị cáo trong vụ. Để từ đó áp dụng hình phạt và mức hình phạt phù hợp, tương xứng. Trường hợp người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng cũng có nhiều tình tiết tăng nặng thì việc này được vận dụng khi có đủ điều kiện sẽ được áp dụng Điều 54 - BLHS.

Theo đó, điều luật này quy định: “Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này”. Ngoài ra, Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể. Trong trường hợp có đủ các điều kiện vừa nêu nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất thì Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Và lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án.

Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922; hoặc hòm thư điện tử: bandoc@anninhthudo.vn.