Giáo dục di sản trong nhà trường: Lối mòn thụ động

ANTD.VN - Đưa di sản vào giảng dạy trong nhà trường là một trong những hướng đi mà Việt Nam đang thực hiện để giáo dục ý thức cho thế hệ trẻ. Thế nhưng, bên cạnh một số kết quả đã đạt được, nhìn chung vẫn lộ nhiều bất cập.

Giáo dục di sản trong nhà trường phần lớn mới chỉ thực hiện theo lối “cưỡi ngựa xem hoa”

Thiếu chuyên nghiệp

Thời gian qua, một số địa phương đã chủ động đưa di sản vào trường học và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đơn cử như tỉnh Bắc Ninh, Nghệ An có phong trào đưa dân ca vào trường học, Phú Thọ có phong trào đưa hát Xoan vào trường học, Lạng Sơn đưa đàn Tính, hát Then dạy cho học sinh phổ thông… Các phong trào này đã góp phần khơi dậy và lan tỏa tình yêu với di sản; đồng thời cũng là một hoạt động ngoại khóa giúp các em vui chơi, giải trí sau giờ học. Đã có những tài năng dân ca nhí được phát hiện từ các phong trào này. 

Tại Hà Nội, nhiều trường phổ thông đã thực hiện mô hình đưa học sinh tới tham gia CLB “Em yêu lịch sử” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia để học lịch sử qua hệ thống bảo tàng… Cách làm này khiến cho giờ học lịch sử thêm sinh động, cuốn hút. Dù là hướng đi tốt nhưng trên thực tế, việc đưa di sản vào trường học vẫn mang tính chất “cưỡi ngựa xem hoa” nên chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Trong khi đó, nước ta có một hệ thống dày đặc các bảo tàng, di tích, nhà hát trải dài khắp các tỉnh, thành phố. Một trong những nhiệm vụ, chức năng của hệ thống bảo tàng, di tích… là giáo dục về ý nghĩa của di sản tới cộng đồng. Tuy nhiên, chức năng này vẫn bị xem nhẹ. Với cách làm dập khuôn, thiếu sáng tạo, đổi mới, mới dừng ở việc “bày ra tư liệu” mà thiếu các hoạt động tương tác, kích thích trí tò mò nên không thu hút được người xem, tham quan.

Bàn về vấn đề này, PGS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nói: “Nói về giáo dục di sản, đa phần các bảo tàng, di tích của chúng ta hiện nay bắt đầu đưa vào các hoạt động giáo dục nhưng chưa đạt được tính chuyên nghiệp, nên hiệu quả chưa tốt. Nhiều cái gọi là giáo dục di sản nhưng lại đi theo con đường cũ, rất thụ động.Trong khi đó, trong hệ thống giáo dục di sản hiện đại, nhất là với các bảo tàng, các khu di tích, phải làm sao kích thích được trẻ em tham gia, sáng tạo, thoát khỏi cái gọi là học thuộc lòng hoặc kiểu hỏi đâu trả lời đó. Ở đây là khuyến khích sự trải nghiệm. Các em nhỏ được làm, được thấy, được thể hiện và cảm nhận bằng tất cả các giác quan”.

Thay đổi cách làm

Bà Đỗ Thị Tám, Phó Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhận định: “Thực ra, giáo dục di sản không mới, thế giới đã làm 20 năm trước rồi. Việt Nam bắt đầu từ năm 2008-2009. Tới 2010-2013, đã có những dự án gắn di sản với nhà trường. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa đạt được những thay đổi tích cực như kỳ vọng. Mục đích của giáo dục di sản là giúp các em tự trải nghiệm, khám phá là chính, người lớn chỉ là người gợi mở. Bên cạnh những giá trị văn hóa truyền thống được bảo lưu, chúng ta cũng phải lồng vào đó ngôn ngữ hiện đại để “lôi cuốn giới trẻ về với văn hóa dân tộc, giãn dần với các trò chơi điện tử vô bổ, trống rỗng”.

Chủ động, sáng tạo, thay đổi cách làm trong việc giáo dục di sản cũng là điều được PGS Nguyễn Văn Huy nhắc tới.

“Để thực hiện tốt giáo dục di sản, tôi nghĩ, cả 2 phía phải thay đổi. Di tích, bảo tàng, nơi nắm giữ các di sản cũng phải thay đổi về nhận thức, về phương pháp giáo dục, cụ thể hóa được di sản một cách hấp dẫn nhất. Phía nhà trường cũng phải thay đổi cách tiếp cận với di sản. Hiện nay, các trường đưa học sinh đi thăm di sản, nhưng lại phó mặc cho các công ty du lịch và không quan tâm đến việc các em có thu nhận được gì. Muốn xây dựng chương trình trải nghiệm cao, thì phải đi theo từng lớp, từng nhóm nhỏ, học sinh mới được thực hành. Đây chính là sự khác nhau cơ bản nhất trong nội dung giữa giáo dục di sản mới và giáo dục di sản cũ” - PGS Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh.