Giao dịch dân sự vô hiệu đã được quy định cụ thể hơn

ANTĐ - Điều 134 BLDS 2005 quy định: Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, tòa án, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu.

Giao dịch dân sự vô hiệu đã được quy định cụ thể hơn ảnh 1Luật sư Lê Hồng Vân

Theo luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội, trong Dự thảo BLDS sửa đổi (gọi tắt là Dự thảo), vấn đề trên đã được quy định cụ thể, chi tiết hơn tại Điều 132: Trường hợp luật quy định hình thức là điều kiện có hiệu lực của hành vi pháp lý mà không được tuân theo nhưng chủ thể đã hoặc đang được thực hiện quyền, nghĩa vụ thì hành vi pháp lý vẫn có hiệu lực. Trong trường hợp chủ thể chưa thực hiện quyền, nghĩa vụ thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, tòa án cho phép một hoặc các bên thực hiện quy định về hình thức của hành vi pháp lý trong một thời hạn hợp lý; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì hành vi đó vô hiệu. Di chúc không bảo đảm điều kiện về hình thức của di chúc được quy định tại phần thứ tư của Bộ luật này thì đương nhiên vô hiệu.

Như vậy, Dự thảo đã quy định theo hướng, trong trường hợp luật quy định hình thức là điều kiện có hiệu lực của hành vi pháp lý mà hình thức này không được tuân theo nhưng các chủ thể đã thực hiện xong hoặc đang thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình thì hành vi pháp lý vẫn có hiệu lực. Quy định trên của Dự thảo phù hợp với thực tiễn ký kết, thực hiện hợp đồng ở nước ta, bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể xác lập quan hệ hợp đồng cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba, góp phần bảo đảm sự ổn định của quan hệ thị trường. 

Hơn nữa, trong quan hệ dân sự, vấn đề quan trọng và là nguyên tắc cơ bản nhất là “quyền tự định đoạt của các đương sự”. Quyền đó thể hiện sự tự nguyện thỏa thuận của các bên tham gia quan hệ dân sự đó, nếu không vi phạm pháp luật và không trái với đạo đức xã hội thì sẽ được chấp nhận. Do vậy, giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm về hình thức phải được quy định mềm dẻo, linh hoạt hơn so với quy định cũ trong BLDS 2005. Cụ thể là: Nếu vi phạm về hình thức mà không có tranh chấp, chủ thể đã thực hiện xong quyền, nghĩa vụ thì giao dịch đương nhiên có hiệu lực, nếu chưa thực hiện xong mà có tranh chấp mới xem xét vấn đề vô hiệu hay không vô hiệu và lúc đó mới xét lỗi của các bên để giải quyết bồi thường thiệt hại. “Tuy vậy, quy định này cần được bổ sung thêm “nếu vi phạm về hình thức và giao dịch đó vi phạm lợi ích cho người thứ ba (người này tiến hành khởi kiện) thì nên coi là giao dịch vô hiệu” - luật sư Lê Hồng Vân đề xuất.