Giang hồ xăm trổ đầy mình, từng vào tù ra tội nấu cháo từ thiện cho bệnh nhân ung thư

ANTĐ - Cơ duyên tôi gặp anh là vào một buổi chiều tại Bệnh viện ung bướu cơ sở 2 ở Thanh Trì. Mới đầu chỉ là tò mò về một nhóm thanh niên, có người đầu trọc xăm trổ đầy mình, trông tướng rất… giang hồ, đang phát cháo từ thiện cho bệnh nhân. Càng tìm hiểu, tôi càng tò mò, đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Đa phần các thành viên trong nhóm cháo từ thiện này đều là người đã từng vào tù ra tội. Đặc biệt là anh - Đỗ Minh Hòa - trưởng nhóm cũng là người có quá khứ “bất hảo”, từng vào tù ra tội.

Anh Đỗ Minh Hòa và gia đình của mình

“Nếu không đi tù, chẳng biết giờ tôi còn sống không”

Đỗ Minh Hòa sinh ra trong một gia đình cơ bản, gia giáo, gương mẫu, bố mẹ đều tham gia kháng chiến chống Mỹ, mẹ anh là thương binh. Ấy thế mà không hiểu sao từ thuở nhỏ Hòa đã nổi tiếng ngang tàng, nhắc đến cái tên Hòa “dô” thì cả khu phố đều lắc đầu ngán ngẩm. Học hành không đâu vào đâu, Hòa khiến cha mẹ phiền lòng và mang điều tiếng xấu vì luôn nghịch ngợm nhất lớp, đứng đầu, lôi kéo bạn bè vào những trò ăn chơi phá phách, có khi là bỏ nhà đi bụi. Tốt nghiệp cấp 3, Hòa không thi đỗ trường nào nên ở nhà. 

Dù ngang tàng nhưng Hòa lại sớm bộc lộ năng khiếu kinh doanh buôn bán, cái gì người khác chưa nghĩ ra thì anh đã nghĩ và bắt tay vào làm luôn, anh buôn đồ “si đa”, buôn chó Nhật, quạt máy… Lúc ấy tiền kiếm dễ lắm, thế nên Hòa không tiếc tiền tụ tập bạn bè chơi bời, lang bạt giang hồ. Cứ trượt dài, rồi Hòa dính vào ma túy, tiền bạc làm ra cứ thế theo làn khói trắng mà đi. Hết tiền thì vay mượn, cầm cố đồ đạc gia đình. Không xoay được nữa thì đi cướp. Hồi ấy, cha mẹ Hòa ra đường không dám ngẩng mặt vì đứa con “nghịch tử”, cái tên Hòa “dô” khiến nhiều bậc phụ huynh ngán ngẩm, chỉ mong con cái tránh càng xa càng tốt. “Lúc ấy, bố mẹ chỉ mong tôi không vi phạm pháp luật, lấy vợ sinh con như những người bình thường khác chứ chẳng mong gì hơn”. Nhưng cái gì đến rồi sẽ phải đến, trong một lần cướp xe máy năm 1996, Hòa bị công an bắt và phải lĩnh án 6 năm tù về tội Cướp tài sản và Cố ý gây thương tích.

Hòa bảo, bị đi tù hóa ra lại may. Hồi ấy, cơn bão ma túy càn quét cái khu phố nhỏ nơi anh sống. Trở về sau gần 6 năm tù, bạn bè thuở ăn chơi cũ nhiều người đã chết vì  AIDS, hầu như ở cái phố Ngọc Hà này ngõ nào cũng có một vài người chết vì căn bệnh này. “Nếu không vào trại, chẳng biết giờ tôi còn sống hay đã xanh cỏ.” - Hòa cười. 

Ân hận

Gần 6 năm trong trại giam Phú Sơn 4 (Thái Nguyên) là quãng thời gian cực khổ, dằn vặt nhất của chàng trai trẻ. Hòa thấm thía về cái giá của sự ngang tàng, nghịch ngợm của tuổi trẻ, thấm thía cái giá trị của tự do. Nhiều đêm không ngủ, anh mới thấy xấu hổ, ân hận, thấy thương cha mẹ, thấy tiếc quá khứ tội lỗi. Mỗi lần mẹ lặn lội lên thăm, nhìn cái dáng gầy gò, xiêu xiêu vội vã của bà, đôi bàn tay nhăn nheo run run nắm chặt bàn tay con là anh lại trằn trọc không ngủ được, chỉ mong sớm đến ngày tự do để đền đáp cho cha mẹ. Không giống những người mẹ khác, cố gắng chu cấp tiền bạc để con trong tù được đầy đủ, mẹ anh chỉ động viên tinh thần và khuyên dạy con mỗi lần lên thăm. Bà mang cho con cuốn nhật ký viết dở và không quên ghi thêm những vần thơ dạy bảo mong con tỉnh ngộ. “Nhiều bạn tù được bố mẹ chu cấp đầy đủ, họ coi đi tù là việc bình thường lắm, còn với tôi đó là điều kinh khủng, và tôi tự hứa sẽ không bao giờ để phải quay lại nơi này”.

Mãn hạn tù năm 2002, anh trở về địa phương mang theo quyết tâm cháy bỏng làm lại cuộc đời, phụng dưỡng cha mẹ già. Quyết tâm là vậy nhưng để bắt đầu đâu dễ khi những ánh bắt e dè, kỳ thị luôn hướng về mình. Bản thân anh cũng luôn tự ti, mặc cảm về quá khứ tội lỗi của mình. “Tôi đã trải qua không biết bao nhiêu công việc, nhưng đều chẳng được bao lâu vì bị mọi người kỳ thị, không ai muốn nhận một thằng ở tù về.” - anh tâm sự. Cũng may anh có người cha, người mẹ tuyệt vời, luôn an ủi, động viên, khuyến khích con cố gắng. Mẹ từng nhiều lần dẫn anh lên chùa sám hối những mong anh nhanh chóng rũ bỏ tội lỗi, hướng thiện để làm lại cuộc đời.

Sau những lần lên chùa như thế, anh đã thấy bình yên trở lại và càng quyết tâm chứng tỏ mình không phải “kẻ bỏ đi”. Anh xin vào làm việc tại một công ty chè, nơi mà không ai biết về quá khứ của anh. Hằng ngày, với chiếc xe máy cà tàng, anh đi hàng trăm cây số khắp Hà Nội giao chè cho các cửa hàng. Với bản chất thông minh, năng động, cùng với sự cần cù, chịu khó anh lúc nào cũng là nhân viên xuất sắc nhất của công ty. Anh kể, đến tận khi sắp nghỉ làm, anh mới tiết lộ chuyện mình từng đi tù, lúc đấy ai cũng giật mình vì không thể tin nổi.

Cũng trong những lần ngược xuôi giao chè ấy, cảm mến chàng trai chịu khó, giàu nghị lực, cô thợ may Phạm Lan Hương đã vượt qua mọi dị nghị để đến với anh. Đỗ Minh Hòa nhắc đến người vợ của mình với sự yêu thương xen lẫn biết ơn: “Ngày ấy tôi nghèo lắm, lại là thằng đi tù về nhưng cô ấy không quan trọng điều đó. Hai vợ chồng lấy nhau rồi sinh con, cuộc sống càng khó khăn. Được cái chúng tôi rất đồng lòng, cùng chịu thương chịu khó. Tôi hằng ngày đi bán chè, vợ làm may, ngoài ra phải tranh thủ mọi công việc vất vả miễn sao có tiền nuôi con, làm bánh trung thu, bán đồ thủy tinh ở vỉa hè, bán quần áo… Lúc mới sinh con, người ta thì được nghỉ, được kiêng cữ chăm sóc, còn vợ tôi thì phải gửi con ra chợ luôn”. 

Trời không phụ công, dần dà anh chị đã ổn định kinh tế. Có chút tiền tiết kiệm, anh mua mấy cái xe máy về làm dịch vụ cho thuê, sau phát triển dần anh mua ô tô cho thuê. Mới đây vợ chồng anh mở thêm nhà hàng lẩu cháo trên phố Thụy Khuê.

“Có con hư, cứ gửi chú Hòa”

Đó là câu nói vui nhưng thật mà những người hàng xóm nói về anh. Giờ nhắc đến Hòa “dô”, người dân ở khu phố Ngọc Hà không còn sự e ngại như trước nữa, thay vào đó là sự tin tưởng. Không chỉ vì nghị lực vươn lên mà anh còn tích cực tham gia các công tác xã hội, được nhận nhiều bằng khen, ghi nhận của các cơ quan tổ chức. Còn nhớ vài năm trước, khi công trình hồ Đầm Tròn và Bảy Gian mới cải tạo xong, gạch đá, vôi vữa, rác rưởi ngập hồ. Đỗ Minh Hòa đã bỏ hàng trăm triệu tiền túi ra thuê người vớt rác, quét dọn rồi thả cá, mua ghế đá đặt quanh hồ tạo không gian thoáng mát, sạch sẽ.

Giờ Đỗ Minh Hòa đã trở thành một doanh nhân thành đạt với hệ thống nhà hàng, kháh sạn hồ câu lớn. Nhân viên làm việc cho anh đến nay cũng có đến xấp xỉ ba chục người đã từng tù tội, có người sau khi ổn định thì tìm việc khác, nhưng có người gắn bó với anh đến bây giờ. Ông Tống Văn Thắng, một người đã từng lĩnh án 12 năm tù giam về tội giết người chia sẻ đầy biết ơn: Nếu không có anh Hòa, không biết cuộc sống của ông giờ ra sao. Ra tù, không tiền bạc, không nhà cửa, không ai dám nhận vào làm. Khi đến gặp anh Hòa, anh không ngần ngại nhận ông vào làm công việc trông nom, vớt rác ở hồ cá Đầm Tròn và Bảy Gian. Hai thành viên trong nhóm cháo từ thiện ở Viện K cũng đã từng là thành phần giang hồ, đi tù về, một người được anh nhận vào làm lái xe, một người làm ở nhà hàng. 

Anh bảo, đã từng sa ngã, từng đi tù về nên hơn ai hết anh hiểu không có ai là xấu toàn diện, không ai không có sai lầm. Nếu họ đã sai lầm thì phải nâng họ lên, nếu cứ kỳ thị thì rất có thể họ sẽ phạm phải sai lầm nghiêm trọng hơn. Bởi vậy, dù biết nhận những người đã từng ở tù vào làm chắc chắn sẽ có nhiều phiền toái nhưng anh không ngại. Đối với những người đã từng tù tội, mọi giáo lý, lời nói đôi khi rất khó tác động đến họ mà phải bằng việc làm thiết thực, phải gần gũi chia sẻ, mình phải là tấm gương cho họ. “Ai ngang bướng, tôi cho đi phát cháo từ thiện. Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 thường là những bệnh nhân nặng mới được chuyển về điều trị, có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, khi cho họ tiếp xúc với những hoàn cảnh như vậy cũng là một cách để “gieo mầm thiện”. Mới đầu tôi còn phải trả lương cho anh em đi phát cháo, giờ thì không cần trả lương họ vẫn tình nguyện đi”. Anh cũng kể, hồi đầu thấy nhóm cháo từ thiện của anh có người đầu trọc, xăm trổ, tướng giang hồ bệnh nhân còn không dám đến lấy cháo, anh phải đi khắp viện để vận động. Sau thì nồi cháo của nhóm anh lại trở nên “đắt hàng”, vì “đó là nồi cháo ngon nhất viện”. Thế nên hai năm qua, dù trời mưa hay nắng, dù bận bịu đến thế nào thì cứ chiều thứ 3 và thứ 7 hàng tuần, nồi cháo từ thiện của anh vẫn đúng hẹn không thiếu buổi nào.

Anh quan niệm, làm việc thiện không chỉ cho mình mà còn cho bố mẹ, để đức cho con cháu. “Cha mẹ tôi giờ đâu cần tiền, có khi cho các cụ cũng không lấy. Nhưng cứ ra đường người ta gặp, hỏi han, khen con cháu là các cụ vui lắm. Đấy chính là cách tôi báo hiếu cho cha mẹ”.