Gian nan vượt vòng xoáy tội lỗi

ANTĐ - Có những người vì chạy theo lối sống buông thả, ăn chơi đua đòi, có những người vì giây phút nông nổi không làm chủ được bản thân, cũng có những người vì rơi vào bế tắc trong cuộc sống mà tìm đến với ma túy. Điểm chung ở họ là đều mong muốn rèn luyện tốt để sớm trở về, thế nhưng con đường trở lại không dễ dàng. 
Gian nan vượt vòng xoáy tội lỗi ảnh 1
Các học viên tại Trung tâm quản lý sau cai nghiện ma túy số 2 hăng say lao động, rèn luyện

Những cảnh đời nghiệt ngã

Trong gần 1.400 học viên đang học tập, lao động và rèn luyện tại Trung tâm quản lý sau cai nghiện ma túy số 2 (xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội), người trẻ nhất vẫn chưa qua tuổi học đường, người già nhất đã sắp bước vào độ lục tuần. Thêm một điểm đặc biệt nữa là toàn trung tâm không hề có học viên nữ. Sau khi liên hệ với Ban quản lý, chúng tôi được tiếp xúc với một số học viên đang làm việc tại tổ dệt. Trong cái nắng oi ả của trưa hè, tại lán xưởng nằm sâu giữa vùng đồi cao cuối huyện Ba Vì, không khí lao động của các học viên hết sức hăng say, vui vẻ. Nhìn những gương mặt rạng ngời, ít ai nghĩ rằng họ từng trải qua những năm tháng đen tối, cùng cực khi đắm chìm trong ma túy.

 Lê Minh H. (ở Hoàng Mai, Hà Nội), người đàn ông có dáng người nhỏ bé nhưng chắc nịch, mới 38 tuổi đời mà đã có 18 năm “tuổi nghiện”. Kể với chúng tôi, H. cho biết anh bắt đầu “dính” vào ma túy từ năm 1995, khi đang là sinh viên năm thứ 2 của trường Đại học Luật Hà Nội. Bị bạn bè rủ rê “đi hút”, chất ma túy ngấm vào người càng lúc càng mạnh, kéo theo những vụ tụ tập đánh nhau, ăn chơi đàn đúm, H. bị nhà trường kỷ luật rồi bỏ học. Cuộc sống càng bế tắc thì H. nghiện càng sâu. Năm 2002, H. đi cai nghiện lần đầu tại Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục lao động xã hội 04 (Trung tâm 04 Hà Nội) theo đề nghị của chính quyền địa phương. Sau 1 năm trở về, H. nhanh chóng tái nghiện. Đầu năm 2004, lần thứ 2 H. bị chính quyền địa phương đưa đi cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm 01 Hà Nội với thời hạn 2 năm. Trở lại xã hội vào năm 2006, H. lấy vợ, có con, được gia đình và bạn bè giúp đỡ tạo công ăn việc làm nên trong một khoảng thời gian khá dài không tìm đến ma túy nữa. Thế rồi đến năm 2010, khi gia đình gặp một số chuyện không hay, cuộc sống khó khăn, rơi vào bế tắc, H. lại tìm đến ma túy. H. bị chính quyền địa phương đưa đi cai nghiện lần 3, tại Trung tâm 04 rồi chuyển sang Trung tâm Quản lý sau cai nghiện số 2 Hà Nội từ đó đến nay…

Gian nan đường trở lại

Kinh nghiệm từ những người cai nghiện cho thấy, để cai nghiện “cắt cơn” không khó nhưng để đoạn tuyệt được hẳn với ma túy khi trở về cộng đồng, lại là chuyện khác. Câu chuyện của anh Lê Minh H. kể trên chứng tỏ một điều, nếu có nghị lực, nếu có điều kiện tốt trong cuộc sống như được gia đình chở che, được xã hội đón nhận, được tạo công ăn việc làm… thì hoàn toàn có thể cai nghiện thành công. Nhưng quan trọng nhất lại nằm ở chính bản thân mỗi người, đó là nghị lực, là bản lĩnh, sự quyết tâm của bản thân, bởi nếu bản lĩnh chưa đủ thì chỉ cần gặp một biến cố nào đó trong cuộc sống, họ sẽ dễ dàng tái nghiện. 

Anh Lê Minh H. kết thúc buổi gặp gỡ ngắn ngủi với chúng tôi bằng lời tâm sự rất chân thực: “3 năm qua ở trung tâm cai nghiện, chúng tôi được cách ly hoàn toàn với môi trường có ma túy và cũng có thời gian để suy nghĩ lại những sai lầm mà mình đã vướng vào. Không ai muốn sử dụng ma túy một lần nữa, ai cũng muốn rèn luyện thật tốt để trở thành một công dân tốt. Quyết tâm có thừa, nhưng nói thật, bản thân tôi cũng không dám chắc khi trở lại cộng đồng tôi có tái nghiện lần nữa hay không, kinh nghiệm của gần 20 năm nghiện hút và biết bao lần đi cai, cai nghiện tại nhà khiến tôi không dám chắc vào bản lĩnh của mình.”.

Anh Nguyễn Ngọc Anh, Cán bộ giáo dục của Trung tâm Quản lý sau cai nghiện ma túy số 02 (Trung tâm số 2) Hà Nội chia sẻ, thời gian ở trong trung tâm, tất cả học viên đều chấp hành kỷ luật, quy định rất tốt, hăng say lao động rèn luyện, tư tưởng vững vàng, đoạn tuyệt với ma túy. Tuy nhiên với kinh nghiệm hơn 10 năm công tác trong nghề này, anh cho biết, khi các học viên được rời trung tâm trở về cộng đồng, số đoạn tuyệt được hẳn với ma túy chỉ đếm trên đầu ngón tay còn số tiếp tục trượt dài với ma túy thì lại nhiều. Rất nhiều người phải đi cai nghiện nhiều lần, đã có thời gian dài quên được ma túy nhưng rồi lại tái nghiện. Ông Đào Chí Liên (Giám đốc Trung tâm số 2) cho rằng, khó khăn lớn nhất dẫn đến thực trạng này là do xã hội vẫn còn nặng thành kiến với người nghiện, coi họ là tệ nạn, khiến người cai nghiện khi trở về bị xa lánh, không có công ăn việc làm ổn định. Và đó lại là những điều kiện thúc đẩy thuận lợi nhất kéo họ trở lại sai lầm cũ.

Kêu gọi cộng đồng cùng đẩy lùi ma túy

Ngày 26-6, Sở Lao động- thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) Hà Nội đã tổ chức Mít tinh hưởng ứng Tháng hành động phòng chống ma túy và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy (26-6) khối các Trung tâm chữa bệnh-giáo dục-lao động xã hội, Trung tâm Quản lý sau cai nghiện ma túy. Hiện tại ở 9 Trung tâm cai nghiện ma túy của thành phố do Sở LĐ-TB&XH Hà Nội quản lý có khoảng hơn 9.200 học viên. Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nhấn mạnh, công cuộc phòng chống ma túy cũng như cai nghiện ma túy vẫn đang là một mặt trận vô cùng khó khăn, cam go. Thực tế chỉ ra để người nghiện có thể đoạn tuyệt được với ma túy thì vai trò của cộng đồng, xã hội là vô cùng quan trọng, yếu tố bản lĩnh của người cai nghiện là quyết định. Do vậy, ông Nguyễn Đình Đức kêu gọi mỗi học viên cai nghiện hãy tích cực rèn luyện, học tập, thay đổi hành vi nhân cách để sớm trở thành công dân hữu ích. Đồng thời các cơ quan ban ngành, chính quyền địa phương cũng cần quan tâm hơn, chỉ đạo quyết liệt hơn, chung sức vào công cuộc đẩy lùi ma túy.