Giám thị căng thẳng hơn thí sinh

ANTĐ - Sáng 3-7, hàng trăm nghìn thí sinh dự thi ĐH trên cả nước đã đến làm thủ tục dự thi. Điều trái ngược là, thay vì thí sinh bị căng thẳng trước ngày thi thì lần này các giám thị lại có tâm lý nặng nề hơn do những thay đổi sát giờ của Bộ GD-ĐT về quy định vật dụng được mang vào phòng thi.

Quy định xử phạt làm giám thị lo ngại

Quy định phòng thi được siết chặt ngay trong ngày làm thủ tục dự thi

Tại trường ĐH Kinh tế quốc dân sáng 3-7, dù đã hơn 8h nhưng nhiều giám thị vẫn còn đang được phổ biến quy chế thi thay vì xuống các phòng thi để phổ biến cho thí sinh. Một giám thị là sinh viên năm cuối của trường này cho biết, rất nhiều nội dung được phổ biến. Trong đó, điều mà các giám thị lo ngại là những sửa đổi quy chế thi của Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh được mang một số vật dụng có thể thu âm, thu hình.

Đưa ra một tập tài liệu bao gồm các quy định về công tác coi thi, giám thị này cho biết sẽ dành cả ngày hôm nay để nghiên cứu để làm sao trong các buổi thi tới vừa đảm bảo đúng yêu cầu của giám thị vừa không gây ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh. Quy định xử phạt đối với sai phạm của giám thị trong công tác coi thi đợt này cũng là điểm gây lo ngại cho giám thị, đặc biệt là những sinh viên năm cuối tham gia công tác này.

Theo ông Nguyễn Thanh Chương - Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Giao thông Vận tải, quy định mới của Bộ GD-ĐT đã được thông báo khẩn tới các điểm thi để trưởng các điểm thi phổ biến tới cán bộ coi thi. “Tuy nhiên điều chúng tôi lo lắng nhất là rất khó xác định phương tiện không phát hình, phát tiếng vì phải là người có kỹ thuật mới xác định được. Tôi sợ rằng sẽ “loạn” phòng thi vì nếu có thí sinh liên tục chụp ảnh, ghi hình trong giờ làm bài”.

Cùng một nỗi lo, ông Lê Trọng Thắng - Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Mỏ Địa chất cho biết: “Hiện cán bộ coi thi chưa có kỹ năng để kiểm tra, xác định được phương tiện nào chỉ có chức năng thu nhưng không có chức năng phát. Khả năng lộ đề sẽ có nếu giám thị không xác định được phương tiện có phát thông tin khi thí sinh sử dụng. Ngược lại nếu giám thị không xác định được phương tiện không có chức năng phát mà kỷ luật thí sinh hoặc thu lại phương tiện thì vi phạm quy chế tuyển sinh sẽ bị kỷ luật”.

Lượng hồ sơ “ảo” lớn

Sau buổi sáng 3-7, thống kê số lượng thí sinh đến làm thủ tục dự thi tại nhiều trường cho thấy tỷ lệ đăng ký “ảo” khá lớn rơi vào những trường thuộc khối kinh tế. ĐH Kinh tế quốc dân tại Hà Nội chỉ hơn 50% với gần 8.000 thí sinh. Trong khi đó, số hồ sơ ĐKDT của trường này là gần 15.000 hồ sơ. Tại Học viện Tài chính, số lượng hồ sơ ĐKDT năm nay là 12.343 hồ sơ nhưng số lượng thí sinh đến làm thủ tục dự thi chỉ có 5.993 đạt 48,55%. Học viện Ngân hàng, theo ông Trần Mạnh Dũng, Trưởng phòng đào tạo, số hồ sơ ĐKDT là 8.949, số thí sinh đến làm thủ tục dự thi sáng nay đạt 49,54%. Trường ĐH Ngoại thương, số lượng thí sinh đến làm thủ tục dự thi sáng nay là 3.994 trên tổng số 6.786 đạt 58,9%. 

Trong khi đó, phản ánh từ những trường thuộc khối kỹ thuật, sư phạm, nông - lâm thì tỷ lệ thí sinh đến làm thủ tục dự thi ngày 3-7 lại tương đối khả quan. Cao nhất phải kể đến trường ĐH Lâm nghiệp với số lượng thí sinh đến dự thi đợt 1 đạt 75% trên tổng số 12.000 hồ sơ ĐKDT. Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội cũng có tới 14.346 thí sinh dự thi trên 19.529 hồ sơ ĐKDT, chiếm 73,43%. Trường ĐH Mỏ Địa chất, theo PGS.TS Lê Trọng Thắng, số lượng hồ sơ ĐKDT năm nay của trường là 13.526, số lượng thí sinh đến trường làm thủ tục dự thi đạt 70,5%. Con số chung của cả nước được Bộ GD-ĐT thống kê cuối ngày 3-7 là 637.980 thí sinh đến làm thủ tục dự thi. Tỷ lệ thí sinh làm thủ tục dự thi/số đăng kí dự thi: 73,40%.

Bà Trịnh Thị Kim Dung - Hiệu trưởng trường THCS Quang Trung - Đống Đa:
“Bố trí phòng nghỉ  tại điểm thi”


Chúng tôi đã nhiều năm phối hợp với các trường đại học tổ chức thi tuyển sinh nên rất hiểu nhiều thí sinh gia đình ở xa, không có điều kiện kinh tế lại phải đi thuê trọ rất tốn kém. Đấy là lý do nhà trường bố trí 5 phòng học thành phòng nghỉ cho thí sinh và người nhà dự thi tại điểm thi của trường. Đây vốn là các phòng bán trú của học sinh nên có thể là chỗ nghỉ tạm, dù không đầy đủ tiện nghi lắm. Nhà trường không thu phí ngoài một vài chục nghìn đồng do tổ bảo vệ thỏa thuận với người trọ để chi phí cho việc giữ gìn trật tự, trông coi đồ đạc cá nhân và dọn dẹp, đảm bảo ổn định trước các buổi thi. Vì trong kỳ thi đại học, trường không giữ đề thi cũng như bài thi của thí sinh nên việc ăn ở tại trường không ảnh hưởng tới an ninh thi cử.

PGS.TS Phạm Quang Trung - Trưởng ban Chỉ đạo thi trường ĐH Kinh tế quốc dân: “Đề xuất Bộ chưa áp dụng ngay quy định về thiết bị được phép mang vào phòng thi”

Hội đồng thi trường ĐH Kinh tế quốc dân đã có 2 cuộc họp bàn về triển khai quy định mới của Bộ GD-ĐT với việc cho phép thí sinh mang các thiết bị thu được nhưng không phát trực tiếp vào phòng thi. Hiện chúng tôi đã có công văn đề xuất với Bộ GD-ĐT về việc chưa nên triển khai quy định này ngay trong đợt thi này. Mục đích của Bộ đưa ra quy định này là tốt, nhằm khuyến khích tính dân chủ, đảm bảo công bằng thi cử. Tuy nhiên, qua xem xét, chúng tôi nhận thấy việc ghi hình bằng một số thiết bị công nghệ cao dù không nhằm mục đích gian lận thi cử ngay tại quá trình thi nhưng lại có thể liên quan, ảnh hưởng đến khâu chấm thi. Bên cạnh đó, rõ ràng với việc áp dụng khá gấp gáp quy định này sẽ dẫn đến khả năng giám thị không đủ trình độ phân biệt được các tính năng, kỹ thuật của thiết bị công nghệ cao. Như vậy, việc giám sát đối với thí sinh sử dụng các thiết bị này trong phòng thi sẽ rất khó khăn.