Giảm giá, cầu vẫn không tăng

ANTĐ - Để kích cầu, nhiều siêu thị không ngừng đưa ra chính sách khuyến mãi, nhưng xem ra người dân vẫn không mấy mặn mà, bởi đứng trước nền kinh tế khó khăn, chi tiêu hợp lý là cách mà nhiều bà nội trợ đang áp dụng.

Người dân thờ ơ với giảm giá

Người nội trợ vẫn chọn mua thực phẩm tại các chợ

Chưa bao giờ những tấm biển khuyến mãi, giảm giá xuất hiện với tần suất nhiều như hiện nay. Có mặt tại siêu thị Fivimart trên đường Trần Quang Khải, quận Hoàn Kiếm, trưa 12-7 chỉ thấy lác đác vài khách hàng vào mua đồ. Cầm lên, đặt xuống sản phẩm đông lạnh trong quầy hàng thực phẩm, chị Thanh Hằng, ở phố Cầu Gỗ, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm xem đi xem lại giá tiền và khối lượng được ghi trên sản phẩm. Chị Hằng cho biết: “Tôi đang nhẩm tính với cùng khối lượng và giá tiền của sản phẩm mua ở chợ hay siêu thị rẻ hơn. Trước đây, chờ đỏ mắt mới thấy khuyến mãi, nhưng thời gian gần đây, tôi thấy các siêu thị thường xuyên giảm giá nhiều mặt hàng tiêu dùng như dầu ăn, thực phẩm chế biến sẵn, các mặt hàng mỹ phẩm... Tuy nhiên, do kinh tế khó khăn nên gia đình tôi không có điều kiện thường xuyên đi siêu thị như trước…”. 

Theo đa phần người dân thì trước đây, nếu phải bỏ tiền ra mua cân thịt, can dầu,... trong siêu thị, dù giá có nhỉnh hơn ở ngoài một chút, họ cũng ít quan tâm và cho rằng chẳng đáng là bao. Nhưng gần đây dù các siêu thị liên tục đưa ra những đợt giảm giá, khuyến mãi nhiều mặt hàng tiêu dùng nhưng xem ra người dân không mấy mặn mà. Lý giải cho thực tế này, chị Cao Quỳnh Loan, ở phố Ngọc Lâm, quận Long Biên cho hay: “Bây giờ chỗ nào cũng thấy giảm giá nên chẳng cần phải mua nhiều về tích trữ làm gì cho mệt. Thậm chí, lâu rồi tôi cũng ít có điều kiện đi siêu thị vì đến đấy mà mua vài ba thứ thì không bõ mà mua nhiều thì không có tiền vì gia đình tôi phải cắt giảm tối đa những nhu cầu không cần thiết, cân đối các khoản chi để lo đủ sinh hoạt cho 2 vợ chồng và 2 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn”.

Theo chị Nguyễn Thu Hải, nhân viên bán hàng tại siêu thị Hapro trên phố Hàng Buồm thì người đến mua sắm tại đây chủ yếu là khách vãng lai và khách du lịch người nước ngoài. Do lượng khách không nhiều nên siêu thị cũng hạn chế nhập hàng. Đó cũng là lý do, các mặt hàng trong siêu thị này không được phong phú. Dường như lượng khách hàng mua sắm ít, sức mua không nhiều cũng diễn ra ở nhiều siêu thị lớn như Hapro, BigC… Bên cạnh đó, người dân cũng cân nhắc hơn khi chọn lựa các mặt hàng, phần vì giá cả, phần vì họ đắn đo dựa trên nhu cầu sử dụng của gia đình. Mặc dù, các mặt hàng được bày bán trong siêu thị vẫn khá phong phú, các quầy hàng sắp xếp khoa học, đẹp mắt, nhân viên phục vụ niềm nở, nhưng sức mua của người dân vẫn không khả quan. 

Sức mua kém do thu nhập giảm

Trong khi đó, tại các chợ rải rác trên địa bàn Hà Nội, người dân cũng khá kén chọn mặt hàng thực phẩm. Bà Nguyễn Thị Hải, ở đường Đê La Thành, quận Ba Đình chia sẻ: “Ngày nào tôi cũng đi chợ từ sáng sớm để chọn mua được thực phẩm tươi ngon. Bây giờ, toàn những người già về hưu như tôi đi chợ vì chỉ có chúng tôi mới biết hàng nào ngon, hàng nào rẻ. Thật ra, nếu biết cách chi tiêu và biết chọn mua những thực phẩm phù hợp thì những người có thu nhập trung bình vẫn cân đối để vừa đảm bảo dinh dưỡng bữa ăn cho cả gia đình, vừa tiết kiệm chi tiêu. Lâu rồi tôi cũng không đi siêu thị…”.

Được biết, Hapro đã cho mở thêm một hệ thống các siêu thị ở khu vực ngoại thành và quanh các khu công nghiệp như Đông Anh, Nội Bài... song 90% khách hàng tại đó là công nhân, người lao động phổ thông. Trong tình hình kinh tế khó khăn, hàng loạt doanh nghiệp điêu đứng thì những người công nhân lao động đủ tiền để trang trải cuộc sống đã khó, huống chi là có điều kiện, thu nhập để vào siêu thị mua sắm… “Chưa bao giờ tôi dám đi siêu thị. Với tôi đó là điều xa xỉ”, anh Nguyễn Văn Thắng, nhân viên tạp vụ tại sân bay Nội Bài thừa nhận.

Bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc điều hành một chuỗi siêu thị có tiếng ở Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm lượng hàng bán ra không nhiều, ưu đãi lớn chưa đủ kích cầu khi thu nhập người tiêu dùng giảm, khả năng thanh toán trong dân yếu. Tổng kết 6 tháng đầu năm, doanh số của hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội không tăng so với cùng kỳ năm 2011. Theo Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, tăng trưởng 6 tháng đầu năm của một số siêu thị chỉ đạt 10%, trong khi cùng kỳ mọi năm, con số này lên đến 20-25%, tình hình kinh doanh chậm hơn so với các năm trước. Để các siêu thị tăng khả năng tiêu thụ hàng hoá thì vấn đề cốt lõi là các doanh nghiệp phải tạo  công ăn, việc làm cho người lao động. Khi có việc làm, người lao động mới có thu nhập, hàng hóa mới tiêu thụ được. 

Mặc dù, chấp nhận thực trạng khó khăn chung của nền kinh tế, song không ít siêu thị đã tìm lối thoát cho mình bằng  cách tiết giảm chi phí, tận thu các nguồn lực về tài chính, hệ thống nhà kho, đất đai... để duy trì hoạt động. Chọn đúng mặt hàng, đúng thời điểm khuyến mãi để kích cầu kênh phân phối cũng là một cách mà nhiều siêu thị đang áp dụng. Song theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nguyên nhân cốt lõi của việc siêu thị ế ẩm là người dân không có điều kiện thu nhập để mua sắm. Theo đó, dù có khuyến mãi lớn, doanh số của nhiều hệ thống bán lẻ vẫn sụt giảm. Nhiều doanh nghiệp phá sản, người lao động mất việc thì đương nhiên lượng tiền trong dân mua sắm không nhiều. Chưa kể 80% ưu đãi trong siêu thị đều là của nhà cung cấp, doanh nghiệp sản xuất khó khăn thì ưu đãi, giảm giá cũng không thể lớn được.