Giám đốc và trưởng ban QLDA "giăng bẫy" chiếm đoạt hơn 166 tỷ đồng

ANTD.VN - Chưa có quyết định thu hồi đất và chưa giải phóng mặt bằng, song Cường vẫn cùng nhân viên dưới quyền đưa ra thông tin gian dối để chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.

Theo đó, TAND TP Hà Nội vừa mở phiên tòa xét xử Phạm Mạnh Cường (SN 1952, trú ở xã Tiến Xuân, Thạch Thất, Hà Nội) – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ TST (gọi tắt là Công ty TST) và Nguyễn Thị Minh Thương (SN 1964, trú ở phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo cáo trạng truy tố các bị cáo, Dự án Khu nhà ở cao cấp Viet-Inc (xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội) do Công ty CP Đầu tư tài chính và Bất động sản Việt (Công ty Việt) làm chủ đầu tư với tổng diện tích hơn 100.000 m2, với 34.000 m2 đất ở, bao gồm biệt thự và nhà ở hỗn hợp cao 35 tầng.

Sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính (năm 2008) thì dự án này phải dừng triển khai để rà soát lại quy hoạch, khớp nối thống nhất với quy hoạch chung của Hà Nội. Tuy nhiên, năm 2009, Công ty Việt vẫn ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Hưng Hải (Công ty Hưng Hải) để xây dựng dự án.

Theo thỏa thuận, Công ty Hưng Hải phải trả 57 tỷ đồng để được hưởng 90% quyền thực hiện dự án và Công ty Việt chỉ còn lại 10%. Năm 2010, thông qua nhân viên là Nguyễn Thị Minh Thương, Phạm Mạnh Cường (đại diện Công ty TST) mua lại 90% quyền sở hữu dự án của Công ty Hưng Hải.

Để sở hữu 90% dự án, Công ty TST đã phải trả cho Công ty Hưng Hải 295 tỷ đồng, gấp 5 lần so với số tiền doanh nghiệp này bỏ ra. Sau đó, Công ty TST thành lập Ban Quản lý dự án và giao cho Nguyễn Thị Minh Thương làm Trưởng ban quản lý, toàn quyền thực hiện dự án.

Nguyễn Thị Minh Thương sau đó lập báo cáo và phân tích tính khả thi của dự án. Nếu thực hiện theo đúng quy hoạch ban đầu, tổng số tiền thu được là hơn 1.000 tỷ đồng. Nhưng nếu thay đổi quy hoạch, chủ yếu là bán nhà liền kề thì số tiền thu về sẽ lên đến 1.230 tỷ đồng.

Trong khi ấy, mặc dù Dự án Viet-Inc chưa có quyết định thu hồi đất, chưa giải phóng mặt bằng và Công ty TST không phải là chủ đầu tư nhưng để có tiền trả cho Công ty Hưng Hải, Cường đồng ý với phương án Thương đưa ra và thông qua các sàn bất động sản để tìm kiếm khách hàng.

Khi giao dịch với các sàn bất động sản cũng như những người đầu tư, Thương giới thiệu là dự án đã đền bù giải phóng mặt bằng, đang san lấp và dự án này là Dự án Khu đô thị Đại học Vân Canh mở rộng…

Và để được quyền bán các lô đất của Dự án Viet-Inc, các chủ sàn bất động sản phải đặt cọc bằng số tiền chênh ngoài hợp đồng, từ 2,5 triệu đồng – 4,5 triệu đồng/m2. Còn khách hàng phải nộp trước 50% giá trị hợp đồng. Giá đất khi đó được xác định là từ 37 triệu đồng đến 39 triệu đồng/m2.

Cũng theo quy định của Công ty TST, hợp đồng ký xong sẽ được niêm phong lại, hẹn 1 năm sau mới mở ra, nhận đất và thanh toán nốt số tiền còn lại… Với những “thủ thuật” trên, từ năm 2010 đến 2011, Cường và Thương đã ký được 176 hợp đồng, mua bán 178 lô đất với số tiền lên 265,2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, quá trình điều tra, cơ quan chức năng mới mới xác định 88 người mua phải “đất hơi” với số tiền bị chiếm đoạt là 166,7 tỷ đồng. Thu được số tiền đặc biệt lớn nêu trên, Công ty TST giao 249 tỷ đồng cho Thương để trả tiền “mua” dự án của Công ty Hưng Hải. Khi vụ án bị điều tra, xử lý trước pháp luật, Giám đốc Công ty TST cũng đã khắc phục được gần 108 tỷ đồng.

Quá trình xét xử, xác định cáo trạng truy tố các bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là có căn cứ, đúng pháp luật, TAND TP Hà Nội đã lần lượt áp dụng các mức án tù chung thân và 20 năm tù đối với Phạm Mạnh Cường cùng đồng phạm.