Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội nói gì về việc chi trả chênh lệch tiền lương cũ - mới cho công nhân môi trường?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hà Nội sẽ rà soát các hợp đồng duy trì vệ sinh môi trường giai đoạn 2017-2020, xây dựng công thức tính và thanh toán chênh lệch mức lương cũ - mới cho công nhân môi trường. Tổng mức phí cần thanh toán dự kiến khoảng 270 tỷ đồng...
Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu trả lời về việc chi trả chênh lệch tiền lương cũ - mới cho công nhân môi trường

Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu trả lời về việc chi trả chênh lệch tiền lương cũ - mới cho công nhân môi trường

Ngày 5/7, tiếp tục phiên chất vấn, các đại biểu HĐND TP Hà Nội chất vấn nhóm vấn đề về cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số.

Lương công nhân môi trường sẽ được chi trả ra sao?

Đại biểu Lưu Ngọc Hà (quận Bắc Từ Liêm) cho hay, để công tác duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố không bị gián đoạn, các đơn vị thực hiện duy trì vệ sinh môi trường đã phải xoay sở các cái nguồn tài chính để bù đắp các chi phí để duy trì sản xuất, đảm bảo trả lương cho công nhân. Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Tài chính cho biết nguyên nhân chậm giải quyết, trách nhiệm và lộ trình giải quyết?

Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu cho biết, việc đấu thầu cho dịch vụ vệ sinh môi trường là đấu thầu tập trung, đơn vị của Sở sẽ ký hợp đồng khung, sau đó các quận, huyện và Sở Xây dựng sẽ ký hợp đồng thực hiện.

Hợp đồng khung được ký chỉ điều chỉnh những nội dung đơn giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Vì vậy, trong năm 2020-2021 các nhà thầu đề xuất và năm 2022, Sở Xây dựng và Sở Tài chính đã rà soát và điều chỉnh một nội dung về lương, thời điểm lương cơ bản được tăng lên 1.490.000.

Nội dung này được hai sở trình vào giữa năm 2022, đây là một nội dung được Phó Thủ tướng giao thành phố xem xét và đến tháng 8/2023 thành phố sẽ quyết định nội dung này.

Về việc nhà thầu gặp nhiều khó khăn, Giám đốc Sở Tài chính nêu rõ, hợp đồng khung và hợp đồng cụ thể được ký theo giá tiền lương cũ đã được thỏa thuận. Đây chỉ là điều chỉnh phần chênh lệch về lương, và khi trao đổi với các nhà thầu thì tiền lương cho người lao động đã được trả hết.

"Do vậy không có chuyện nhà thầu nợ lương theo hợp đồng cũ, và không có chuyện các sở, quận huyện nợ tiền nhà thầu", Giám đốc Sở Tài chính khẳng định.

Ông Lưu cũng cho biết, Sở đã được giao chủ trì xây dựng công thức tính chênh lệch tiền lương cũ - mới, và rà soát toàn bộ hợp đồng, quy trình trong giai đoạn 2017-2020.

Giám đốc Sở Tài chính khẳng định, đây là khối lượng công việc không nhỏ, cần thời gian xử lý. Sở Tài chính đang cùng Sở Xây dựng xây dựng dự thảo khung và sẽ xin ý kiến quận huyện và nhà thầu để đảm bảo tính thống nhất, công bằng.

Dự thảo khung sẽ được trình thành phố phê duyệt trong tháng 7 này, và các quận huyện sẽ dựa vào dự thảo khung để rà soát các hợp đồng, quy trình trong giai đoạn 2017-2020, và trình vào kỳ họp HĐND cuối năm để thanh toán. Tổng mức phí cần thanh toán vào khoảng 270 tỷ đồng trên toàn thành phố.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải trả lời chất vấn về việc ban hành định mức lĩnh vực kinh tế kỹ thuật và đơn giá còn chậm

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải trả lời chất vấn về việc ban hành định mức lĩnh vực kinh tế kỹ thuật và đơn giá còn chậm

Giải bài toán xây dựng định mức đơn giá

Đại biểu Nguyễn Thanh Bình (Tây Hồ) nêu việc công tác tham mưu xây dựng ban hành định mức lĩnh vực kinh tế kỹ thuật và đơn giá rất chậm và đề nghị Giám đốc các Sở: VHTT, GD&ĐT, TT&TT Hà Nội cho biết trách nhiệm của mình trong công tác tham mưu xây dựng và ban hành các lĩnh vực kinh tế là đơn giá, lộ trình và giải pháp tiếp theo?

Trả lời đại biểu, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng trả lời: "Chúng tôi đã xây dựng xong định mức kỹ thuật, kinh tế và đơn giá dịch vụ công, dịch vụ sử dụng ngân sách cho cả 3 lĩnh vực; chúng tôi đang chờ Bộ VH&TT hướng dẫn và sẽ trình HĐND TP xem xét trong tháng 9 tới".

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương cho biết, Hà Nội có 2.845 trường học, số lượng 2,3 triệu học sinh và hơn 1 triệu sinh viên của 120 trường đại học. Ban Chỉ đạo thành phố đã chỉ đạo ngành Giáo dục phải xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật để triển khai ngay từ năm 2021-2022.

“Thời gian qua, chúng tôi rất cố gắng, thực hiện chỉ đạo của thành phố, quận đã thành lập tổ công tác, kêu gọi đơn vị có kinh nghiệm tham gia lĩnh vực này. Chúng tôi sẽ triển khai tính định mức kinh tế kỹ thuật, từ sang năm cố gắng quyết tâm để thành phố phê duyệt được định mức kinh tế kỹ thuật. Về vấn đề này chúng tôi xin nhận trách nhiệm thuộc về ngành Giáo dục và Đào tạo, vì vấn đề này rất là khó”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chia sẻ.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Việt Hùng thông tin, đến nay, Sở đã trình ban hành được định mức kinh tế kỹ thuật truyền hình, đang trình định mức kinh tế kỹ thuật phát thanh.

Về định mức kinh tế kỹ thuật báo in, thành phố có 5 cơ quan báo chí in đến nay đều cam kết sẽ xây dựng xong trong năm 2023. Đối với các định mức kinh tế kỹ thuật khác thuộc trách nhiệm, Sở sẽ báo cáo UBND TP trình HĐND TP tại kỳ họp tháng 9 tới.

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu khẳng định, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật thể hiện sự minh bạch để xã hội hoá dịch vụ công; là cơ sở để thực hiện tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công; là căn cứ để giao ngân sách chủ động.

Tuy nhiên, đây là lĩnh vực rất khó, từ tháng 8-2022, Chủ tịch UBND TP đã giao trách nhiệm, yêu cầu trong 2022 phải cơ bản xong các định mức kinh tế kỹ thuật, nhưng đến nay tiến độ thực hiện cơ bản chậm.

Nguyên nhân khách quan là rất nhiều đơn giá phải căn cứ vào định mức kinh tế kỹ thuật do các bộ, ngành trung ương ban hành như lĩnh vực y tế chẳng hạn. “Chủ quan là các sở chuyên ngành chưa vào cuộc thật sự quyết liệt”, Giám đốc Sở Tài chính nêu rõ.

Giám đốc Sở Tài chính cho biết, sở đã đề xuất rõ, đơn vị nào không xây dựng được định mức, đơn giá thì thành phố không giao dự toán ngân sách cả năm mà chỉ giao dự toán quý I để thực hiện; kiến nghị UBND TP thành lập tổ công tác để đôn đốc, chỉ đạo thường xuyên; tập trung hoàn thành định mức, đơn giá những lĩnh vực cấp thiết như vận chuyển rác, xử lý rác thải, vận tải hành khách công cộng ngay trong năm 2023.

Đối với những nơi chưa thể ban hành đơn giá, Sở kiến nghị cho phép ban hành đơn giá tạm thời để áp dụng như lĩnh vực giáo dục đã thông qua tại kỳ họp lần này.

Làm rõ hơn về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải phân tích thêm, quá trình triển khai tổ chức thực hiện lãnh đạo thành phố đã quan tâm, chỉ đạo bài bản, quyết liệt; nhưng khi bắt tay vào điểm lĩnh vực giáo dục và văn hóa thể thao mới bộc lộ ra những khó khăn. Ngay như người làm ở các sở cũng thiếu và yếu.

Thành phố đã thuê đơn vị tư vấn để thực hiện như làm đơn giá giáo dục. Nhưng để làm được đơn giá, phải có định mức kinh tế kỹ thuật; mà xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật rất khó khăn, nhiều nội dung phải chờ quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành.

Vừa qua, thành phố đã vận dụng quy định là nếu chưa có định mức kinh tế kỹ thuật làm căn cứ thì địa phương có thể áp dụng mức bình quân 3 năm liền kề để xây dựng đơn giá tạm thời khối giáo dục.

“Định mức, đơn giá là cơ sở để nâng cao tự chủ, tự chịu trách nhiệm và nâng cao hiệu quả quản lý, đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ”, Phó Chủ tịch UBND TP nêu rõ nhận thức cần xác định với vấn đề này...

Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng trả lời chất vấn về ban hành quy trình nội bộ các thủ tục hành chính được ủy quyền

Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng trả lời chất vấn về ban hành quy trình nội bộ các thủ tục hành chính được ủy quyền

Cam kết hoàn thành các quy trình nội bộ

Trả lời chất vấn về việc vẫn còn 86 trên chưa được uỷ quyền, 132 thủ tục hành chính chưa ban hành quy trình nội bộ, trong khi các nội dung này được UBND TP yêu cầu phải xong trong năm 2022... Chánh Văn phòng UBND TP Trương Việt Dũng cho biết, ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính là điểm sáng, nổi bật của Hà Nội thời gian qua.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá Hà Nội là đơn vị đi đầu cả nước. Theo kế hoạch. UBND thành phố sẽ ủy quyền là 617 thủ tục, đến thời điểm giám sát của HĐND TP, đã công bố quyết định ủy quyền và danh mục thủ tục hành chính ủy quyền đã đạt được 531 thủ tục, đạt tỷ lệ 86,06%.

Về quy trình nội bộ đến thời điểm HĐND thành phố giám sát cũng đã ban hành được 485/617, nhưng cập nhật mới nhất là đã đạt 531/617 thủ tục có quy trình nội bộ được thông qua. Như vậy toàn bộ thủ tục hành chính đã phê duyệt danh mục thì cũng đã có quy trình nội bộ.

Số thủ tục và quy trình còn lại hiện nay liên quan đến 6 sở, Văn phòng UBND TP đã làm việc trực tiếp với giám đốc các sở, dự kiến trong tháng 7-2023, 18 thủ tục hành chính liên quan đến Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và 9 thủ tục hành chính liên quan đến Sở Công Thương sẽ được hoàn thành trong tháng 7, nâng tỷ lệ ủy quyền thủ tục hành chính lên 95%. “Trong tháng 7, chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành nội dung này”, Chánh Văn phòng UBND TP cam kết.

Trả lời các đại biểu, Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Huy Cường cam kết hoàn thành quy trình giải quyết thủ tục hành chính nội bộ trong quý III-2023.

Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong trả lời sẽ ban hành xong các quy trình nội bộ trong năm 2023.Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân khẳng định trong tháng 7-2023 sẽ ban hành đầy đủ quy trình nội bộ.

“Chấm điểm” phần trả lời chất vấn này, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá cao trách nhiệm và chất lượng câu trả lời của lãnh đạo UBND thành phố và giám đốc các sở, ngành nhất là đã cập nhật số liệu thực tế, xác định rõ nguyên nhân hạn chế, đề ra thời hạn khắc phục cụ thể.