Giải trình thu phí lưu hành phương tiện

ANTĐ - Ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc thu phí lưu hành đường bộ theo đề xuất của Bộ GTVT, hôm qua 10-1, Bộ GTVT đã trần tình về việc này.

Thu phí lưu thông phương tiện liệu có giảm ùn tắc giao thông?

Theo ông Nguyễn Văn Công - Chánh văn phòng Bộ GTVT, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về các nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng tai nạn giao thông, đồng thời, kiến nghị hàng loạt giải pháp đồng bộ trước mắt và lâu dài, trong đó có việc nghiên cứu, sửa đổi bổ sung pháp lệnh về phí theo hướng bổ sung thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân và phí giao thông vào trung tâm thành phố. Thêm vào đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cuối năm 2011 cũng đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành sớm nghiên cứu ban hành quy định thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân, phí ô tô đi vào trung tâm  TP giờ cao điểm.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng cho rằng, một số quốc gia như Anh, Singapore, Mỹ, Thụy Điển… đã áp dụng các biện pháp trên để hạn chế sự gia tăng phương tiện cá nhân. Do đó, Bộ này khẳng định, bên cạnh biện pháp hành chính, cần có một số giải pháp kinh tế. “Mục tiêu của việc bổ sung 2 loại phí trên nhằm đưa ra những giải pháp kinh tế cụ thể, đột phá, kiềm chế sự gia tăng, giảm dần số lượng phương tiện giao thông cá nhân. Bên cạnh đó, biện pháp này cũng tạo thêm nguồn thu đáng kể chi cho các giải pháp chống ùn tắc và giảm thiểu TNGT”, ông Công cho biết. Theo đó, Bộ này dự kiến số thu phí lưu hành phương tiện đối với ô tô khoảng hơn 15.000 tỷ đồng/năm.

Việc thu phí lưu hành đường bộ sẽ do các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới thu trên đầu ô tô, còn với mô tô sẽ do UBND các tỉnh, thành thu. Cơ quan thu phí ô tô được để lại 1,5%, cơ quan thu phí mô tô sẽ được giữ lại 5% số thu để chi cho các tổ chức thu. Còn phí ra vào trung tâm TP giờ cao điểm sẽ được thu qua các trạm thu phí thông minh, tự động, không dừng, thu một lượt khi xe đi vào trung tâm TP. Cơ quan thu phí được trích lại một tỷ lệ nhất định để chi cho công tác tổ chức. Số còn lại sẽ được dùng để tạo nguồn chi cho các giải pháp chống ùn tắc giao thông và giảm thiểu TNGT.

Tuy nhiên, đề xuất phí lưu hành phương tiện cá nhân đường bộ của Bộ GTVT thời điểm này gặp phải sự phản đối của hầu hết người sử dụng phương tiện cơ giới. Bởi Bộ này cũng vừa trình Chính phủ phương án thu phí bảo trì đường  bộ. Nếu được thông qua, người sử dụng phương tiện cá nhân sẽ phải è đầu cõng các khoản phí. Trong khi đó, với hệ thống đường sá, cơ sở hạ tầng hiện nay chất lượng thấp, quản lý chất lượng, năng lực tổ chức giao thông không cao, việc học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến xem ra không nhận được đông đảo sự đồng tình.