Giải pháp căn cơ

ANTĐ - Có thể nói, trong 10 năm qua, ngành nông nghiệp vốn được coi là “bệ đỡ” của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, trung bình đạt 5,4%, đã tỏ ra đuối sức rõ rệt. Xuất khẩu gạo, cà phê, thủy sản, cao su… tăng đều trong các năm, nhưng thu nhập của nông dân không tăng, thậm chí còn giảm mạnh. Trên diễn đàn Quốc hội đã có những ý kiến cho rằng, nếu không gia cố “bệ đỡ” này thì khó đủ lực để đạt tới đích công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. 

Chính phủ luôn thể hiện quyết tâm cao trong điều hành để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, cơ bản đảm bảo an sinh xã hội. Công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế với ba trụ cột đầu tư công, hệ thống ngân hàng, khu vực doanh nghiệp Nhà nước đã có những bước khởi động. Riêng lĩnh vực nông nghiệp được coi là điểm tựa của nền kinh tế, trong mấy năm gần đây tốc độ tăng trưởng sụt giảm trông thấy.

Bằng chứng rõ nhất là, năm 2010 tốc độ tăng của nông, lâm, thủy sản đạt 4,08%, năm 2011 tụt xuống 3,35%, đến năm 2012 chỉ còn 2,81. Trong 4 tháng đầu năm nay chỉ đạt 2,2%, mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ các năm gần đây. Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp – nông thôn nhận xét, chính nông nghiệp là “bệ đỡ” cho phát triển công nghiệp trong những năm qua, nhưng công nghiệp lại ì ạch, tạo nên gánh nặng đè lên nông nghiệp. Nền kinh tế không thể cất cánh vì có “quả tạ” khổng lồ níu kéo, đó là đô thị hóa mất đất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ kém hiệu quả, vì thế nông nghiệp cũng đuối dần và kiệt sức.

Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ chỉ số giá tiêu dùng ở mức thấp nhất trong 8 năm qua, một mặt là do công nghiệp suy giảm, sức mua giảm, song quan trọng hơn cả là do giá nông sản rẻ, góp phần lớn kéo CPI xuống thấp. Tuy vậy, giá nông sản thấp hiện nay như con dao hai lưỡi. Đối với người tiêu dùng là tốt còn đối với nông dân lại bị thiệt đơn, thiệt kép. Chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào thực tế. Hầu hết lao động nông thôn là lao động “không chính thức” chiếm tới 70% lực lượng lao động cả nước. Thực chất họ bị đẩy ra đường, làm những công việc không có hợp đồng, không bảo hiểm, không đào tạo, hơn thế họ còn chạy “xe ôm”, phu hồ, đào vàng… Công nghiệp không tạo được việc làm cho đa số nông dân, ngoại trừ một số khu công nghiệp, nhưng đồng lương, thu nhập, nơi ăn chốn ở không đảm bảo. Trong khi đó, nông dân làm ra hạt lúa, củ khoai, cà phê, hạt tiêu, tôm cá cho xuất khẩu lại phải đương đầu với giá vật tư nông nghiệp tăng cao, thức ăn chăn nuôi phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu. Thị trường tiêu thụ đang đứng trước cuộc cạnh tranh khốc liệt với hàng nông, thủy sản nhập lậu qua biên giới, trong khi hàng xuất khẩu luôn phải đương đầu với các vụ kiện chống phá giá trong thương mại quốc tế. 

Trong bối cảnh sản xuất công nghiệp tắc nghẽn khiến sản xuất nông nghiệp đình đốn, kiệt sức, Đề án tổng thể tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với những giải pháp căn cơ, chuyển dịch tổng thể cơ cấu sản xuất lúa gạo, chăn nuôi, thủy sản. Tái cơ cấu 3 trụ cột của nền kinh tế không thể thành công nếu bỏ quên “bệ đỡ” nông nghiệp.