“Giải mã” cảnh chen ăn, chen chơi nơi miễn phí

ANTĐ - Chưa khi nào văn hóa nơi công cộng ở một bộ phận người dân lại được thể hiện ra một cách đáng buồn như hiện nay. Sau mỗi vụ việc, dư luận luôn bày tỏ sự bức xúc, thậm chí phẫn nộ, nhưng chỉ một thời gian ngắn, những cảnh tượng tương tự vẫn tái diễn với mức độ… xấu xí hơn.

“Giải mã” cảnh chen ăn, chen chơi nơi miễn phí ảnh 1Cảnh chen lấn trong bể bơi ở Công viên nước Tây Hồ ngày 19-4

Tâm lý hám lợi luôn thường trực

Nhận xét về những vụ tranh cướp mang tên “miễn phí” thời gian qua, PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, những sự việc đó khiến không ít người cảm thấy xấu hổ và bị tổn thương. Tuy vậy, điều quan trọng là sau cảm giác đó phải tìm ra nguyên nhân của sự việc để tìm cách thay đổi. Có người cho rằng, lý do dẫn đến tình trạng này là cách suy nghĩ của nếp sống cũ “một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”. Cách hiểu này là chưa đầy đủ. Chúng ta không nên ngụy biện mà cần thẳng thắn nhìn nhận, đó là một trong những hệ quả của nền giáo dục đối với sự hình thành nhân cách con người. Bởi, phần lớn thành viên trong những đám đông chen chúc đó là thanh thiếu niên. 

Trước hiện tượng trên, một số người khác lại lý giải, sở dĩ một nhóm người không có thói quen xếp hàng mà chọn cách lao vào tranh cướp vì họ nghĩ rằng, nếu nghiêm túc xếp hàng, họ sẽ không được hưởng lợi như người khác.  Bởi hiện tượng lợi dụng quen biết hay sử dụng tiền, quyền lực để “chen ngang” vẫn diễn ra khá phổ biến ở khắp mọi nơi kéo theo đó là việc “bắt tay” để cùng hưởng lợi giữa người “bên trong” và người “bên ngoài” để chuyển phần lẽ ra thuộc về người xếp hàng cho một người khác. Từ chỗ mất lòng tin vào sự công bằng, công khai minh bạch, người ta cho rằng họ có lý do chính đáng để dùng sức mạnh tranh chấp, giành giật những thứ đáng thuộc về mình.

Một lý do nữa gây nên tình trạng lộn xộn tại những điểm “miễn phí” là tâm lý hám lợi của không ít người. Lý giải cho hành động của mình, họ thường đổ lỗi cho hoàn cảnh kinh tế khó khăn, phải tận hưởng những chương trình miễn phí là đương nhiên. Như vậy, vì lợi ích vật chất thuần túy mà trong một chốc, một lát con người ta dễ dàng phá bỏ quy ước, biểu trưng của lối sống văn minh, hiện đại…

Tuy nhiên, cũng có người tham gia chen chúc, giành giật, tranh cướp chỉ vì tò mò, ham vui, hùa theo  hoặc bị kích thích bởi tâm lý chung của đám đông. Cứ như vậy, những người lớn đua nhau phô diễn những hành động không đẹp trước mặt những đứa trẻ, tự biến mình thành tấm gương xấu xí, méo mó trong mắt chúng... 

“Giải mã” cảnh chen ăn, chen chơi nơi miễn phí ảnh 2PGS.TS Trịnh Hòa Bình

Lợi ích cá nhân là trên hết?!

Cũng theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, ở một góc độ nào đó, tình trạng hỗn loạn xảy ra tại Công viên nước Hồ Tây và một số địa điểm miễn phí khác trong thời gian qua thể hiện tính lợi ích cá nhân. Tại những nơi này, vì lợi ích cá nhân, con người trở nên vô cảm với đồng loại. Điều đó thể hiện ở việc có cô gái đã bị nhóm thanh niên quây lại té nước, trêu ghẹo… đến hoảng loạn, ngất xỉu mà rất ít người lên tiếng…

Qua sự việc trên, câu chuyện về nạn quấy rối tình dục nữ giới tại những nơi đông người một lần nữa khiến dư luận bức xúc. Đành rằng đây không phải là vấn đề mới, song nó thể hiện sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận nam giới, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Họ hùa theo đám đông, tỏ ra khoái trá, thỏa mãn khi động chạm vào cơ thể của các bạn gái đã co rúm lại vì sợ hãi và không có khả năng phòng vệ. Đáng lẽ phải lên tiếng bảo vệ những người yếu thế, thì những người xung quanh phớt lờ, hoặc hùa theo bằng thái độ cực kỳ ích kỷ …

Qua sự việc trên, một vấn đề nữa đáng bị lên án là sự thiếu trách nhiệm của một số bậc phụ huynh. Thật khó có thể tin rằng, trong những đám đông hỗn loạn đó có cả những ông bố, bà mẹ bất chấp nguy hiểm bế con trèo qua những hàng rào với vô số cọc sắt nhọn mà chỉ cần sơ ý hay bị một người nào đó xô đẩy, những cháu bé sẽ gặp nạn. Đến lúc đó, khóc lóc, hối hận thì đã quá muộn. Vậy điều gì khiến họ có thể bất chấp tính mạng của con em mình đến vậy? Đó chính là sự tư lợi, sự khao khát được hưởng lợi miễn phí. 

Công bằng mà nói, trong những sự việc đã xảy ra, lỗi một phần thuộc về phía đơn vị, cá nhân tổ chức. Khi tổ chức các sự kiện “miễn phí”, họ không lường hết được các rắc rối có thể phát sinh, thiếu năng lực khi giải quyết sự cố, mà chỉ chăm chăm vào việc quảng bá thương hiệu. Cuối cũng thì hiệu quả đâu chẳng thấy, chỉ thấy tác dụng ngược. 

Nguồn gốc sâu xa của những vụ lộn xộn nêu trên là do định hướng giá trị đang bị đứt gãy. Những người lớn, những bậc làm cha làm mẹ không có đủ sự gương mẫu cần thiết để con em mình và cộng đồng noi theo… Điều đáng nói là, sau nhiều vụ việc xảy ra, không có ai bị xử lý, phải trả giá nên chúng nhanh chóng chìm xuống, để mỗi khi có cơ hội nó lại bùng phát với mức độ nghiêm trọng hơn.

“Để ngăn chặn những sự việc đáng tiếc tiếp theo, cần có sự vào cuộc đồng thời của các ban ngành đoàn thể, các nhà trường, hệ thống luật pháp… nhằm tạo ra sự nghiêm minh và công bằng xã hội. Bên cạnh đó, mỗi người cần phải tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng sống văn minh, lịch sự từ những hành động nhỏ, việc làm nhỏ hàng ngày” - PGS.TS Trịnh Hòa Bình đề xuất.