Giải “độc” cho người tiêu dùng

ANTĐ - “Tạm gác những nhiệm vụ chuyên môn khác, từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, CBCS hãy dồn sức, tập trung đấu tranh, ngăn chặn các vi phạm về ATVSTP trên địa bàn” - mệnh lệnh vừa được Đại tá Nguyễn Đức Chung, Giám đốc CATP quán triệt đến toàn lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm (PCTP) về môi trường.

Gà nhập lậu đã phần nào được kiểm soát

Hiệu ứng tức thì

Có lẽ chưa khi nào những thông tin về thực phẩm không an toàn trên địa bàn Hà Nội như: thịt lợn mắc bệnh tai xanh được dùng để chưng mắm tép, tràng lợn tẩm hóa chất, nầm lợn thối “nhập chui” từ Trung Quốc, gà thải ở nước ngoài bán trong siêu thị… xuất hiện dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng như thời gian qua. Thực tế trên cho thấy công tác đấu tranh với các hành vi “đầu độc” người tiêu dùng, đang được các lực lượng Công an Hà Nội triển khai ráo riết và từng bước cho kết quả. Thế nhưng những vụ việc được lực lượng chức năng phanh phui gần đây cũng cho thấy, tính chất vi phạm về ATVSTP ngày một nghiêm trọng, thủ đoạn tinh vi và chưa có chiều hướng giảm vì lợi nhuận từ buôn hàng “bẩn” quá lớn. 

Theo quy luật, cuối năm luôn là thời điểm các vi phạm về ATVSTP diễn ra phức tạp nhất, nguy cơ ngộ độc thực phẩm tăng cao. Để ngăn chặn các hành vi “đầu độc” người tiêu dùng, ngay từ đầu tháng 10-2012, Giám đốc CATP đã yêu cầu Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường tạm gác các nhiệm vụ chuyên môn chưa “nóng”, dồn toàn lực tập trung phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi “đầu độc” người tiêu dùng. Mệnh lệnh của người đứng đầu Công an Thủ đô không chỉ “thúc” các đội nghiệp vụ của phòng chức năng tăng cường điều tra, bắt giữ nhiều hơn các vụ vi phạm ATVSTP, mà phần nào cho thấy những vụ việc đơn vị này phát hiện thời gian qua chưa trúng các vi phạm mà dư luận quan tâm. 

Hiệu ứng của mệnh lệnh trên cũng làm thay đổi tư duy, nhận thức của CBCS các phòng chức năng, công an các quận, huyện, thị xã…, khi nhiều đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các lực lượng đấu tranh ngăn chặn thực phẩm không an toàn. Những lực lượng tưởng như không liên quan đến công tác đấu tranh với thực phẩm “bẩn”: CSGT, CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV… cũng liên tiếp lập công.

Công an Hà Nội bắt giữ vụ mua bán thịt lợn mắc bệnh tai xanh, chế biến thành đặc sản

Những chuyến biến bước đầu

“Phối hợp bắt giữ, xử lý đối tượng vận chuyển, kinh doanh gia cầm không rõ nguồn gốc, nhập lậu trên địa bàn Hà Nội” là một trong những kế hoạch cho thấy kết quả rõ nét khi các lực lượng cùng “xắn tay” vào cuộc. Tháng 10-2012, trước ngày kế hoạch này ra đời, tình trạng buôn bán, vận chuyển gà Trung Quốc nhập lậu từ khu vực biên giới về địa bàn Hà Nội tính ra “nóng” đã vài năm nay. Rất nhiều đợt “cao điểm” chặn, bắt gà lậu được triển khai đêm ngày, hàng trăm tấn gà “bẩn” bị tiêu hủy, song vi phạm chỉ giảm tạm thời. 

Nói về tình trạng buôn bán gia cầm nhập lậu ở chợ Hà Vĩ (huyện Thường Tín) những tháng trước, Thượng tá Nguyễn Văn Quân - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCTP về môi trường cho hay: Hàng chục hộ kinh doanh gia cầm ở chợ Hà Vĩ ngang nhiên mua bán gà nhập lậu, gà thải loại không rõ nguồn gốc từ khu vực biên giới phía Bắc về bán kiếm lời nhiều năm nay, trong khi địa phương lại lúng túng trong xử lý. Trước tình trạng đó, trung tuần tháng 10-2012, Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường đã tham mưu cho Ban Giám đốc CATP Hà Nội triển khai kế hoạch: “Phối hợp bắt giữ, xử lý đối tượng vận chuyển, kinh doanh gia cầm không rõ nguồn gốc, nhập lậu trên địa bàn”, trọng tâm là chợ Hà Vĩ. Sau gần 2 tháng triển khai kế hoạch, có sự phối hợp trong tuần tra, mật phục, chốt chặn giữa phòng nghiệp vụ, CAH Thường Tín, Chi cục QLTT, Chi cục Thú y, tình trạng buôn bán gia cầm nhập lậu tại đây đã “hạ nhiệt”. Bền bỉ cắm chốt, tuyên truyền, vận động các hộ ký cam kết không kinh doanh gà thải loại nhiều tháng qua, đến nay khu chợ này không còn gà “bẩn” - chỉ huy Đội 3 Phòng nghiệp vụ khẳng định. 

Ngoài gà nhập lậu, tình trạng mua bán, vận chuyển nội tạng động vật, các sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc như: lòng lợn, nầm lợn trên địa bàn cũng giảm đáng kể nhờ sự vào cuộc rốt ráo của công an các đơn vị, địa phương, lực lượng QLTT, thú y..., nhưng không vì vậy tâm lý lo lắng, bất an của người dân “nguội” bớt mỗi khi lựa chọn thực phẩm.

(Còn nữa)