“Giải cứu” 12.000 thước phim tư liệu quý trước nguy cơ bị phá hủy

ANTĐ - 12.000 cuốn phim tư liệu quý hiện đang lưu giữ tại Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương với nhiều bộ phim nổi tiếng như: Điện Biên Phủ, Những cô gái Ngư Thủy, Hà Nội trong mắt ai… có nguy cơ biến mất nếu không được bảo quản đúng cách. Đáng ngại hơn, chuyên gia bảo quản tư liệu điện ảnh người Bỉ - Jean Pierre Verscheure nhận định: “Trong vòng 15 năm nữa, nếu không “cứu phim”, 12.000 cuộn phim này sẽ bị hủy hoại hoàn toàn”. 

“Giải cứu” 12.000 thước phim tư liệu quý trước nguy cơ bị phá hủy ảnh 1Đoạn phim bị phá hủy hoàn toàn chỉ trong 3 năm

Xót xa những thước phim quý

Jean Pierre Verscheure (Bỉ), chuyên gia về bảo quản tư liệu điện ảnh nổi tiếng thế giới đã có chuyến khảo sát tại kho lưu trữ của Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương vào tháng 8-2013. Theo chuyên gia này đánh giá, những thước phim tài liệu quý giá của điện ảnh Việt Nam trong suốt 60 năm qua được bảo quản không theo chuẩn quốc tế như nhiệt độ trong kho quá cao, phương tiện kỹ thuật thô sơ, máy hút ẩm, hệ thống điều không khí, nhà xưởng xuống cấp. Do vậy, các cuốn phim lưu trữ đã bị dính, đứt răng phim, mốc… Thực trạng này khiến ai biết đến cũng cảm thấy xót xa cho số phận những bộ phim từng giành giải Vàng, giải Bạc tại các cuộc thi liên hoan trong và ngoài nước. 12.000 cuộn phim quý giá ấy có lẽ sẽ chịu chung số phận bị xóa sổ trước tác động của thời gian nếu không sớm có sự can thiệp. 

Từng đến làm việc tại nhiều viện phim trên thế giới, ông Jean Pierre Verscheure đã giật mình trước sự phá hủy của yếu tố thời tiết tại Việt Nam. Ông chia sẻ: “Lần đầu tiên trong cuộc đời mình, tôi được nhìn thấy những thước phim bị phá hủy khủng khiếp đến như vậy. Tấm phim tôi đang cầm trên tay mới chỉ có 3 năm được lưu giữ tại Phòng Truyền thống của Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương nhưng đã bong tróc và mất hình ảnh. Trong khi, các tấm phim khác, tôi để tại phòng khách của gia đình, cũng tại nhiệt độ thường nhưng tuổi thọ có thể lên tới 30 năm”. Cách đây 5 năm, Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương đã có cuộc tổng kiểm kê để đánh giá thực trạng phim được bảo quản. Qua cuộc kiểm kê đó, hồi chuông báo động đã được rung lên cho số phận có thể dự đoán của các bộ phim. Trước thực trạng và lời cảnh tỉnh của chuyên gia, một cuộc “cứu phim” khẩn cấp đã diễn ra. 

“Giải cứu” 12.000 thước phim tư liệu quý trước nguy cơ bị phá hủy ảnh 2Chuyên gia bảo quản tư liệu điện ảnh nổi tiếng thế giới- Jean Pierre Verscheure trao đổi về bảo quản phim tài liệu với đội ngũ cán bộ của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương

3.000 cuốn phim thoát khỏi “thần chết”

Chính phủ đã phê duyệt nguồn kinh phí 5 tỷ đồng cho Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương cải tạo nâng cấp kho tư liệu. Nhờ đó, nhiệt độ bảo quản từ 21 độ C đã giảm xuống chỉ còn 16 độ C, độ ẩm trong phòng bảo quản cũng giảm xuống đáng kể nhờ vào sự đầu tư thiết bị. Đồng thời, các cuộn phim được phân loại theo mức độ hỏng hóc và giá trị của mỗi bộ phim để tiến hành “sơ cứu”. Cuộn hỏng nhiều được chuyển tới Viện Phim Việt Nam để tiến hành nối răng phim, lau chùi phim. Các cuộn hỏng ít sẽ được các cán bộ kỹ thuật của Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương “tự chữa”. Các cuộn phim dùng nhiều trong quá trình sản xuất sẽ được chuyển sang định dạng băng. Trong vòng 1 năm (từ 4-2014 đến 4-2015), 3.000 cuốn phim đã được cứu khỏi “thần chết”. 

Tuy vậy, ông Jean Pierre Verscheure khuyến cáo, những thành công này chỉ mang tính “chữa cháy”, trong vòng 2 năm nữa, nếu Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương không nâng cấp nhà xưởng và các thiết bị phụ trợ thì công sức “cứu phim” coi như đổ xuống sông xuống bể. Chuyên gia này cũng cho biết thêm, đi cùng với “cứu phim” còn là phục chế phim. Một ô phim bé cũng mất tới 50 USD tiền phục chế. Theo bà Bùi Thị Tuyết, Giám đốc Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương: “Nhà nước đã đầu tư 70 tỷ để hãng xây nhà làm việc, kho cất phim, máy quay. Tuy nhiên, nguồn kinh phí này được dàn trải cho nhiều công việc nên chúng tôi ưu tiên cho việc “cứu phim” nhiều hơn là phục chế phim”.

Giám đốc Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương cũng cho biết: “Hãng đã nhận được nhiều lời mời sẵn sàng phục chế phim giúp Việt Nam với mức kinh phí rất thấp nhưng chúng tôi còn nhiều ngần ngại. Với công nghệ số như ngày nay, một cuộn phim nhựa có giá trị như phim tài liệu Việt Nam thời chiến tranh, thời hậu chiến, các vấn đề thời sự nóng bỏng… được sản xuất trong suốt 60 năm qua nếu lọt ra ngoài sẽ được sao chép và in hàng nghìn bản. Hậu quả của nó thì ai cũng biết rồi. Vậy nên, hiện nay chúng tôi vẫn đang bảo quản phim theo phương pháp truyền  thống nhiều hơn là chuyển sang định dạng số. Cuộc “cứu phim” sẽ diễn ra lâu dài với sự cố gắng của đội ngũ đang làm việc tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương”.