- Giá vàng tuần tới sẽ tăng hay giảm?
- Giá vàng tháng 3 tăng kỷ lục gần 3 năm, triển vọng tiếp tục tươi sáng
- Giá vàng còn bứt phá vì cuộc khủng hoảng ngân hàng “còn lâu mới kết thúc”?
Thị trường vàng đang chứng kiến sự điều chỉnh giảm sau khi giá vàng nhiều lần chạm mốc 2.000 USD/ounce.
Sáng nay, thị trường châu Á mở cửa đã có lúc chứng kiến mức sụt giảm lên tới 12 USD mỗi ounce trước khi hồi phục trở lại. Tính đến 8h30 sáng, giá vàng thế giới thu hẹp mức giảm còn 6,4 USD, về mức 1.963,3 USD/ounce.
Trong nước, mở cửa phiên giao dịch sáng nay, các doanh nghiệp vàng cùng giảm nhẹ giá vàng miếng SJC với mức giảm từ 50 – 150 nghìn đồng/lượng. Theo đó, thương hiệu vàng quốc gia được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết tại 66,300 – 66,90 triệu đồng/lượng; DOJI niêm yết tại 66,200 – 66,900 triệu đồng/lượng; Phú Quý 66,20 – 66,90 triệu đồng/lượng...
![]() |
Giá vàng đang chờ đợi sự bứt phá |
Sự sụt giảm của vàng chủ yếu đến từ nhu cầu suy yếu tạm thời của vàng khi dòng tiền có xu hướng chảy về kênh chứng khoán nhiều hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đây sẽ chỉ là một đợt tích lũy ngắn hạn, bởi còn có rất nhiều lý do để vàng cất cánh như: khủng hoảng ngân hàng toàn cầu, suy thoái kinh tế, lạm phát cao kéo dài, và bây giờ là sự suy yếu của đồng đô la Mỹ với tư cách là đồng tiền dự trữ của thế giới.
Trong đó, còn quá sớm để nói về sự sụp đổ của đồng USD, nhưng chắc chắn có một xu hướng ngày càng tăng rằng thế giới đang hướng tới một hệ thống tài chính đa tiền tệ.
Trung Quốc và Nga đang đi đầu trong việc tạo ra một đồng nhân dân tệ được quốc tế công nhận và các kết quả đang bắt đầu “đơm hoa kết trái”.
Tuần trước, Trung Quốc đã thông báo rằng họ đã thanh toán giao dịch khí lỏng quốc gia đầu tiên bằng đồng nhân dân tệ thông qua Sàn giao dịch dầu mỏ và khí đốt tự nhiên Thượng Hải.
Đồng thời, Trung Quốc và Brazil đã ký một thỏa thuận để thực hiện các giao dịch thương mại và tài chính bằng đồng nhân dân tệ, loại bỏ đồng đô la Mỹ.
Ý tưởng về việc thế giới đa dạng hóa khỏi đồng đô la Mỹ đã xuất hiện trong nhiều năm, nhưng xu hướng này đã đạt được động lực đáng kể trong năm qua khi các quốc gia phương Tây cố gắng trừng phạt Nga vì các vấn đề tại Ukraine.
Ngoài Nga, Trung Quốc thì các quốc gia khác cũng có nhu cầu thiết thực để đa dạng hóa khỏi đồng đô la Mỹ. Nhiều quốc gia thị trường mới nổi có khoản nợ bằng USD và khi đồng bạc xanh mạnh lên, các quốc gia này có gánh nặng nợ lớn hơn nhiều.
Năm ngoái, chỉ số đô la Mỹ đạt mức cao nhất trong 21 năm, gần như gây ra cuộc khủng hoảng nợ công ở các thị trường mới nổi và có thể lan sang hệ thống tài chính toàn cầu.
Nhiều nhà phân tích cho rằng vàng sẽ tiếp tục là “người chiến thắng lớn nhất” khi thế giới đa dạng hóa khỏi đồng đô la Mỹ.
Vào năm 2022, các ngân hàng trung ương lớn đã mua một lượng vàng kỷ lục 1.136 tấn để đa dạng hóa lượng dự trữ ngoại hối của họ.
Mặc dù năm nay kỷ lục này không được phá vỡ, nhưng các nhà phân tích kỳ vọng các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục mua vàng với số lượng lớn.