Giá vàng còn bứt phá vì cuộc khủng hoảng ngân hàng “còn lâu mới kết thúc”?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Một số chuyên gia nhận định thị trường vàng sẽ vẫn được hỗ trợ tốt và cuối cùng sẽ chứng kiến ​​sự bứt phá bền vững trên 2.000 USD/ounce, do cuộc khủng hoảng ngân hàng hiện tại “còn lâu mới kết thúc”.

Trong phiên giao dịch ngày 30/3 tại thị trường Mỹ (đêm qua giờ Việt Nam), giá vàng đã kết phiên với mức tăng gần 16 USD/ounce, lên 1.980,5 USD/ounce.

Giá vàng tăng cao chủ yếu đến từ nhu cầu tăng khi các biểu đồ kỹ thuật đang thúc đẩy nhu cầu mua đầu cơ đối với kim loại quý này. Đồng đô la Mỹ mất giá trên thị trường ngoại hối cũng đang có lợi cho những người đầu cơ giá lên trên thị trường kim loại.

Trong nước, sau khi giảm 150 – 250 nghìn đồng/lượng trong phiên hôm qua, giá vàng mở cửa phiên giao dịch sáng nay đã tăng trở lại. Mở cửa lúc 8h30 sáng, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 66,45 - 67,05 triệu đồng/lượng, tăng 150 nghìn đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào - bán ra.

Tại DOJI, mức giá vàng miếng niêm yết đầu giờ sáng tại 66,35 - 67,05 triệu đồng/lượng, tăng 100 nghìn đồng/lượng ở cả 2 chiều.

Giá vàng được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm nay

Giá vàng được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm nay

Nhận định về giá vàng thời gian tới, nhiều chuyên gia vẫn tin tưởng vào triển vọng tươi sáng của nó khi mà cuộc khủng hoảng ngân hàng có nguy cơ đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái sâu sắc. Và việc giá vàng tăng cao hơn chỉ còn là vấn đề thời gian khi đường cong lợi suất đảo ngược cho thấy nhiều khả năng nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong năm nay.

Hiện các ngân hàng Mỹ vẫn ổn vì họ có bộ đệm thanh khoản tốt. Vấn đề ở đây là các ngân hàng nhỏ - mà thực sự là chúng không còn nhỏ như vậy nữa, vì tổng tài sản các ngân hàng này đã lên tới 7.000 tỷ USD.

Trong khi Chính phủ Hoa Kỳ và Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) đã vào cuộc để đảm bảo tất cả tiền của người gửi tiền được giữ tại các ngân hàng, song giới chuyên gia vẫn cực kỳ lo ngại về chất lượng tài sản của các ngân hàng này.

Trong khi căng thẳng về sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank đã giảm bớt gần đây, các chuyên gia vẫn cảnh báo rằng điều này không có nghĩa cuộc khủng hoảng đã kết thúc, bởi vì sẽ "luôn có nhiều hơn một con gián trong bếp".

Hiện tại, mọi người đều tập trung vào bảo hiểm tiền gửi, nhưng phần khác của câu chuyện sẽ là tài sản các ngân hàng hiện tại như thế nào.

Rất nhiều những khoản vay truyền thống, đặc biệt khi chúng liên quan đến các khoản vay kinh doanh bất động sản thương mại, thẻ tín dụng và các khoản vay mua ô tô đang nằm ở các ngân hàng nhỏ. Trong khi thị trường tín dụng Hoa Kỳ đã chứng kiến ​​sự biến động đáng kể trong năm qua khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng mạnh lãi suất, nền kinh tế mới bắt đầu chứng kiến ​​sự gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn trong lĩnh vực bất động sản thương mại, cho vay mua ô tô và thanh toán bằng thẻ tín dụng.

Sự tồi tệ này chưa dừng lại, vì thông thường, phải mất tới 12 tháng thì người tiêu dùng mới bắt đầu cảm nhận hết tác động của việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Dù mức lãi suất 5% chưa phải cao nhất lịch sử, nhưng tốc độ tăng lãi suất lần này là mạnh nhất.

Trong môi trường này, nhiều chuyên gia nhận định Fed sẽ buộc phải cắt giảm lãi suất trong năm nay. Theo CME FedWatch Tool, thị trường nhận thấy 50% cơ hội cắt giảm lãi suất vào tháng 6. Đồng thời, thị trường nhận thấy khả năng lãi suất Quỹ của Fed có thể kết thúc năm thấp hơn 100 điểm cơ bản so với mức hiện tại.

Nếu lãi suất quỹ Fed giảm, lãi suất thực sẽ giảm xuống, đồng đô la Mỹ đang đi xuống, đó là lý do tại sao vàng sẽ hoạt động tốt.