- Tương lai nào cho báo chí khi AI - trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển?
- Ứng dụng AI trong tác nghiệp báo chí, bước tiến đột phá trong công nghệ truyền thông
San phẳng mọi giới hạn nhờ kết nối
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu. Những tiến bộ trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data) không chỉ tối ưu hóa các quy trình sản xuất mà còn thay đổi căn bản mô hình kinh tế - xã hội.
![]() |
Công nghệ đã trang bị cho báo chí những khả năng mới nhưng cũng đòi hỏi đội ngũ phóng viên phải thường xuyên cập nhật công nghệ hiện đại, làm chủ và sử dụng tốt công cụ kỹ thuật số |
Công nghệ cũng đã trang bị cho báo chí những khả năng mới. Sau gần 30 năm ra đời và phát triển, hệ thống báo chí điện tử Việt Nam đã thể hiện vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Lợi thế của báo và trang tin điện tử là khả năng tiếp cận nhanh và thuận tiện với đông đảo bạn đọc. Tuy nhiên, trên môi trường Internet, người dùng có nhiều sự lựa chọn đa dạng. Tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới, mạng xã hội đang “làm mưa, làm gió”, đã và đang san phẳng mọi giới hạn về kết nối và nhu cầu chia sẻ thông tin. “Khoảng hơn 10 năm trước, tôi vẫn duy trì thói quen mua một tờ báo giấy để đọc mỗi sáng.
Sau đó vài năm, tôi làm quen với việc đọc các trang báo điện tử. Trong vài năm gần đây, khi các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, YouTube… phát triển rầm rộ, chúng dần trở thành một kênh thông tin không thể thiếu. Bất cứ lúc nào, tôi cũng có thể nhanh chóng tiếp cận những thông tin thời sự. Thông qua các đường dẫn chia sẻ của người dùng hay nội dung của các trang, mạng xã hội như một xa lộ thông tin. Lúc này, với tôi, báo chí chính thống nhiều khi chỉ là “kênh” xác nhận lại thông tin quan trọng” - Lê Anh Vũ (35 tuổi, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) chia sẻ.
Sự thay đổi trong cách tiếp cận thông tin của anh Lê Anh Vũ cũng là sự thay đổi của nhiều độc giả trước sự phát triển rầm rộ của các nền tảng mạng xã hội, truyền thông số hiện nay. Theo số liệu thống kê trong báo cáo thường niên về các xu hướng truyền thông xã hội do Meltwater và We Are Social công bố, lượng người dùng mạng xã hội trên toàn cầu đã vượt mốc 5 tỷ người. Tại Việt Nam, thời điểm đầu năm 2024, thực trạng sử dụng kỹ thuật số được thống kê như sau: 78,44 triệu người dùng Internet (chiếm 79,1% dân số); 73,3% dân số sử dụng mạng xã hội; tổng cộng 168,5 triệu kết nối di động đang hoạt động; 92,7% tổng số người dùng Internet tại Việt Nam đã sử dụng ít nhất một nền tảng truyền thông xã hội. Còn theo báo cáo khảo sát “Mức độ phổ biến của ứng dụng di động Việt Nam 2024”, người Việt đang dành gần 50% thời gian sử dụng điện thoại cho những ứng dụng như: Facebook, TikTok, Zalo...
Những con số nêu trên cho thấy chuyển đổi số đã thay đổi thói quen đọc tin tức, nhiều người dùng chuyển từ việc đọc báo giấy sang việc tiếp cận thông tin qua các thiết bị điện tử. Đồng thời, người dùng cũng có xu hướng tìm đến các dịch vụ và nền tảng trực tuyến vì sự linh hoạt và tiện lợi. Sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ truyền thông, sự thông dụng của mạng xã hội, ứng dụng AI tạo ra nhiều trải nghiệm thú vị cho công chúng nhưng cũng tạo nên thách thức lớn cho hoạt động báo chí.
Cân bằng giữa nội dung và công nghệ
Không thể phủ nhận, nhờ có công nghệ, công việc của người làm báo ngày càng trở nên tiện lợi hơn. Nếu trước đây, phóng viên phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” đi thực địa, đến tận nơi xảy ra sự kiện để tác nghiệp thì với sự hỗ trợ của công nghệ, Internet, mạng xã hội, thời gian dành cho những công đoạn thu thập thông tin đã rút ngắn đáng kể. Yếu tố nhanh, kịp thời trở thành một trong những yêu cầu sống còn. Việc áp dụng công nghệ trong tác nghiệp trở thành tất yếu. Công nghệ đã trang bị cho báo chí những khả năng mới nhưng cũng đòi hỏi phóng viên, nhà báo phải thường xuyên cập nhật công nghệ hiện đại, làm chủ và sử dụng tốt công cụ kỹ thuật số.
Một trong những yêu cầu đó là nhà báo phải thành thạo kỹ năng xử lý ngôn ngữ đa phương tiện như: xử lý văn bản, hình ảnh, âm thanh, các chương trình tương tác. Một nhà báo trong thời đại số phải là nhà báo vừa biết viết, vừa biết chụp ảnh, sáng tạo video, thiết kế đồ họa…, và các phương thức tương tác khác để tạo nên một sản phẩm báo chí hoàn chỉnh. Trước sức ép cạnh tranh về tốc độ, hiệu suất thông tin giữa báo chí và mạng xã hội không chỉ người làm báo mà cơ quan báo chí nói chung cũng phải “chuyển mình” để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của độc giả.
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu và trở thành bức thiết với các cơ quan báo chí nhằm hướng tới mục tiêu phục vụ công chúng tốt nhất, nhanh nhất, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ thông tin - tuyên truyền, định hướng dư luận trong bối cảnh mới. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là đầu tư công nghệ thì tốn kém, muốn đầu tư bài bản cần khoản đầu tư không nhỏ. Cho nên, thách thức với các cơ quan báo chí nói chung, đặc biệt những cơ quan báo chí nhỏ nói riêng khi kinh phí có hạn; làm thế nào để cân bằng giữa nội dung và công nghệ.
Thực tế, phóng viên, nhà báo của các cơ quan báo chí điện tử đang phải chịu nhiều áp lực về “view” (lượt xem) của độc giả khi sản xuất tin, bài. Bên cạnh chất lượng thông tin, lượng người đọc cũng là một tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tác phẩm báo chí của nhiều Tòa soạn. Thế nên, hiện tượng phóng viên chạy theo thông tin trên mạng xã hội, sản xuất những tin nhanh theo kiểu “mì ăn liền” cũng tăng lên. Những nội dung mang tính chuyên sâu ngày càng giảm. Về vấn đề này, các chuyên gia trong lĩnh vực báo chí cho rằng, trong quá trình chuyển đổi số báo chí, coi trọng lượng “view” là một sai lầm. Dù những tin tức giật gân có lượt xem cao, nhưng độc giả cũng chỉ lướt qua rất nhanh.
Để thu hút, giữ chân độc giả với báo chí điện tử, các tòa soạn cần thường xuyên nghiên cứu, đánh giá xem CMS (hệ thống quản trị nội dung) đã tối ưu chưa, có thể bổ sung tính năng gì mới để làm ra sản phẩm khác biệt? Thực tế, nhiều tờ báo điện tử vẫn đang làm báo in trên nền tảng digital, chứ không phải làm báo điện tử, khác biệt duy nhất là thêm nhiều ảnh, video. Sự cạnh tranh của các nền tảng mạng xã hội, sự thay đổi thị hiếu của người dùng, đòi hỏi người làm báo phải không ngừng bổ sung kiến thức, nâng cao năng lực sử dụng ngôn ngữ và tư duy báo chí số. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, công nghệ không thể làm thay vai trò của nhà báo, không thể đem đến cho độc giả những thông tin gốc.
Công nghệ có thể vận dụng vào một vài khâu khi sáng tạo nội dung nhưng để có một tác phẩm báo chí hoàn chỉnh luôn cần đến sự lao động trí óc của người làm báo. Trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số trong báo chí là tất yếu. Nhưng thay đổi như thế nào, báo chí vẫn phải giữ được giá trị cốt lõi là “người gác cổng thông tin”, định hướng, truyền cảm hứng cho người đọc, nhân lên những điều tốt đẹp.
![]() |
Nhà báo Phạm Phương |