Giá “rượt đuổi” lương

ANTĐ - Tính đến thời điểm này, nước ta đã có tới 11 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu theo mức tăng trưởng kinh tế, khả năng chi trả của Ngân sách Nhà nước và theo lạm phát. Tất cả các lần điều chỉnh hầu như chỉ nhằm một mục đích duy nhất là để hạn chế bớt khó khăn cho người lao động. Thuật ngữ “điều chỉnh” lương hay giá điện, giá xăng dầu, được ngầm hiểu là cách nói tránh dùng chữ tăng giá, nhằm tránh gây tâm lý xã hội tạo ra hiện tượng “té” giá theo mưa. Dù cố né tránh nhưng thực tế vẫn diễn ra cuộc “rượt đuổi” giữa giá và lương.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, khi đặt vấn đề về dự án Luật Lao động, Chủ tịch Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh, mức lương tối thiểu là phải đủ để đảm bảo tái sản xuất sức lao động đơn giản. Có nghĩa là phải đủ nuôi sống người lao động và gia đình họ. Chúng ta đã từng đảm bảo được mức lương tối thiểu như vậy chưa? Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, mức lương thực nhận ở các doanh nghiệp hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 50-60% nhu cầu tối thiểu của người lao động. Luật Lao động là một bộ luật rất đồ sộ và nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp ít nhất cũng tới 15 triệu người. Mặc dù mức lương tối thiểu theo quy định của Nhà nước đã được nâng lên từ ngày 1-10-2011, nhưng vẫn còn thấp theo định nghĩa lương tối thiểu.

Đây cũng chính là câu hỏi được đặt ra trong nhiều năm qua: “Vì sao lương không đủ sống?”. Vì vậy, một trong những quan điểm của Chính phủ khi xây dựng Luật Lao động là “phải coi chính sách xã hội là động lực để phát triển kinh tế, nhưng đồng thời phải coi phát triển kinh tế là cơ sở và tiền đề thực hiện các chính sách xã hội”. Cơ sở và tiền đề, theo Chính phủ, việc đưa ra các bảo đảm cho người lao động, nhất là các chính sách xã hội là điều hết sức cần thiết, song phải cân nhắc mức độ phù hợp theo từng thời kỳ để nâng dần từng bước, có tính đến các khả năng kinh tế của đất nước.

Cần xét tới phạm vi, biện pháp và bước đi, nếu không sẽ gây thiệt hại chính người lao động và rút cục không đạt được mục đích của chính sách, không bảo vệ được người lao động. Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã yêu cầu ban soạn thảo luật cần đặc biệt coi tiền lương là yếu tố quan trọng, theo quan điểm giá cả sức lao động được hình thành theo các cơ chế thị trường. Tiền lương là cái “gốc” của nhiều vấn đề, nếu không giải quyết được một cách cơ bản thì khó giải quyết nổi tình trạng đình công, lãn công, tái sản xuất sức lao động đơn giản. Nhiều ý kiến tán thành tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ lên 6 tháng, bảo vệ thế hệ tương lai và chất lượng giống nòi.

Qua cuộc khảo sát người lao động các ngành nghề cả nước, số đông cho rằng đợt tăng lương này thực chất không “thấm tháp” gì so với lạm phát và giá cả hiện nay. Điều khiến họ lo lắng nhất là, nhiều doanh nghiệp đã trả khoản tiền tương đương với lương tối thiểu. Nay liệu doanh nghiệp có tăng theo kiểu đối phó bằng cách cắt tiền thưởng, phụ cấp, bữa ăn ca… để “bù đắp” khoản lương tối thiểu buộc phải tăng? Không ít doanh nghiệp cũng kêu khó tìm kinh phí chi trả cho tăng lương, tiền đóng các loại bảo hiểm cũng tăng theo.

Kề bên khó khăn trên, cả người lao động và doanh nghiệp cùng chung nỗi lo giá cả “rượt đuổi” theo lương. Thực tế, giá đuổi “sát nút” lương, thậm chí chạy trước cả lương đã từng xảy ra, tức là tăng lương sẽ chẳng còn mấy ý nghĩa. Quản lý và kiểm soát giá, hỗ trợ kịp thời đời sống người lao động cùng “đồng hành” với tăng lương, là cách tốt nhất giúp cho họ đủ sống bằng lương.