Giá lợn chạm đáy nhưng thịt lợn tại chợ, siêu thị vẫn neo cao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhiều tháng trở lại đây, giá thịt lợn hơi xuất chuồng liên tiếp “rớt” thảm hại, từ 65.000 đồng/kg xuống còn mức 50.000 đồng/kg. Nhưng người tiêu dùng lại không được “hưởng lợi”.

Giá lợn xuất chuồng chạm đáy

Dù đã về cuối năm, nhưng giá thịt lợn xuất chuồng không có dấu hiệu tăng nhiệt, điều đáng nói là giá thịt lợn tiêu dùng tại các chợ dân sinh, đặc biệt là trong các siêu thị vẫn đứng vững ở mức cao khiến người tiêu dùng thấy khó hiểu.

Giá thịt lợn hơi tại miền Bắc kể từ đầu tháng 12 đến nay luôn dao động ở mức đáy, từ 48.000 - 50.000 đồng/kg. Trong đó, 50.000 đồng/kg là mức giao dịch cao nhất khu vực, được ghi nhận tại Thái Bình và Hà Nam. Các địa phương khác thu mua lợn hơi với giá ổn định trong khoảng 48.000 - 49.000 đồng/kg.

Trong khi đó, giá lợn hơi ở khu vực miền Trung- Tây Nguyên cũng dao động trong khoảng 47.000 - 50.000 đồng/kg. Tại khu vực phía nam, giá lợn hơi tiếp tục giao dịch trầm lắng, mức giao dịch thấp nhất khu vực là 47.000 đồng/kg, được ghi nhận tại Bình Dương. Các địa phương còn lại thu mua với giá trong khoảng 48.000 - 52.000 đồng/kg.

Trong khi giá thịt lợn hơi luôn ở mức thấp thì từ đầu năm 2023 đến nay, dịch tả lợn châu Phi lại có xu hướng lan rộng hơn so với năm 2022 dù Việt Nam đã có vaccine.

Giá lợn hơi xuất chuồng duy trì ở mức thấp kéo dài nhiều tháng qua

Giá lợn hơi xuất chuồng duy trì ở mức thấp kéo dài nhiều tháng qua

Thống kê của Cục Thú y, Bộ NN&PTNT cho thấy, từ đầu năm đến hết tháng 11/2023, cả nước xảy ra 576 ổ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 530 xã của 44 tỉnh, thành phố. Số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 24.218 con.

Dịch bệnh tả lợn châu Phi xảy ra nặng nhất tại các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Đắk Lắk, Quảng Bình, Sơn La, Bình Phước... Từ tháng 8 đến nay, dịch bệnh tả lợn châu Phi có chiều hướng gia tăng và dự kiến tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Cục Thú y cho rằng, các ổ dịch vừa qua chủ yếu xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, mua con giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, vệ sinh chuồng trại kém. Các địa phương vẫn còn hiện tượng giấu dịch, chậm báo cáo dịch, bán chạy, giết mổ lợn bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác lợn chết ra môi trường.

Theo Cục Thú y, dịch bệnh tả lợn châu Phi gia tăng vừa qua có nguyên nhân do không có kiểm dịch nội tỉnh, trong khi giết mổ nhỏ lẻ chiếm đa số, khoảng 27.000 cơ sở, giết mổ tập trung được hơn 460 cơ sở. Bên cạnh đó, hệ thống thú y cấp tỉnh và cấp huyện hiện nay rất lỏng lẻo, không bảo đảm nguồn lực triển khai phòng, chống dịch bệnh do các địa phương sáp nhập vào trung tâm dịch vụ nông nghiệp.

Nhiều địa phương, do lo ngại của dịch tả lợn châu Phi nên người chăn nuôi nhỏ đã bất chấp giá thịt lợn đang lao dốc mà xuất chuồng khiến chăn nuôi càng thua lỗ.

Nhiều khâu trung gian, thả nổi chiết khấu

Người chăn nuôi khó khăn bộn bề khi giá thịt lợn xuống thấp kéo dài thì nghịch lý vẫn cứ tồn tại là giá thịt lợn tiêu dùng tại các chợ dân sinh, đặc biệt là trong các siêu thị vẫn rất cao một cách khó hiểu.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, vấn đề này không phải mới diễn ra gần đây, mà đã trải qua suốt nhiều năm. Khác biệt trong từng thời điểm chỉ là mức độ chênh lệch cao hay thấp.

Trong khi giá lợn tiêu dùng tại các chợ và siêu thị đứng ở mức cao

Trong khi giá lợn tiêu dùng tại các chợ và siêu thị đứng ở mức cao

Chuyên gia Vũ Vinh Phú lấy ví dụ, ngay tại thời điểm này, riêng so sánh giá bán lẻ giữa chợ dân sinh và siêu thị, thịt cùng loại đã vênh đến 60 – 70.000 đồng/kg.

“Thực tế, đây là câu chuyện quen thuộc ở hoạt động bán lẻ trong nước. Nguyên nhân bởi sản phẩm đi từ chuồng trại của người nông dân đến tay người tiêu dùng bị cắt quá nhiều trong chuỗi cung ứng. "Bán buôn, bán lẻ, thương lái, đầu nậu.. Mỗi nơi, chi phí sản phẩm tăng từ 10 - 15%", ông Phú nêu nhận định.

Mặt khác, mức chiết khấu tại các siêu thị đang bị thả nổi. Trung bình 20%, thậm chí có nơi đến 30%, mức này theo ông Phú là quá cao, khiến giá thành sản phẩm tăng theo. Điều này dẫn đến tình trạng người chăn nuôi bị "đè" giá, nhưng ưu đãi tốt lại không tới được tay người tiêu dùng.

Nguyên nhân được chuyên gia Vũ Vinh Phú chỉ ra là hiện tượng độc quyền trên các kênh bán lẻ. Có trường hợp người sản xuất bị gây khó khăn khi gửi hàng, nên chấp nhận chịu chiết khấu cao. Trong chuỗi cung ứng bán lẻ, đa phần các siêu thị sẽ nắm đằng chuôi nên vừa chiếm dụng vốn (nhận gửi hàng và thanh toán sau), vừa có chiết khấu cao nên giá sản phẩm bị đẩy lên.

Theo ông Phú, dù là cơ chế thị trường nhưng cần có sự quản lý của cơ quan Nhà nước, nếu không sẽ gây hỗn loạn thị trường, ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, vai trò kiểm soát giá của lực lượng Quản lý thị trường, Ủy ban cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng được nhấn mạnh. Cùng đó là Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng..

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu xây dựng thể chế, tránh tình trạng lỏng lẻo, chưa có quy định về khung giá sản phẩm, khung chiết khấu như hiện nay. Đồng thời, ông Phú cho rằng, khi nhận thấy giá bán hàng hóa cao vô lý, cơ quan Nhà nước có quyền yêu cầu doanh nghiệp khai báo giá.