Hà Nội: Phải tiêm phòng bệnh dại cho trên 90% tổng đàn chó, mèo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hà Nội yêu cầu phải tiêm phòng bệnh dại cho trên 90% tổng đàn chó, mèo; tiêm vaccine phòng bệnh cho trên 90 % tổng đàn gia súc, gia cầm; không để lây lan dịch bệnh. 
Hà Nội yêu cầu phải tiêm phòng bệnh dại cho trên 90% tổng đàn chó, mèo

Hà Nội yêu cầu phải tiêm phòng bệnh dại cho trên 90% tổng đàn chó, mèo

UBND TP Hà Nội mới ban hành Kế hoạch số 258/KH-UBND về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn năm 2024.

Theo đó, năm 2023, trên địa bàn thành phố xảy ra và phát sinh bệnh Cúm gia cầm tại huyện Quốc Oai, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại huyện Chương Mỹ và Hoài Đức, bệnh Dại động vật tại huyện Mê Linh. Các cấp, các ngành đã chủ động khoanh vùng khống chế, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

Năm 2024, dự báo tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên thế giới và trong nước vẫn có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; cùng với đó, Hà Nội có quy mô tổng đàn gia súc, gia cầm lớn; chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, tự phát tuy có giảm nhưng vẫn chiếm tỷ lệ cao; địa bàn Thủ đô có mức tiêu thụ sản phẩm động vật và lưu lượng vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào lớn nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất cao.

Hà Nội đưa ra loạt giải pháp cụ thể như: Phòng bệnh bắt buộc bằng vaccine cho đàn gia súc, gia cầm; tổ chức 2 đợt tiêm phòng đại trà cho đàn vật nuôi (Đợt 1: tháng 3-4/2024 và Đợt 2: tháng 9-10/2024). Hàng tháng tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi mới phát sinh, chưa được tiêm phòng hoặc đã hết miễn dịch.

Tỷ lệ tiêm phòng đối với các bệnh bắt buộc tiêm phòng phải đạt trên 80% tổng đàn thuộc diện bắt buộc phải tiêm phòng và đối với bệnh dại chó, mèo phải tiêm phòng đạt trên 90% tổng đàn chó, mèo. Tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng đối với các loại vaccine phải đạt trên 70%. Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân không thực hiện tiêm phòng cho vật nuôi theo quy định.

Duy trì đường dây tiếp nhận thông tin về tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố (qua số điện thoại 024.338001 15).

Củng cố hệ thống giám sát, khai báo và thông tin dịch bệnh gia súc, gia cầm ở mọi cấp; đảm bảo giám sát dịch bệnh tới tận thôn, xóm, hộ chăn nuôi. Công khai các địa chỉ để tiếp nhận thông tin khai báo dịch bệnh ở cấp xã, cấp huyện để người dân biết, chủ động cung cấp thông tin; tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc xuất, nhập động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Chủ động lấy mẫu giám sát để dự tính, dự báo sớm dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Cúm gia cầm, Dịch tả lợn Châu Phi,... đặc biệt phải phân tích chuyên sâu để phát hiện biến chủng của mầm bệnh giúp định hướng sử dụng vaccine và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp, có hiệu quả.

Khi có động vật ốm, chết, có dấu hiệu bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải lấy mẫu xét nghiệm để xác định nguyên nhân và thực hiện các biện pháp xử lý theo quy định.

Thực hiện đồng bộ các biện pháp xử lý ổ dịch ngay khi mới phát sinh, không để lây lan ra diện rộng. Tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại các ổ dịch cũ, các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến, vận chuyển, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn (dự kiến 4 đợt/năm); phát động Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Từng bước đưa các hộ, điểm giết mổ nhỏ lẻ vào giết mổ tại các khu giết mổ tập trung trong Mạng lưới cơ sở đã được UBND TP phê duyệt.

Tạo điều kiện, hỗ trợ theo quy định các nhà đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung công nghiệp hiện đại, thân thiện với môi trường và gắn với chế biến.

Tăng cường hiệu quả hoạt động của các trạm, chốt kiểm dịch động vật và Đội kiểm dịch động vật lưu động. Xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật chưa qua kiểm dịch thú y theo quy định.

Tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm và đánh giá phân loại các cơ sở kinh doanh, sản xuất thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi, thuốc thú y trên địa bàn theo quy định.

Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP nếu để dịch bệnh gia súc, gia cầm lây lan ra diện rộng do chủ quan, lơ là, thiếu sự phối hợp trong công tác phòng, chống dịch; chậm tiến độ trong các hoạt động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và triển khai thực hiện quy hoạch chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn quản lý.