Giá hàng tăng cao do chi phí

ANTĐ - Đó là nguyên nhân chủ yếu khiến giá nhiều loại hàng hóa trong nước tăng cao trong năm 2011. Bộ Công Thương sẽ nỗ lực giải quyết vấn đề này trong năm 2012.

Đảm bảo cung - cầu, giá cả hàng hóa năm 2012 là nhiệm vụ trọng tâm

Bộ Công Thương cho biết, năm vừa qua, cung cầu các nhóm hàng về cơ bản được đảm bảo, tuy nhiên giá nhiều loại hàng hóa tăng cao chủ yếu do chi phí cũng tăng mạnh. Cụ thể là tác động của sự tăng giá hàng hóa thế giới cùng với biến động tỷ giá; chi phí đầu vào tăng do lãi suất cao, tăng giá điện lũy kế, giá than tăng đối với một số hộ tiêu dùng lớn; lương tối thiểu, giá nước sạch tại một số địa phương tăng; thời tiết, dịch bệnh gây giảm nguồn cung một số mặt hàng nông sản thực phẩm thiết yếu, gây tăng giá mạnh trong một số giai đoạn.

Đối với mặt hàng thực phẩm, nguồn cung thịt lợn bị tác động bởi dịch bệnh, rau xanh lại chịu tác động của thời tiết và do sản xuất thiếu bền vững nên nhóm hàng này tăng giá đột biến trong năm qua. Bộ Công Thương cho rằng, đầu vào cho chăn nuôi phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, lưu thông hàng thực phẩm còn nhiều bất hợp lý do hạ tầng giao thông yếu kém, liên kết trong chuỗi cung ứng thực phẩm lỏng lẻo, rời rạc… đẩy giá các mặt hàng này tăng cao.

 

Bên cạnh đó, nhóm hàng xăng dầu, phân bón, gas... cũng liên tục tăng giá, đã gây hiệu ứng lan truyền tăng giá đến hầu hết các nhóm hàng khác. Vì nguồn cung trong nước chưa sản xuất đủ, còn phụ thuộc vào nhập khẩu nên nhóm hàng này không nằm ngoài sự tác động của tỷ giá cũng như biến động giá thế giới.

Một yếu tố khách quan khác khiến cung cầu hàng hóa đảm bảo nhưng giá vẫn tăng là do hệ thống phân phối chưa đáp ứng được yêu cầu. Nơi có nhu cầu tiêu dùng cao như Hà Nội thì khả năng tự cung ứng lương thực, thực phẩm không cao, hệ thống phân phối truyền thống qua các chợ nhiều tầng nấc trung gian đẩy giá hàng hóa tăng cao hơn nữa. Các siêu thị hiện đại mới chỉ đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận người tiêu dùng. Một chuyên gia kinh tế nhận xét, do chưa hình thành được những doanh nghiệp nội địa lớn có mô hình kinh doanh hiện đại, có phương thức kinh doanh tiên tiến, giữ vai trò định hướng và tổ chức lưu thông, liên kết với sản xuất và xuất nhập khẩu tạo thành một hệ thống phân phối hiện đại, phát triển bền vững nên người bán và người mua nhiều lúc “chưa gặp được nhau”. Thực tế này chứng tỏ, sự điều tiết vĩ mô về hàng hóa còn nhiều bất hợp lý.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay, trong năm nay, quy hoạch phát triển các hệ thống phân phối và hệ thống sản xuất các mặt hàng quan trọng, thiết yếu sẽ cơ bản hoàn thành để điều tiết nguồn cung hàng hóa hợp lý, đầy đủ; Đồng thời, tiếp tục phát triển hệ thống phân phối hiện đại: siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, trước hết tại các thành phố và các đô thị lớn.