Giả danh các cơ sở lưu trú để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Với chiêu trò giả mạo fanpage của các cơ sở lưu trú nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, một số người dân và du khách đã trở thành nạn nhân của trò lừa đảo tinh vi này.

Bắt đầu vào mùa cao điểm du lịch, nhiều cơ sở lưu trú đang đẩy mạnh việc quảng bá các loại hình dịch vụ, đặc biệt là giới thiệu các loại hình sản phẩm dịch vụ qua các nền tảng mạng xã hội. Nắm bắt xu hướng đó, các đối tượng trên không gian mạng đã thực hiện các hành vi lừa đảo du khách, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh dịch vụ du lịch.

Theo các cơ quan chức năng, các đối tượng tạo lập các trang fanpage giả, dùng các thủ thuật để tăng lượng follow, thậm chí chúng giả cả “tích xanh” để tăng uy tín. Chúng sử dụng hành ảnh, vi deo, bài đăng như những fanpage chính chủ. Tạo những bình luận nhằm tăng tính thuyết phục… Chính vì thế khi nhình vào giao diện, chúng ta khó có thể phân biệt được đâu là fanpage giả, đâu là fanpage thật.

Thông thường, tội phạm sử dụng công nghệ cao và không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thường thay đổi phương thức, thủ đoạn, cách thức tiếp cận bị hại ngày càng tinh vi. Đánh vào tâm lý ham rẻ khi đặt dịch vụ phòng nghỉ, các đối tượng đã hạ giá thành thấp hơn nhiều so với giá thành niêm yết của các các cơ sở lưu trú. Mặt khác chúng thường vẽ ra các chương trình khuyến mại và quà tặng hấp dẫn khác nhằm thu hút du khách.

Tinh vi hơn, các đối tượng còn lập đường dây nóng riêng sẵn sàng tư vấn khi khách hàng gọi; khi nhận được tiền các đối tượng nhắn tin gửi hóa đơn chứng từ xác nhận đã đặt phòng… nhằm lấy lòng tin, khách hàng rất khó có thể nhận ra mình đang bị lừa.

Một số trường hợp, kẻ lừa đảo còn cố tình gửi sai cú pháp để khách chuyển tiền lần hai. Thực tế, đây là thủ đoạn lừa đảo không mới nhưng vẫn khiến nhiều trường hợp du khách bị lừa và chuyển tiền cọc cho các đối tượng, đến khi nhận phòng mới phát hiện vì nhân viên của các cơ sở nói trên thông báo, không có khách hàng đặt phòng có tên như đã trình bày.

Từ thực trạng trên, người dân cần cẩn trọng khi đặt phòng khách sạn, phòng trọ, nhà nghỉ thông qua các nền tảng mạng xã hội (fanpage, zalo, hội nhóm review du lịch,..).

Mặt khác để tránh bị lừa đảo trước các thủ đoạn nêu trên, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin và nên ưu tiên lựa chọn dịch vụ đặt phòng của những công ty uy tín hoặc qua các App du lịch.

Bên cạnh đó, người dân và du khách cần nâng cao cảnh giác khi nhận được lời mời chào với mức giá quá rẻ (rẻ hơn 30-50% so với giá chung của thị trường); đặc biệt thận trọng khi được yêu cầu chuyển tiền đặt cọc để giữ chỗ, nếu có thể chỉ nên thực hiện giao dịch thanh toán trực tiếp. Đồng thời, chú ý kiểm tra các dấu hiệu nhận biết website, fanpage giả mạo. Thông thường tên các website giả sẽ gần giống với tên các website thật nhưng sẽ có thêm hoặc thiếu một số ký tự. Các trang fanpage giả thường khóa bình luận, không để số điện thoại liên hệ hay chỉ dẫn địa chỉ từ Google map, tài khoản ngân hàng thường là số tài khoản công ty, không phải tài khoản cá nhân.

Khi phát hiện hoặc nghi ngờ các trang mạng xã hội, dịch vụ có yếu tố lừa đảo, người dân và du khách cần kịp thời tố giác, cung cấp thông tin cho lực lượng Công an gần nhất để xử lý.