Ghé vai đỡ người nghèo

(ANTĐ) - 4 năm sau trận bão khủng khiếp Chanchu làm hàng chục ngư dân Quảng Ngãi tử nạn, chúng tôi quay trở lại vùng đất thiên tai này. Đập vào mắt vẫn là những mái nhà liêu xiêu, những gương mặt khắc khổ, sạm đen vì nắng gió và cũng phảng phất những nét thất thần. Có lẽ chỉ riêng một từ “bão lũ” cũng đủ để người dân thon thót giật mình.

Những hoạt động xã hội tình nghĩa của Báo An ninh Thủ đô tại miền Trung:

Ghé vai đỡ người nghèo

(ANTĐ) - 4 năm sau trận bão khủng khiếp Chanchu làm hàng chục ngư dân Quảng Ngãi tử nạn, chúng tôi quay trở lại vùng đất thiên tai này. Đập vào mắt vẫn là những mái nhà liêu xiêu, những gương mặt khắc khổ, sạm đen vì nắng gió và cũng phảng phất những nét thất thần. Có lẽ chỉ riêng một từ “bão lũ” cũng đủ để người dân thon thót giật mình.

Khốn đốn vì lũ

Chính vì hiểu được sự khốn khó của bà con vùng lũ nên ngay sau khi nhận được sự đóng góp từ Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, Công ty CP Tập đoàn Thiên Phúc cùng nhiều doanh nghiệp, tấm lòng hảo tâm của bạn đọc cả nước, Đoàn công tác xã hội Báo An ninh Thủ đô do đồng chí Thượng tá An Văn Huân - Phó Tổng Biên tập dẫn đầu đã lập tức khởi hành chuyến cứu trợ tới xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Đồng chí An Văn Huân tặng các em học sinh trường THCS Trà Thủy tiền mua áo ấm
Đồng chí An Văn Huân tặng các em học sinh trường THCS Trà Thủy tiền mua áo ấm

Ông Nguyễn Văn Thiện - Chủ tịch xã Bình Hải đưa cho chúng tôi bản báo cáo thiệt hại do mưa lụt gây ra, mà không quên rào trước một câu: “Những con số thiệt hại trong đó mới là thống kê sơ bộ thôi. Chưa có tính toán chính xác, nhưng theo “kinh nghiệm” của tôi thì chắc chắn bà con thiệt hại không dưới 10 tỷ đồng. Riêng ở xã tôi đã có gần 20 ngôi nhà bị cuốn trôi”.

Khi chứng kiến chị Kiều Thị Hoa ở xóm 3 Phước Thiện hốt hoảng khi khoắng tay vào hũ gạo rỗng tuếch chúng tôi mới vỡ ra rằng, giờ đây khi người đàn ông trụ cột trong căn nhà này lên thuyền ra khơi thì cũng là lúc hạt gạo trong nhà bắt đầu cạn kiệt. Sự xuất hiện của đoàn công tác cùng số tiền trợ giúp 500 nghìn đồng đối với chị lúc này như một chiếc phao cứu sinh. Bì bõm trong khoảnh sân nước còn ngập ngang gối chị Hoa cười như trút được gánh nặng: “Em gom góp tất cả trong nhà còn được hơn 100 nghìn cho ông xã sắm ít đồ “đi bạn” (theo thuyền đi biển) đặng kiếm chút tiền mua gạo nuôi con. Số tiền ấy là tất cả những gì gia đình còn lại sau trận lũ. Đang chưa biết tính mấy bữa tới 3 mẹ con ăn uống bằng gì thì các anh tới cho số tiền này. Thực là ông trời vẫn còn thương người nghèo khó”.

Thế nhưng so với cụ Đoàn Thị Giao ở thôn Tân Hy thì chị Hoa vẫn được liệt vào dạng dư dả bởi chí ít chị còn vét nổi trong nhà 100 nghìn đồng. Năm nay đã 85 tuổi nhưng cụ Giao vẫn phải trông coi tới 3 đứa cháu để cho con trai đi biển kiếm tiền mua gạo. Nhận từ tay đồng chí An Văn Huân số tiền cứu trợ, cụ Giao cứ lẩy bẩy ngỡ mình nằm mơ: “Lũ cuốn trôi cả nhà cửa tôi rồi, cả tuần nay 4 bà cháu dắt díu nhau đi ở nhờ mấy người trong họ. Cái xoong nấu cơm cũng chẳng còn. Bố chúng nó “đi bạn” biền biệt một năm gửi về cho bà cháu có 4 triệu bạc thì biết đến bao giờ mới dựng lại nổi ngôi nhà?

Thắt ruột ngày giáp hạt

Sau khi trao hơn 100 suất quà cho những gia cảnh tương tự gia đình chị Hoa, cụ Giao, chúng tôi rời vùng biển Bình Sơn tiếp tục mang số quà còn lại tổng số 300 suất tới cư dân vùng lũ của huyện vùng cao Trà Bồng. Ông Thanh Quý Dương - Chủ tịch xã Trà Thủy như trút được gánh nặng với bà con khi thấy đoàn công tác xuất hiện.

Cũng trong chuyến công tác cứu trợ tại Quảng Ngãi, Đoàn công tác xã hội Báo An ninh Thủ đô đã trao trực tiếp số tiền 18 triệu đồng cho gia đình 9 thuyền viên tàu QNg 66478TS bị nước ngoài bắt giữ ngày 11-9. Đây là số tiền trích từ Quỹ “Bầu ơi thương lấy bí cùng” của Báo An ninh Thủ đô thể hiện tình tương thân tương ái với đồng bào gặp hoạn nạn.

 Ông nói: “Khi nghe chúng tôi phổ biến sẽ có Đoàn công tác Báo An ninh Thủ đô tới trao quà cứu trợ, 5h sáng bà con đã tới túc trực tại cổng ủy ban”. Tôi nhìn kim đồng hồ chỉ 8h sáng mà giật mình: “Như vậy là bà con đã đợi chúng tôi 3-4 tiếng rồi?”. Ông Dương giải thích: “Sau lũ, cái đói, cái rét cứ bám nhằm nhẵng với đồng bào người Cor của huyện Trà Bồng, vì thế nghe nói có cứu trợ là họ lập tức tới ngay như thể đó là ánh sáng từ cuối đường hầm”.

Cụ Hồ Văn Luy ở thôn 5 năm nay đã 75 tuổi tay chống gậy, chân cà nhắc do ngã trên núi nói rất nhanh bằng tiếng Cor. Trưởng Công an xã Hồ Quang Hải phải “phiên dịch”: “Ông cụ bảo trận lũ này ác quá, bây giờ đúng mùa giáp hạt, giống má, hoa màu mất cả đang chưa biết sống bằng gì. Các anh cho chừng ấy tiền đủ để hai ông bà tùng tiệm đợi tới vụ mùa sau”. Nhà cụ Luy chỉ còn hai vợ chồng già, mấy bữa nay, bà lão nằm liệt một chỗ vì ốm.

Một mình ông lão lụi cụi lên rẫy mót mấy củ mì (sắn) còn sót về ăn thay cơm, ai dè trượt chân ngã xuống núi. Cụ Luy nhìn xa xăm về ngọn núi trước mặt để anh Hải “phiên dịch” tiếp: “Bà ấy ốm, nhưng vẫn phải ăn củ mì. Lát già sẽ đi mua mấy ký gạo về nấu cho bà ấy một bữa cơm thật no. Có cơm ăn chắc sẽ nhanh khỏi”. Chúng tôi nghe những lời trần tình thực thà ấy mà không khỏi bùi ngùi. Tội nghiệp cho bà con nghèo vùng lũ. Ngay cả trong cơn bệnh cũng không dám nghĩ tới chuyện đi viện, uống thuốc, chỉ dám nghĩ tới một bữa no.

Ở Trà Bồng, không chỉ người lớn mà đến ngay cả trẻ con cũng lao đao vì thiên tai. Cô Phạm Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Trà Bồng chỉ tay vào em Hồ Văn Ếch học sinh lớp 6: “Mấy bữa nay, Ếch đến lớp với đôi chân đất. Thứ tài sản lớn nhất của cu cậu là chiếc cặp sách, bộ quần áo ấm và đôi dép thì lũ đã “khuân” đi hết mất rồi. Cha Ếch là bộ đội chống Mỹ nhưng bị nhiễm dioxin nên mất sức lao động. Ngày nào em ấy cũng chân đất cuốc bộ 17 cây số đường rừng đến lớp, ăn chẳng có nên vừa rồi chúng tôi đành phải cho em vào ở bán trú rồi nấu cơm cho, chứ nếu để nó cắt rừng đi học có khi đói lả dọc đường”.

Đồng chí An Văn Huân hỏi cô Thủy: “Trường có bao nhiêu em có hoàn cảnh tương tự?”. Cô Thủy ngập ngừng giở sổ: “52 em tất cả”. Ngay lập tức một quyết định “xé rào” được đưa ra: Trao toàn bộ số tiền công tác phí dự phòng của đoàn còn hơn 10 triệu đồng tặng các em học sinh của trường mua áo ấm đi học.

Chúng tôi rời Trà Bồng trong ánh nắng chiều dần tắt. Không chỉ khi có lũ mà ngay trong hoàn cảnh bình thường cuộc sống của đồng bào nơi đây cũng đã rất khó khăn. Hy vọng rằng, sẽ còn nhiều bạn đọc, nhiều tấm lòng hảo tâm trên cả nước sẽ tiếp tục đồng hành cùng Báo An ninh Thủ đô trên chặng đường “tương thân tương ái” đến với đồng bào còn nhiều gian khó này.

Nguyễn Long