Gánh nặng giá, thêm nỗi lo dịch bệnh

ANTĐ - Giá thịt lợn mỗi ngày một tăng. Trong khi đó, trước đây, lợn sữa Việt Nam ùn ùn đổ sang Trung Quốc thì nay khan, lợn thịt Trung Quốc lại tràn vào Việt Nam gây mất kiểm soát về dịch bệnh, chất lượng.

Ăn nhiều thịt do... trời mát

Cung thịt lợn vẫn chưa có tín hiệu khả quan hơn

Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNN) cho biết, trong tháng 7, tổng sản lượng thịt hơi các loại sản xuất trong cả nước đạt trên 1,438 triệu tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, thịt lợn và thịt gia cầm chiếm trên 90%. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đã bước sang đầu tháng 8 nhưng giá thịt lợn không giảm, mà vẫn trên đà tăng. Tại nhiều chợ bán lẻ trên địa bàn TP Hà Nội, giá sườn đứng ở mức rất cao, từ    150.000-170.000 đồng/kg, thịt ba chỉ từ 150.000-160.000 đồng/kg. Dù giá có mềm hơn tại Hà Nội đôi chút, với mức từ 110.000-120.000 đồng/kg sườn, song người dân ở nhiều vùng nông thôn vẫn chao đảo vì giá thịt lợn. Lý giải về điều này, ông Hoàng Kim  Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng, có thể do mùa hè năm nay mát nên sức tiêu thụ thịt lợn của người dân tăng cao hơn cùng kỳ nhiều năm.

Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, riêng 2 nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã tăng 2,12%, nhóm hàng thực phẩm tăng 3,2% so với tháng 6. Nếu tính cả 7 tháng đầu năm, nhóm thực phẩm đã tăng 26,12% so với tháng 12-2010, trong đó có sự đóng góp lớn từ giá thịt lợn. Ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở đã kiểm tra các cơ sở giết mổ và nhận thấy không có sự khan hiếm, số lợn sống dự trữ vẫn còn và không có tình trạng mua vét xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, với giá thành 1,2 triệu đến 2 triệu đồng/con lợn giống và thức ăn tăng giá  15 - 30% trong  thời gian qua, khiến nhiều trang trại chăn nuôi cho rằng tái đàn vào thời điểm này chưa hiệu quả nên đã bỏ trống chuồng. Việc không quay vòng đàn lợn đã dẫn đến thiếu nguồn cung cục bộ ở từng vùng nhất định. Thịt lợn là một trong 10 mặt hàng bình ổn giá của Hà Nội, với lượng tiêu thụ  ước tính 120.000 - 140.000 tấn/tháng; trong đó lượng thịt mua theo giá bình ổn là 2.000 tấn.


Nỗi lo dịch bệnh từ gia súc nhập lậu

Nếu như thời điểm trước, lợn sữa Việt Nam ùn ùn đổ sang Trung Quốc thì thời điểm này, lợn thịt Trung Quốc lại xuất ngược trở lại Việt Nam với mức độ báo động. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, đến thời điểm này, Việt Nam đã nhập 6.436 con trâu, bò sống bằng đường tiểu ngạch từ Campuchia và 755 con trâu bò qua đường chính ngạch từ Thái Lan. Ngoài ra, có khoảng 170 tấn lợn thịt nhập lậu qua biên giới Lạng Sơn và 4 tấn gà loại thải nhập lậu qua đường biên giới tỉnh Quảng Ninh từ Trung Quốc. Trung bình mỗi ngày có khoảng 25 tấn thịt lợn hơi nhập lậu qua biên giới Lạng Sơn (theo đường mòn).

Theo ông Hoàng Văn Năm, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), do chênh lệch giá sản phẩm gia súc, gia cầm giữa Việt Nam và các nước láng giềng tương đối cao, nhiều tổ chức, cá nhân đã nhập lậu động vật, sản phẩm động vật qua các tỉnh biên giới phía Bắc, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh, nguy hiểm tới sức khỏe người tiêu dùng. Theo kết quả xét nghiệm, thì có tới 28/100 mẫu gà nhập lậu cho kết quả dương tính với virus H5N1. Đây được xem là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh kéo dài liên miên. Bên cạnh đó, lợn Trung Quốc có thể sử dụng “công nghệ đen” để vỗ béo trước khi xuất. Trong khi, hầu hết các tỉnh giáp biên giới mới chỉ kiểm soát 50% số động vật xuất khỏi tỉnh và chưa kiểm soát được động vật nhập vào.

Gần đây, Bộ NN&PTNT đã có công điện khẩn gửi chủ tịch UBND 6 tỉnh biên giới phía Bắc (Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu) yêu cầu tăng cường quản lý gia súc, gia cầm nhập lậu. Theo đó, Ban chỉ đạo 127 Quảng Ninh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục triển khai mạnh lực lượng đấu tranh chống buôn lậu, đặc biệt kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, gia súc, gia cầm, sản phẩm, thủy sản nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ tại khu vực biên giới và lưu thông trên thị trường. Trong tuần này, liên Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công Thương sẽ tiếp tục bàn bạc xung quanh việc kiểm soát giá cả mặt hàng thịt lợn.