Gánh nặng công nghiệp nhẹ

(ANTĐ) - Con đường hội nhập thị trường thế giới mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tìm đường xuất khẩu sang các nước. Song đó cũng là con đường để doanh nghiệp nước ngoài xâm nhập thị trường trong nước. Đang diễn ra tình thế “tiến thoái lưỡng nan”: Cánh cửa xuất khẩu ngày một hẹp lại, còn đứng chân trên thị trường nội địa cũng không dễ dàng đối với ngành công nghiệp nhẹ.

Gánh nặng công nghiệp nhẹ

(ANTĐ) - Con đường hội nhập thị trường thế giới mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tìm đường xuất khẩu sang các nước. Song đó cũng là con đường để doanh nghiệp nước ngoài xâm nhập thị trường trong nước. Đang diễn ra tình thế “tiến thoái lưỡng nan”: Cánh cửa xuất khẩu ngày một hẹp lại, còn đứng chân trên thị trường nội địa cũng không dễ dàng đối với ngành công nghiệp nhẹ.

Ngoại trừ ngành dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,7 tỷ USD, tăng 4% so với mục tiêu xuất khẩu cả năm, các ngành công nghiệp nhẹ như da giày, dệt may, nhựa, dầu thực vật đều không đạt mục tiêu xuất khẩu, trong đó giá trị xuất khẩu của ngành da giày cả năm 2009 đạt 4 tỷ USD, xấp xỉ 80% so với mục tiêu đặt ra, dầu thực vật xuất khẩu chỉ bằng 47% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, hàng Việt Nam còn khó chen chân vào thị trường, vì vướng các vụ kiện bán phá giá cũng như hàng rào kỹ thuật. Nhìn lại các vụ kiện trong hai năm gần đây, có thể thấy việc bảo vệ thị trường trong nước được các quốc gia dựng lên bằng hai hàng rào. Hàng rào đầu tiên là các vụ kiện chống bán phá giá, mà đối tượng thường mắc phải là các nước đang phát triển, nền kinh tế chưa được công nhận là kinh tế thị trường hoàn toàn như Việt Nam.

Hàng rào thứ hai là rào cản kỹ thuật được dựng lên do sức ép từ các nhà sản xuất và người tiêu dùng. Khuynh hướng tiêu dùng xanh “sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường đòi hỏi khắt khe hơn của người tiêu dùng các nước về các tiêu chuẩn sản xuất, vệ sinh an toàn thực phẩm. Quay lại thị trường nội địa, từ nhiều năm qua, ngành dệt may, da giày chủ yếu là “hướng ngoại”, cho nên chắc chắn không thể hấp thụ hết sản lượng hàng năm. Đơn cử, với năng lực sản xuất của ngành da giày như hiện nay, mỗi năm bình quân mỗi người dân Việt Nam phải “đi” hết 8 đôi giày may ra mới đảm bảo đủ công ăn việc làm cho hơn 620.000 công nhân ngành này.

Trong khi đó, 70% doanh nghiệp da giày làm gia công cho nước ngoài, từ kỹ thuật, công nghệ cho đến quản lý, thiết kế mẫu mã sản phẩm gần như phụ thuộc hoàn toàn vào đối tác nước ngoài. Hơn thế, gần 70% nguyên liệu và phụ liệu đều phải nhập khẩu “ăn đong”. Chỉ cần thị trường thế giới có biến động về giá nguyên liệu hoặc thay đổi tỷ giá là doanh nghiệp Việt Nam “lãnh đủ”. Gánh nặng của ngành công nghiệp nhẹ chính là sự sàng lọc nghiệt ngã trong cuộc cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu lẫn nội địa.

Nó có thể buộc một số doanh nghiệp phải co hẹp sản xuất hoặc phá sản. Song, nó cũng “lọc” ra các doanh nghiệp có sức cạnh tranh và khả năng đổi mới công nghệ, sáng tạo từ mẫu mã, thiết kế, thay đổi quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng cho tới khả năng tìm kiếm thị trường mới. Sức ép cạnh tranh như vậy vừa phá vỡ các “kết dính” nặng về hình thức, sản phẩm kế thừa từ nền kinh tế tập trung bao cấp, vừa nhào nặn, tạo dựng các liên kết mới như mô hình chuỗi cung ứng liên hoàn, mà mỗi doanh nghiệp chỉ thực sự tồn tại khi tạo ra được giá trị gia tăng.

Người tiêu dùng trong nước vẫn đang mong đợi vào khả năng “nội địa hóa” và “thời trang hóa” của ngành dệt may, da giày cũng như ngành công nghiệp nhẹ nói chung. Gánh nặng của công nghiệp nhẹ rõ ràng đòi hỏi nỗ lực của bản thân các doanh nghiệp trong ngành cùng chính sách hỗ trợ, phát triển của Nhà nước. Người tiêu dùng Việt Nam có thể “ghé vai” gánh đỡ chừng nào các sản phẩm thực sự chiếm được uy tín, chất lượng, giá cả và dịch vụ.

Đan Thanh