Gần 80% lao động CNTT không đáp ứng yêu cầu thực tế

ANTD.VN - Chỉ có khoảng 27% lao động công nghệ thông tin (CNTT) là có thể đáp ứng yêu cầu, số còn lại cần được đào tạo bổ sung. Trong khi đó, tới năm 2020, cả nước thiếu 400.000 lao động CNTT và mỗi năm cần cung ứng mới tới 78.000 lao động.

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện tỉ lệ các trường ĐH, CĐ đào tạo CNTT ở nước ta chiếm 37,5%, mỗi năm có khoảng 50.000 sinh viên CNTT tốt nghiệp. Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, số lượng việc làm ngành phần mềm và dịch vụ CNTT cả nước hàng năm tăng khoảng 30.000 lao động CNTT. 

Theo dự báo, đến năm 2020, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp là 1 triệu nhân lực CNTT. Dự báo của Vietnamworks cũng cho thấy, tới năm 2020, nước ta còn thiếu 400.000 lao động CNTT và mỗi năm cần cung ứng mới tới 78.000 lao động. 

Mặc dù nhu cầu nguồn nhân lực CNTT lớn như vậy nhưng theo ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh - HCA, hiện nay, các chương trình đào tạo ngành CNTT trong nước được cho là chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội, đặc biệt là trong việc đào tạo kỹ sư chất lượng cao. Hiện chỉ có khoảng 27% lao động CNTT là có thể đáp ứng yêu cầu, số còn lại 72% cần phải được đào tạo bổ sung trong thời gian tối thiểu 3 tháng. 

Theo ông Phí Anh Tuấn, sinh viên CNTT của Việt Nam đang phải đối diện với nhiều thách thức như: Tốc độ phát triển công nghệ quá nhanh: AI, IoT, Blockchain …; tiếp cận ứng dụng truyền thống thay đổi tương ứng với công nghệ ; Các kỹ năng cần thiết của người lao động cũng thay đổi đáp ứng phân công lao động toàn cầu; Kỹ năng cho Start-up còn mới với sinh viên. 

Bởi vậy, sinh viên CNTT cần phải cập nhật, cải tiến thường xuyên cho nhu cầu “chất lượng cao” của nguồn nhân lực CNTT và cũng cần có sự phối hợp đa dạng giúp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực CNTT.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhắc tới một thực tế là chưa khi nào khoa học công nghệ thay đổi nhanh như hiện nay. Bởi vậy, chương trình đào tạo của các trường phải thiết kế theo nhu cầu và tính đến sự thay đổi. Các trường phải tiếp cập thị trường với tinh thần phục vụ chứ chỉ đưa ra những gì mình có thì sẽ khó thành công, trong đó phải lưu ý đến tiếng Anh, kỹ năng làm việc nhóm.

Bộ trưởng cũng đề cập tới đổi mới tư duy quản trị đại học trong mỗi nhà trường. “Hãy giảm bớt thời gian học lý thuyết mà dành cho sinh viên nhiều hơn thời gian để thực tập, được “nhúng mình” vào hoạt động của các doanh nghiệp. Công nghệ thông tin rất đặc thù nhưng đào tạo thế nào để đừng biến sinh viên thành rô bốt, trong khi sinh viên công nghệ thông tin lại có thể biến rô bốt thành con người, để khi ra trường các em không chỉ có việc làm mà còn có thể khởi nghiệp tạo ra việc làm cho người khác. Đây là cuộc cách mạng trong đổi mới tư duy quản trị đại học - quản trị theo mục tiêu” – Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.