Tuyển sinh đại học 2018: Thêm hàng trăm ngành đào tạo mới

ANTD.VN - Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư về danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ đại học. Theo đó, có thêm hơn 100 ngành đào tạo mới, tăng khoảng 40% so với danh mục năm 2010. 
 

Học sinh phổ thông cần được tư vấn định hướng sớm để bắt nhịp được với xu hướng ngành nghề trong tương lai

Như vậy, tại kỳ tuyển sinh ĐH 2018, các thí sinh sẽ có thêm nhiều cơ hội lựa chọn ngành đăng ký xét tuyển. Chủ động làm mới ngành nghề PGS.TS Bùi Đức Triệu, trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội cho biết, dự kiến năm nay, các chuyên ngành trước đây của trường đã đào tạo sẽ được nâng cấp lên thành ngành, nói cách khác là tách ra thành những ngành độc lập. Nhà trường cũng dự kiến mở một số ngành mới là logistics và quản lý chuỗi cung ứng, thương mại điện tử, các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh như quản trị khởi nghiệp, một ngành rất cần thiết cho xã hội là định phí bảo hiểm và quản trị rủi ro.

Năm 2018, ĐH Thủy lợi cũng tuyển thêm 4 ngành: Kỹ thuật cơ điện tử, Công nghệ chế tạo máy, Kỹ thuật điều khiển tự động hóa và Công nghệ sinh học. “Dựa vào số sinh viên nhập học năm 2017, ĐH Thủy lợi đã điều chỉnh lại chỉ tiêu tuyển sinh, giảm một số ngành truyền thống thuộc khối xây dựng và chuyển chỉ tiêu sang cho những ngành mới phù hợp hơn với nhu cầu của xã hội”, ông Nguyễn Tuấn Anh - Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Thủy lợi cho hay.

Việc định hướng sớm trong học tập để lựa chọn nghề nghiệp phù hợp là rất cần thiết trong nhà trường. Phụ huynh học sinh cần được cập nhật bức tranh toàn cảnh về thị trường lao động Việt Nam hiện nay và trong 5 năm tới.

Về cơ bản, các ngành đào tạo của ĐH Bách khoa Hà Nội không có biến động. PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, nhà trường chỉ có 2 điều chỉnh nhỏ. Thứ nhất, ngành Cơ khí động lực trước đây chưa xuất hiện bảng mã danh mục ngành cấp IV của Bộ GD-ĐT thì năm nay đã có. Thứ hai, do cơ chế đặc thù được Thủ tướng phê duyệt đối với các trường đào tạo Công nghệ thông tin (CNTT), cần hết sức nỗ lực để gia tăng số nhân lực đào tạo CNTT với toàn bộ nền kinh tế quốc dân trong thời gian tới. ĐH Bách khoa sẽ cân nhắc việc gia tăng thêm một số chỉ tiêu các lĩnh vực CNTT. 

Cần cập nhật xu hướng nghề từ phổ thông

Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú, (Đống Đa - Hà Nội), trong xu hướng toàn cầu hóa, đặc biệt là tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, xã hội đang có sự dịch chuyển cơ cấu ngành nghề. Học sinh phổ thông là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất của sự dịch chuyển này. Vậy nên việc định hướng sớm trong học tập để lựa chọn nghề nghiệp phù hợp là rất cần thiết trong nhà trường.

Giám đốc Công ty dịch vụ tư vấn POCD Phùng Đức Việt cho rằng, phụ huynh học sinh cần được cập nhật bức tranh toàn cảnh về thị trường lao động Việt Nam hiện nay và trong 5 năm tới. Theo ông Phùng Đức Việt, ngành nghề có xu hướng dịch chuyển tập trung vào một số lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, ngân hàng, tài chính...

Bên cạnh đó, các nhà tư vấn cũng cần biết thông tin chi tiết về mức lương cơ bản của các ngành nghề tiềm năng, tương lai phát triển của từng ngành nghề, từ đó đưa ra lời khuyên hữu ích cho học sinh hoặc cung cấp cho phụ huynh để có căn cứ lựa chọn ngành nghề đào tạo trong kỳ tuyển sinh sắp tới.

Trao đổi với các bậc phụ huynh, bà Nguyễn Thị Nhiếp cho rằng, đang xảy ra hiện tượng chệch hướng trong việc chọn trường chọn nghề ở bậc phổ thông. Học sinh cần được định hướng nghề nghiệp trước rồi mới chọn trường phù hợp sau. “Các em cần hiểu mình có năng lực gì, làm được gì trong tương lai. Sau đó soi chiếu lại với hệ thống các ngành đào tạo trong các trường đại học để lựa chọn trường, ngành đào tạo phù hợp về lĩnh vực đào tạo và yêu cầu đầu vào” - bà Nguyễn Thị Nhiếp nhấn mạnh.