Gần 12% dân số hiện nay là người cao tuổi, trung bình mỗi người già mắc 3 bệnh mạn tính

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, các bệnh nhân nhập viện thường mắc tới 5-6 bệnh cùng lúc. Còn tính chung tại cộng đồng, mỗi người cao tuổi mắc trung bình 3 bệnh mạn tính…
Khám sức khỏe cho người cao tuổi ở Hà Nội

Khám sức khỏe cho người cao tuổi ở Hà Nội

Thông tin từ Hội nghị Lão khoa quốc gia lần thứ ba do Hội Lão khoa Việt Nam và Bệnh viện Lão khoa Trung ương tổ chức ở Hà Nội cuối tuần này (khai mạc ngày 12-11) cho biết, Việt Nam hiện có 11,86% dân số là người cao tuổi, tương đương 11,4 triệu người.

Chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, nhanh hơn so với các dự báo trước đó là vào năm 2017, hiện Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

TS.BS Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, tỷ lệ người cao tuổi ngày càng gia tăng trong cơ cấu dân số. Dự báo đến năm 2030, số người cao tuổi ở Việt Nam chiếm khoảng 17% và đến năm 2050 là 25% dân số.

Đáng chú ý, trung bình mỗi người cao tuổi nước ta mắc đồng thời trên 3 bệnh lý như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, thoái hóa khớp, Parkinson, sa sút trí tuệ, đột quỵ…. Điều này đòi hỏi hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cần có sự điều chỉnh, thích nghi để đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống người cao tuổi.

GS.TS Phạm Thắng - Chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam cho biết thêm, bệnh lý người cao tuổi có những đặc điểm riêng không giống với các lứa tuổi khác: Khi về già, nhiều cơ quan trong cơ thể bị lão hóa dẫn đến suy giảm chức năng ở các mức độ khác nhau, làm giảm sức đề kháng với bệnh tật, khả năng hồi phục sức khỏe kém.

Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh mạn tính và thoái hóa, trong đó phải kể đến bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường, ung thư các loại, COPD, thoái hóa khớp, loãng xương, sa sút trí tuệ… Đa số các bệnh này ít nhiều có liên quan đến lối sống và nói chung phải điều trị suốt đời.

Do đó, việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi là nhu cầu cấp thiết đặt ra trong khi dịch vụ y tế cho người cao tuổi ở Việt Nam còn hạn chế, thiếu bác sĩ lão khoa, điều dưỡng lão khoa, thiếu nhân lực chăm sóc người cao tuổi… Bên cạnh đó, hệ thống nhà dưỡng lão, trung tâm bảo trợ xã hội còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng.

“Chúng ta không thể xây bệnh viện lão khoa, viện dưỡng lão thật nhiều. Muốn giữ người già ở cộng đồng lâu nhất có thể thì về vĩ mô phải hỗ trợ kỹ năng, kiến thức tự chăm sóc cho chính họ. Thứ 2 là trang bị kiến thức cho những người chăm sóc người cao tuổi. Thứ 3 là là cần chính sách phù hợp với người cao tuổi, như cần có các loại hình bảo hiểm cho người già...” – TS Nguyễn Trung Anh nêu giải pháp.