Fidel và Cuba: Một thời để nhớ!

ANTD.VN - Viết về Fidel thật khó. Đơn giản bởi vì ông là một lãnh tụ kiệt xuất của đất nước và nhân dân Cuba Anh hùng, một nhà lãnh đạo tài ba có ảnh hưởng to lớn và sâu sắc tới phong trào cách mạng, giải phóng dân tộc và cánh tả ở Á, Phi, Mỹ Latinh, một chính trị gia uyên bác được cả thế giới nể phục, một biểu tượng tuyệt vời về sự trung thành với lý tưởng, một chiến sỹ quốc tế vô sản đích thực và một người bạn lớn của nhân dân Việt Nam.

Nhưng trước tiên phải xin lỗi bạn đọc là người viết đã không bắt đầu bằng tên, họ, chức vụ đầy đủ của Chủ tịch Fidel Castro Ruz. Lý do là: giống như người Việt Nam thường gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng cái tên trìu mến: Bác Hồ. Ở Cuba, tất cả người dân đều gọi lãnh tụ của mình bằng cái tên Fidel, vừa giản dị, vừa gần gũi. Và người viết bài này cũng cảm thấy mình như một “Cubano” (người Cuba) đích thực.

Thú thật, dù đã biết Fidel mang trọng bệnh từ nhiều năm nay, tin ông mất vẫn làm tôi bàng hoàng vì mới đó ông còn tiếp Chủ tịch nước Trần Đại Quang lúc ở thăm Cuba. Bàng hoàng còn bởi với cả gia đình tôi, Cuba luôn được coi là Tổ quốc thứ hai. Tính tổng cộng, chúng tôi và hai con của mình đã học tập và công tác ở Quốc đảo Tự do trên 40 năm.

Một nhà thuyết khách vừa hùng biện vừa hiền triết

Trong 5 năm học và trên 8 năm làm phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam tại Thủ đô La Habana trong những giai đoạn khác nhau, tôi có vinh dự vài lần được gặp mặt và dịch cho Fidel khi ông tiếp các đoàn đại biểu Việt Nam. Còn nghe ông diễn thuyết trực tiếp hoặc qua truyền hình tại Quảng trường Jose Marti, Cung Cách mạng ở Thủ đô La Habana, hay tại các cuộc mít tinh ở khắp đất nước Cuba thì không thể kể hết. Ngay trong lúc tôi đang viết những dòng này, hình ảnh Fidel hiện về lồng lộng, trong bộ quân phục màu xanh ô liu, đầu đội mũ lưỡi trai, bộ râu bác học, tay vung lên cùng giọng nói sang sảng: “Viva Cuba, 

Patria o Muerte, Venceremos” (Cuba muôn năm, Tổ quốc hay là chết, chúng ta nhất định thắng). Tôi cũng đang nhìn thấy cả một biển người lắng nghe như nuốt từng chữ của vị Tư lệnh để rồi sau đó rùng rùng hô vang theo khẩu hiệu của Fidel mỗi khi bài diễn văn kết thúc. 

Tất cả những ai từng gặp và nghe Fidel nói chuyện, dù chính kiến chính trị khác nhau, đều phải thừa nhận ông là một nhà thuyết khách tuyệt vời, trước tiên vì ngọn lửa cách mạng hừng hực trong ông, vì niềm tin bất diệt vào lý tưởng và con đường đã chọn, và cũng vì trí thức uyên bác,  sự vi diệu trong nghệ thuật sử dụng ngôn từ, sự thẳng thắn, chân thành và dí dỏm của ông trước người đối thoại.

Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn người Colombia, Gabriel Garcia Marquez, giải thưởng Novel văn học và tác giả của những tác phẩm để đời như “Trăm năm cô đơn; Mùa thu trưởng lão; Tình yêu thời thổ tả…” đã viết: “Tài nói chuyện của Fidel ở mức kỳ ảo. Ba giờ liên tục là mức trung bình của một cuộc nói chuyện với ông. Và cứ ba giờ một trôi qua như thế thì một ngày ngắn chỉ như một làn gió thổi”. Fidel có thể nói liền một mạch từ sáng đến tối về bất cứ đề tài nào, từ chính trị, lịch sử, kinh tế đến văn hóa, xã hội, tôn giáo, thể thao mà người nghe vẫn luôn cuốn hút. Ông làm cho người nghe đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, có thể dẫn hàng trăm số liệu chính xác tuyệt đối dù là về tình hình Cuba hay quốc tế mà không cần bất cứ một thứ giấy tờ gì. 

Sức hút của Fidel lớn đến mức chỉ sau lần đầu gặp mặt, vua bóng đá thế giới Maradona đã trở thành tín đồ cuồng nhiệt của lãnh tụ Cuba, sẵn sàng đối đầu với bất cứ ai nếu người đó dám đụng đến thần tượng của mình. Chả thế mà khi nhận được tin Fidel từ trần, Maradona đã viết trên tài khoản Facebook của mình: “Đối với tôi Fidel đã, đang và sẽ là vĩnh cửu, là người duy nhất và vĩ đại nhất. Trái tim tôi đau đớn vì thế giới mất đi nhà thông thái lớn nhất của mình… Fidel mãi mãi là Tư lệnh và người bạn của tôi”.

Một tình yêu sâu nặng với Việt Nam 

Nếu như Jose Marti, nhà tư tưởng, nhà cách mạng và nhà văn hóa kiệt xuất của đất nước Cuba trong thế kỷ 19 được coi là người Cuba đầu tiên gieo hạt hữu nghị và đoàn kết với Việt Nam bằng bài ký: “Một cuộc dạo chơi trên đất nước của người An Nam”, được viết với sự trìu mến sâu sắc, đăng trên Tạp chí Tuổi Vàng của Mỹ năm 1889, thì Chủ tịch Fidel Castro là người phát triển tình cảm tốt đẹp đó lên mức cao nhất kể từ khi cách mạng Cuba thành công (1-1-1959) cho đến nay. 

Trong suốt những năm Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ để giành độc lập và tự do, Fidel luôn là người khởi xướng ra các phong trào đoàn kết và ủng hộ Việt Nam. Trong rất nhiều bài diễn văn của mình, ông đã kịch liệt lên án cuộc chiến tranh phi nghĩa của chủ nghĩa đế quốc Mỹ. “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”; “Tình đoàn kết với Việt Nam là tuyệt đối và vô điều kiện” là những câu nói bất hủ của Fidel mà nhân dân Việt Nam mãi mãi ghi nhớ với sự biết ơn sâu sắc. Có một chi tiết ít được nhắc tới của một thời đã qua, đó là năm 1972, Mỹ đưa tới cuộc bỏ bom 12 ngày đêm bằng B52 xuống Hà Nội, Chủ tịch Fidel đã dũng cảm tuyên bố: “Lúc này thái độ đối với Việt Nam là hòn đá thử vàng của phẩm chất những người cộng sản”.

Cần phải nhớ bối cảnh của câu nói đó vì Liên Xô và Trung Quốc cũng là hai nước viện trợ lớn nhất cho Cuba, một bên là vũ khí, một bên là đồ dùng và nhu yếu phẩm. Cũng trong những năm tháng đó, Fidel luôn ưu ái đón tiếp rất nhiều đoàn đại biểu Việt Nam sang Cuba, đặc biệt là các đoàn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và các đoàn Anh hùng, Dũng sỹ diệt Mỹ. Ông thường hỏi cặn kẽ về cuộc chiến đấu và đời sống của các chiến sỹ, tiếp họ thân mật như người trong gia đình, bỏ qua các nghi thức ngoại giao. Fidel cũng nhiều lần đến thăm cơ quan đại diện của Việt Nam tại La Habana. Các ngày Tết âm lịch, ông thường tặng sứ quán, tùy viên quân sự, thương vụ, thông tấn xã, mỗi cơ quan một con cá hồng nặng cả chục cân. Và ai cũng biết Fidel là nguyên thủ quốc gia đầu tiên và duy nhất đến thăm vùng giải phóng ở Quảng Trị, trong khi chúng ta còn đang tiến hành cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước.

“Cuba - Việt Nam đoàn kết nhất định thắng”

Trong những lần tham dự các cuộc mít tinh đoàn kết với Việt Nam do các đoàn thể của Cuba tổ chức, có hai câu khẩu hiệu mà chúng tôi, những người Việt Nam và Cuba, thường hô vang, đó là “Cuba - Việt Nam, unidos, venceran” và “ Việt Nam, seguro a los yanquis dale duro” (Cuba -Việt Nam, đoàn kết nhất định thắng và Việt Nam chắc chắn cho Mỹ một đòn đau quắn). 

Cũng có thể nói trong những năm Việt Nam chống Mỹ cứu nước, không có một nơi trên thế giới có một phong trào đoàn kết với Việt Nam lớn mạnh và sâu rộng như ở Cuba. Mạng lưới Ủy ban Đoàn kết với Việt Nam phát triển không chỉ ở thành phố mà ở cả nông thôn, không chỉ ở cấp thành phố, tỉnh hay quận, huyện mà xuống tận cấp phường, khu phố. Cũng ít nước nào trên thế giới mà những cái tên như Hồ Chí Minh, 

Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Thị Định lại được nhắc nhiều đến thế như ở Cuba. Không chỉ thế, Cuba còn có Làng Bến Tre, trường Nguyễn Văn Trỗi, trường Võ Thị Thắng và hàng trăm cơ sở mang tên các Anh hùng, liệt sỹ của Việt Nam ở khắp đất nước.

Cuba là nước đầu tiên công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (1961), là nước đầu tiên thành lập Ủy ban Đoàn kết với Việt Nam (tháng 9-1963) và cũng là nước đầu tiên đặt sứ quán bên cạnh Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam tại vùng giải phóng (tháng 7-1967).  Còn nhớ khi Mỹ mở cuộc bao vây phong tỏa cảng Hải Phòng, hai con tàu của Cuba - Jigue và Imias - đã vượt qua bom mìn để mang hàng viện trợ đến Việt Nam.

Không chỉ ủng hộ Việt Nam về chính trị, Cuba cũng hết lòng giúp đỡ Việt Nam về kinh tế. Trong những năm chiến tranh ác liệt, mỗi năm Cuba tặng nhân dân ta 100 tấn đường. Vẫn còn đó 5 công trình kinh tế - xã hội mà Cuba tặng nhân dân Việt Nam sau kháng chiến thành công: Khách sạn Thắng Lợi, Trại gà Lương Mỹ, Trại bò Mộc Châu, Đường Xuân Mai-Ba Vì và Bệnh viện Đồng Hới - Quảng Bình, đồng thời tham gia xây dựng đường Hồ Chí Minh.

Không thể kể hết trong một bài viết những ký ức về Fidel và Cuba cũng như về tình đoàn kết đặc biệt giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Cuba. Đó là một tài sản vô giá mà hai Đảng, Nhà nước và nhân dân đều trân trọng.