Em rất thích được đến trường, nhưng…

ANTĐ - Một lớp học mới được mở tại tầng 6, khoa Nhi, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương - lớp học Nhân ái. Những khuôn mặt ngây thơ, xanh xao, tay dính đầy gạc, kim tiêm trong lớp học là hình ảnh quen thuộc vào các buổi chiều tại đây. Dẫu đang phải chiến đấu với những căn bệnh hiểm nghèo nhưng các em vẫn tràn đầy niềm tin và nghị lực sống.
Em rất thích được đến trường, nhưng… ảnh 1
Ảnh Internet

Người sáng lập lớp học Nhân ái

Lớp học Nhân ái được mở từ đầu tháng 8 là sự tiếp nối của Lớp học Hy vọng dành cho bệnh nhi ở Bệnh viện Nhi T.Ư xuất phát từ dự án nhân đạo do Vũ Trường An (du học sinh tại Nga bị bệnh máu trắng) thành lập. Dẫu phải chiến đấu từng ngày với căn bệnh ung thư máu quái ác nhưng Vũ Trường An luôn ấp ủ những dự định hoạt động vì cộng đồng.

Chàng trai ấy đã chia sẻ trong nhật kí dự án như sau: “Cũng như bao trẻ em khác, các bệnh nhi ung thư đang tuổi ăn, tuổi lớn hồn nhiên và ngây thơ, vậy mà sự hồn nhiên ngây thơ ấy bị đánh đổi bởi những cơn đau của bệnh tật, những muộn phiền của cha và những giọt nước mắt của mẹ. Các cháu “biết ăn” nhưng ăn không ngon vì hóa chất đã làm các cháu lở hết lưỡi và khoang miệng. Các cháu “biết ngủ” nhưng giấc ngủ không trọn vẹn vì bị những cơn đau hành hạ. Các cháu “biết học hành” nhưng ghế nhà trường được thay bằng giường bệnh viện”. An ao ước có một lớp học tại bệnh viện và đã xin phép, nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo Viện huyết học và truyền máu Trung ương. Tuy nhiên khi dự án còn dang dở, ngày 23-7-2011, chàng trai cộng đồng Vũ Trường An đã ra đi mãi mãi, để lại bao tiếc nuối và xót thương đối với người ở lại. Sau khi An ra đi, CLB Niềm tin và Hy vọng được thành lập đã tiếp nối dự án lớp học Nhân ái. 

Lớp học nhỏ được trang trí bằng những con thú bông ngộ nghĩnh, hình ảnh ông mặt trời, hoa lá nhiều màu sắc, có đầy đủ sách vở, giấy bút giúp các em có cảm giác gần gũi với không gian bên ngoài hơn là cuộc sống nơi phòng bệnh. Các em được học Toán, Văn, tiếng Anh, vẽ, âm nhạc và các kỹ năng sống, thậm chí các em thích học gì tình nguyện viên dạy cái đó. Lớp học được mở vào các buổi tối thứ 3, 5, 7.

Những số phận nghiệt ngã

Hôm tôi đến, lớp học khá vắng, chỉ có khoảng 20 em trên tổng số trên dưới 40 em. Có nhiều em mệt, có những em đang phải truyền 24/24h, một số em khác xong đợt điều trị đã về quê. Tôi đặc biệt chú ý đến cậu bé Hà Anh Tuấn, 9 tuổi, quê ở Sông Lô, Vĩnh Phúc. Dù đã 9 tuổi nhưng Tuấn chỉ nặng 21kg, gầy gò và xanh xao. Chị Nguyễn Thị Hoa, mẹ Tuấn cho biết: Cháu bị phát hiện ung thư máu từ tháng 2 vừa rồi và đến nay đã truyền 3 đợt hóa chất. Khi biết con bị bệnh tôi sốc lắm, như một người điên dại vì thấy mình bị dồn đến đường cùng. Vừa rồi cháu bị nấm máu, tưởng đã ra đi nhưng may mắn là bác sĩ cứu được. Bệnh của cháu cũng không hy vọng khỏi được, nên gia đình chỉ mong kéo dài sự sống cho cháu đến ngày nào thì hay ngày đó. Tôi có 2 cháu, trên Tuấn là chị gái nhưng cũng ốm đau suốt. Vì vậy khi sinh Tuấn, gia đình tôi rất mừng. Không ngờ tai ương lại ập xuống quá đau đớn như vậy. 

Cuộc sống gia đình chị Hoa chỉ trông cậy vào mấy sào ruộng. Những lúc nông nhàn, hai vợ chồng đi xây và làm phu hồ nhưng cũng chỉ đủ nuôi 2 con ăn học. Từ khi Tuấn phải đi viện, chi phí điều trị đắt đỏ, lâu dài đã làm kiệt quệ tiềm lực kinh tế của gia đình chị. Hiện tại chị đã phải vay hơn 100 triệu để chữa bệnh cho con. Tuấn còn quá nhỏ để nhận thức được nỗi bất hạnh lớn như vậy. Em vẫn ao ước nhanh được ra viện để đến trường như bao bạn bè khác. Song điều ao ước nhỏ bé đó cũng không biết đến khi nào Tuấn và những bệnh nhi ung thư máu đang điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương mới thực hiện được. Từ khi lớp học được mở đến nay mới được vài tháng nhưng đã chứng kiến 4 em nhỏ ra đi mãi mãi. 

Lớp học có đủ các lứa tuổi. Những em bé vài tháng tuổi, 1 tuổi, 2 tuổi còn rất bé nhưng bố mẹ vẫn đưa các em sang lớp học để thay đổi không khí. Bé Ngân Khánh, 1 tuổi, quê Vĩnh Phúc được mẹ bế trên tay với kim tiêm luồn vẫn còn gắn trên đầu, nước da xanh mái cũng háo hức trước khung cảnh rực rỡ sắc màu của lớp học. Mẹ bé cho biết em được phát hiện ung thư máu từ lúc 9 tháng tuổi và đã trải qua 2 đợt truyền hóa chất. Vì còn quá bé để đương đầu với kháng sinh và hóa chất nên mỗi lần truyền như vậy bé thường bỏ ăn hàng tuần liền. “Gia đình quá đau đớn, không biết phải làm thế nào. Nhiều đêm nằm bên con em chỉ biết khóc. Giá như có một phép màu nào đó để con em và các bệnh nhi tại đây khỏi bệnh thì tốt biết bao”.

Cũng giống như Ngân Khánh, bé Bảo Lâm, đội 1, xóm Đông, xã Thượng Cát, Từ Liêm, Hà Nội cũng mới chỉ tròn 2 tuổi nhưng căn bệnh bạch cầu cấp đang ngày đêm hành hạ, vắt kiệt sự sống của em. Không ai có thể ngờ rằng một em bé lanh lợi, hoạt bát như một thiên thần nhỏ mang lại niềm vui, tiếng cười cho cả gia đình lại phải chịu nỗi bất hạnh lớn đến thế. Sau một cơn sốt nặng, Bệnh viện Đa khoa Từ Liêm đã kết luận Bảo Lâm mắc bệnh bạch cầu cấp. Gia đình đưa em đi nhiều bệnh viện khác với hy vọng có thể có sai sót gì chăng nhưng tất cả mọi kết luận đều giống nhau. “Lúc nghe hung tin đó, tôi thấy mình như chết mất một nửa con người, không biết phải tiếp tục sống thế nào”. Chị Nguyên, mẹ bé là công nhân công ty may tại xã Thượng Cát, chồng chị cũng chỉ là một công nhân lắp đặt điện nước ở xã. Hai vợ chồng đều là công nhân, lương “ba cọc ba đồng”. Vì thế, khi biết cháu bị bệnh, bà nội đã phải bán đất để lấy tiền chạy chữa cho Bảo Lâm. Dù chưa đầy chục cân nhưng mỗi ngày bác sĩ phải đưa vào người Bảo Lâm 3 chai kháng sinh, hóa chất để chiến đấu với bệnh tật. Càng ngày bé càng ăn ít đi, thay vào đó là kháng sinh, hóa chất. 

Trong lá thư gửi đến CLB Niềm tin và hy vọng để xem xét cấp học bổng, bé Đàm Thị Yến, học sinh trường Tiểu học Tâm Minh B, huyện Sóc Sơn viết: Em bị bệnh ung thư máu từ 13-6-2011 đến nay đang điều trị tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Em rất thích đến trường, đặc biệt là môn vẽ nhưng do phải nằm viện nhiều ngày nên em không đến trường được, việc học cũng giảm sút rất nhiều. Gia đình em bố mẹ đều làm ruộng nên rất khó khăn. Em ước mơ có những điều kỳ diệu mang đến cho em và các bạn bị bệnh như em để chúng em lại được cắp sách tới trường”. Ước mơ giản dị và nhỏ bé ấy liệu có được thực hiện không khi không may các em lại mắc căn bệnh nan y này?

Rất cần sự sẻ chia của cộng đồng

Lớp học dành cho tất cả các bệnh nhi nằm viện tại đây. Do đó bên cạnh những em bé mắc bệnh máu trắng còn rất nhiều em nhỏ mắc những bệnh về máu khác như thiếu tiểu cầu, thalasemia… Số tình nguyện viên tham gia giảng dạy luôn đông đảo, chủ yếu là học sinh, sinh viên các trường đại học. Ngoài ra lớp học còn mời những giảng viên ở Trung tâm Tâm Việt đến dạy các em kỹ năng sống, nghị lực sống. Anh Nguyễn Đức Huynh, giảng viên kỹ năng sống nói: “Sự hồn nhiên, gần gũi, hiếu học của các em làm tôi không còn cảm thấy khoảng cách thầy trò nữa. Tôi muốn làm thế nào để các em cười nhiều nhất, để các em thấy cuộc sống này luôn có giá trị từng giây, từng phút”.  

Chị Nguyễn Hồng Luân, chủ nhiệm lớp học Nhân ái cũng cho biết: Không chỉ là một lớp học đơn thuần để bù đắp những lỗ hổng kiến thức, khỏa lấp cơn khát chữ của các bệnh nhi ung thư máu đang điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Lớp học Nhân Ái còn là một sân chơi rộng mở, nơi các cá nhân, tổ chức từ thiện xã hội tìm đến để sẻ chia nỗi đau, mang lại những niềm vui, tiếng cười, niềm tin, niềm hy vọng sống cho các em nhỏ bất hạnh. Có lớp học này, các em vẫn được đến trường như khao khát của mình, còn các phụ huynh thì rất vui vì con có thêm những giờ học vui vẻ, bổ ích. Điều đáng nói là các em nhỏ đang điều trị tại đây đến từ mọi miền quê khác nhau và đa phần đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Trong khi đó việc điều trị rất tốn kém, có nhiều khoản không trong diện bảo hiểm chi trả. Vì vậy rất cần sự giúp đỡ của các cá nhân, tổ chức, xã hội để các em được sống thêm những ngày cuối cùng vui vẻ, đầy đủ và hạnh phúc nhất.