E ngại giảm lãi suất

ANTĐ - Hiện tại ngân hàng đã có sự dư thừa về thanh khoản. Tốc độ tăng trưởng, nợ xấu đã có xu hướng chậm lại từ quý II xuống còn 3-4% trong quý III-2012. Ước tính tỉ lệ nợ xấu có thể giảm xuống 3% vào cuối năm 2015. Đó là thông báo của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Chính phủ đang cân nhắc chỉ đạo hạ lãi suất cho vay xuống 10%/năm để cứu doanh nghiệp, song các ngân hàng thương mại lại “ngại” giảm lãi suất vì sợ ăn vào lợi nhuận.

Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp những ngày cuối năm càng khó khăn hơn. Số doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động vẫn chưa có dấu hiệu dừng. Thời điểm này giảm lãi suất được coi là điều kiện tiên quyết và hành động cụ thể để giúp doanh nghiệp gượng dậy. Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, việc phải “gánh mức lãi suất cao trên 15%/năm trong suốt 30 tháng qua đã làm cho doanh nghiệp chồng chất thêm khó khăn. Chi phí lãi vay cao dẫn đến chi phí tài chính cao khiến lợi nhuận suy giảm, gây cản trở sự hồi phục của doanh nghiệp. Lãi suất cao còn làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Hiện lãi suất của nước ta cao hơn từ 2-3 lần so với các nước khu vực đã đẩy giá thành của Việt Nam cao hơn so với Trung Quốc 2,6%, Thái Lan 2,51%, Singapore 2,8%. Ủy ban Giám sát kiến nghị cần hành động quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Cụ thể, mạnh dạn hạ lãi suất huy động và lãi suất cơ bản xuống 1%/năm so với lãi suất quy định hiện tại. Cơ sở để giảm lãi suất đã khó rõ ràng bởi lạm phát đang được kiểm soát chặt chẽ và có xu hướng giảm dưới mức 8%. Như vậy chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và lạm phát gần như không còn. Nguy cơ tiền gửi được rút khỏi ngân hàng để chuyển sang các kênh đầu tư khác là rất thấp, bởi vì các đầu cơ như vàng, bất động sản, chứng khoán đang “đóng băng” khó sinh lời thậm chí thua lỗ. Mặc dù lãi suất ngân hàng đã giảm 5%/năm từ đầu nhưng tổng số dư tiền gửi tại các tổ chức tín dụng vẫn tăng đều mỗi tháng và nay mức tăng khoảng 15% so với đầu năm. Điều này chứng tỏ việc gửi tiền tại ngân hàng vẫn là sự lựa chọn hàng đầu và chắc ăn của người dân. Trước thông tin Chính phủ họp bàn việc giảm lãi suất, áp trần vay lãi, nhiều doanh nghiệp khấp khởi mừng thầm nhưng tỏ ra nghi ngại. Giảm lãi suất cho vay cũng có nghĩa là giảm lợi nhuận nên chẳng còn ngân hàng nào mặn mà. Đáng lẽ Ngân hàng Nhà nước phải áp trần lãi suất cho vay từ lâu rồi, vì chỉ cần khống chế lãi vay ở mức 15%/năm, thì các ngân hàng buộc phải hạ lãi suất huy động bằng cách giảm theo từng nấc. Có vậy, hàng tồn kho mới được giải phóng, hàng hóa làm ra đủ sức cạnh tranh và xuất khẩu.

Một chuyên gia ngân hàng nhận định giảm lãi vay là cách cứu doanh nghiệp tốt nhất, song tình trạng lách trần, “đi đêm” lãi suất có thể tiếp diễn và phức tạp hơn. Chính vì sợ ăn vào lợi nhuận cho nên ngân hàng khó chấp nhận, e ngại giảm lãi suất. Nhất là việc cào bằng lãi suất cho vay với mọi đối tượng rất dễ làm tăng rủi ro cho ngân hàng.