Xe máy tay ga xịn “bốc hơi”(2)

Đường đi của những chiếc xe gian

ANTĐ - “Có 1.001 thủ đoạn tiêu thụ những chiếc xe máy tay ga, là tang vật các vụ trộm cắp. Người tiêu dùng cần thấy rõ những phương thức hoạt động của tội phạm, tránh vô tình tiếp tay cho chúng” - Thượng tá 
Hà Hùng, Phó trưởng phòng CSHS Công an TP Hà Nội chia sẻ. 

Đường đi của những chiếc xe gian ảnh 1
Một ổ nhóm trộm cắp xe máy tay ga vừa bị CATP Hà Nội bắt giữ
và các loại vam phá khóa xe máy tay ga tự tạo


Xe gian “trôi” về đâu?

Kiểu dáng đẹp, động cơ khỏe, cốp to chứa được nhiều đồ… là những yếu tố tạo sự hấp dẫn của những chiếc xe máy tay ga (XMTG) đối với người tiêu dùng (NTD). Chính vì sự ưa chuộng này, XMTG đã thành tâm điểm để tội phạm tìm cách chiếm đoạt. Lực lượng CSHS - CAQ Thanh Xuân (Hà Nội) vừa khám phá hoạt động trộm cắp hơn 70 chiếc xe máy tay ga của nhóm tội phạm do Mai Ngọc Thái, SN 1985, trú quán tại huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên cầm đầu. Kết quả điều tra chuyên án cho thấy các đối tượng trộm cắp và tiêu thụ xe gian hoạt động rất tinh vi.

Theo lời khai của các đối tượng, sau khi lấy trộm được chiếc XMTG đắt tiền, chúng bán ngay cho hiệu cầm đồ hoặc chủ gara sửa chữa môtô với giá rẻ để “trôi” hàng. Chủ hiệu cầm đồ móc nối với đối tượng làm giả giấy tờ, rồi “hóa phép” những chiếc xe tang vật trộm cắp thành xe có đủ điều kiện lưu hành và bán cho NTD với giá gần sát giá xe trên thị trường, thông qua việc làm giả hồ sơ nguồn gốc từ xe chính chủ sang xe bán thanh lý, hóa giá.

“Hầu hết những chiếc xe gian được đối tượng tiêu thụ thông qua các kênh quảng cáo trên mạng internet để bán cho NTD. Đa số những người mua phải xe gian đều ham rẻ, không kiểm tra kỹ tính hợp pháp về nguồn gốc của xe” - Thiếu tá Luyện Huy Hoàng, Đội phó Đội CSHS - CAQ Thanh Xuân nhận xét và cho biết gần đây có dấu hiệu tội phạm chuyển vùng tiêu thụ xe gian. Chẳng hạn, xe máy tang vật trộm cắp ở Hà Nội được tội phạm mang đi các tỉnh, thành phố khác tiêu thụ như Hải Phòng, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn… Điều này thể hiện rõ  trong chuyên án Mai Ngọc Thái cùng đồng bọn trộm cắp và tiêu thụ hàng chục chiếc XMTG đắt tiền tại TP Hải Phòng và một số vùng lân cận. 

Ngoài những thủ đoạn phổ biến nêu trên, tội phạm trộm cắp, tiêu thụ những chiếc XMTG còn dùng “chiêu thức” nhập vai là những người khách lỡ độ đường, cần gấp một số tiền nhất định, mang xe gian đến các hiệu cầm đồ hay “sới bạc” đặt luôn vào đó. Theo lực lượng Chống tội phạm xâm phạm sở hữu (Đội 6), Phòng CSHS - CATP Hà Nội, một trong những thủ đoạn tội phạm thường áp dụng và cho rằng “an toàn” là “xẻ thịt” ngay những chiếc xe tang vật vụ án, hòng phi tang vật chứng. Sau đó, chúng bán phụ tùng cho NTD có nhu cầu “độ xe” hoặc sửa chữa, phục chế những chiếc xe tai nạn. Cá biệt, có trường hợp đối tượng tiêu thụ sau khi “luộc lại” xe gian với giá rẻ, đã bán ngay cho những người ham rẻ để ăn tiền chênh lệch trên dưới 10 triệu đồng/xe. Đối tượng mua những chiếc XMTG tang vật trộm cắp với giá rẻ thường không có nhiều tiền, nhưng thích “chơi” xe đẹp, hoặc không đủ điều kiện kinh tế để mua xe đắt tiền nhưng hợp pháp.

Mua xe phải rõ nguồn gốc

Theo Thượng tá Hà Hùng, nhằm phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với hoạt động của các đối tượng trộm cắp, tiêu thụ xe máy, Phòng CSHS - CATP Hà Nội với chức năng chủ công trên mặt trận tấn công, trấn áp các loại tội phạm đã tập trung nghiên cứu, đưa ra nhiều cảnh báo, khuyến cáo người dân nâng cao ý thức cảnh giác, tránh tiền mất, tật mang khi mua phải những chiếc xe gian. Khi mua xe máy, NTD cần cảnh giác với những thủ đoạn của các đối tượng tiêu thụ xe gian. Rao bán xe “đẹp” giá rẻ hơn giá thị trường và cho “chậm” 20% số tiền mua xe với lý do chờ giấy đăng ký... là một trong những thủ đoạn lòe bịp khách hàng của tội phạm. “Ví dụ, giá chiếc xe được rao trên thị trường là 70 triệu đồng, nhưng đối tượng tiêu thụ xe gian chỉ bán cho NTD 50 triệu đồng và cho họ chậm thanh toán 20 triệu đồng với lý do xe đang chờ giấy tờ, khi nào đủ thủ tục thanh toán nốt. NTD ham rẻ dễ mắc bẫy tội phạm và mua phải những chiếc xe gian” - một trinh sát Đội 6 - Phòng CSHS phân tích.

Cẩn thận kiểm tra kỹ nguồn gốc khi mua xe được xem là một trong những điều kiện bắt buộc và người mua xe nên đến những cửa hàng có uy tín để thực hiện các giao dịch. Nếu mua xe đã qua sử dụng, cần chú ý kiểm tra kỹ về lai lịch, nhân thân người bán xe. Cần thận trọng khi mua xe thông qua rao bán trên mạng internet, vì không ít đối tượng tiêu thụ xe gian thường sử dụng “kênh” này tiêu thụ tài sản phi pháp. Khi mua xe máy đã qua sử dụng, NTD nên tra cứu thông tin về đặc điểm xe trên các trang mạng này, để biết được chiếc xe định mua có vướng phải “dòng” xe gian hay không? Đối với những trường hợp nghi ngờ là xe gian, NTD cần bí mật nắm kỹ đặc điểm nhận dạng và những thông tin liên quan đến đối tượng rao bán xe, rồi báo ngay cho công an nơi gần nhất, hoặc Phòng CSHS - CATP Hà Nội (ĐC: số 7 phố Thiền Quang, quận Hai Bà Trưng - ĐT: 0.439.422.532) để lực lượng công an kịp thời xử lý.