Được và mất

ANTĐ - Chuyện xưa kể rằng, có một người ăn mày tình cờ nhặt được cục vàng lớn giữa đường. Ông chia cục vàng ấy thành hơn 30 mảnh nhỏ, giấu ở nhiều nơi khác nhau, khi cần dùng mới lấy ra một mảnh. Nhờ số tài sản ấy, ông dần dần từng bước mở một cửa hàng, mua một căn nhà, tậu thêm ruộng vườn và cuối cùng là dùng tiền mua một chức trưởng thôn, trở thành một người rất có thể diện ở địa phương.

Một đêm nọ, sau khi tiễn khách dự tiệc ra về, ông trông thấy một người ăn mày đứng trước cổng nhà. Người đó trạc tuổi ông, chân bị gãy, áo quần rách rưới bẩn thỉu, đứng run cầm cập trong gió lạnh, cất giọng thiểu não nói với ông: “Xin ngài hãy làm phúc, tôi sắp chết rồi, nếu như ông có thể cho tôi nương nhờ mấy ngày cuối đời, sau đó chôn cất tử tế, tôi hứa sẽ mang đến cho ngài một niềm vui bất ngờ”. Nghĩ đến cảnh thê lương mà mình từng trải qua, ông ta thấy mủi lòng, bèn đón người ăn mày vào nhà, cho quần áo mới để tắm rửa sạch sẽ, sau đó còn bày cơm canh chu đáo cho ăn…

Mấy hôm sau, trong phút lâm chung, người ăn mày lấy trong bị ra một bọc vải, cảm động nói với ông trưởng thôn: “Ngài là người tốt, tôi xin tặng lại vật này để cảm tạ”. Người trưởng thôn giở ra xem, ngạc nhiên vì trong bọc là một cục vàng khá giống cục vàng năm đó ông nhặt được. “Tôi cũng từng có nhà có đất, cho đến khi nhặt được thứ này, thứ mà tôi coi như báu vật”, ông ăn mày nói tiếp, “người ngoài dòm ngó, con cái xung đột lẫn nhau tranh giành, để cướp được nó, người ta sẵn sàng đánh gãy chân tôi, đến nỗi sau này gia đình ly tán, tôi phải trốn chạy khắp nơi để cất giấu, sống lang thang vất vưởng, cuối cùng lưu lạc đến đây, chết nơi đất khách…”.

Mới thấy của cải đúng là một thứ bỡn cợt con người, nếu biết dùng đúng cách, nó sẽ giúp người ta có được thứ mình mong muốn, ngược lại, nếu coi trọng quá, của cải sẽ trở thành nguyên nhân khiến ta mất hết mọi thứ quý giá trên đời.