Đừng “trấn an” kiểu đó!

ANTĐ - Một trong những vấn đề thu hút sự chú ý, quan tâm đặc biệt của dư luận trong những ngày qua là đập thủy điện Sông Tranh 2 với 730 triệu m³ nước bị rò rỉ. Nhìn dòng nước tuôn xối xả bên ngoài thân đập và cách khắc phục thô sơ, mang nặng tính giải quyết tình thế cùng hàng loạt giải thích, đánh giá khá trái ngược nhau, nỗi âu lo cứ tăng dần. Sự an toàn của hàng vạn sinh mệnh khiến bất cứ ai có lương tâm và trách nhiệm đều không khỏi lo lắng trước một thảm họa môi trường có thể xảy ra. 

Dù có những dấu hiệu nghiêm trọng đe dọa vỡ đập, nhưng Ban Quản lý dự án thủy điện 3 (BQLDATĐ 3, thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) và nhiều tiếng nói có trách nhiệm khác vẫn cho rằng đó là sự rò rỉ ở mức cho phép, đập vẫn an toàn, không có vấn đề gì lớn trong việc xây dựng và vận hành đập cũng như nhà máy. Đó là một cách để an lòng dân, nhưng rõ ràng đó là cách chống chế, để “bịt lỗ dò” dư luận, để các thiếu sót không bị phanh phui, hồ sơ không bị lật lại?

Ngược lại, nhiều nhà khoa học, nhiều tiếng nói trên báo chí kiên quyết không để vụ việc “chìm xuồng”. Thái độ nghiêm túc đó dẫn đến lần lượt Đoàn khảo sát liên ngành của Thủ tướng, Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và tỉnh Quảng Nam cùng nhiều nhà khoa học, các cơ quan chuyên ngành đến khảo sát tại chỗ. Kết luận của các đoàn này đưa ra làm sáng tỏ một sự thật rất đáng lo ngại đó là có nhiều thiếu sót từ khâu thiết kế, thi công, giám sát và quản lý vận hành công trình; nguyên nhân rò rỉ nước nghiêm trọng hơn rất nhiều những gì đã báo cáo.

EVN cuối cùng đã phải ra thông báo cho biết nhiều chi tiết lâu nay bị bưng bít. Đó là sự cố Sông Tranh 2 đã xuất hiện từ cách đây hơn  một tháng, EVN đã có nhiều việc làm để xử lý nhưng chưa thành công; việc nước chảy mạnh qua các khe nhiệt là hiện tượng “không bình thường”, không đúng như tinh thần Ban quản lý dự án đã công bố.  Những thông tin từ phía EVN đã làm rõ hơn một thực tế rằng nếu chỉ bằng lòng với những lời tuyên bố ban đầu thì chúng ta không biết được những sự thật mới hé lộ hôm nay.

Tuy đã được giải tỏa phần nào, nhưng chính quyền địa phương và người dân vẫn chưa hết lo lắng. Theo lời hứa của EVN, việc khắc phục rò rỉ từ thân đập chính hồ thủy điện Sông Tranh 2 sẽ hoàn thành trước mùa mưa bão ở miền Trung năm 2012, sẽ không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra và chúng ta cũng mong thế.

Nhưng vấn đề đặt ra qua sự cố này là ngoài sông Tranh 2, còn bao nhiêu công trình thủy điện khác “có nhiều thiếu sót từ thiết kế, thi công, giám sát và quản lý vận hành”? Có bao nhiêu công trình đã xảy ra sự cố, được sửa chữa không đến nơi đến chốn hoặc thất bại như Sông Tranh 2? Liệu Sông Tranh 2 có sự “rút ruột công trình”, làm dối làm ẩu, dẫn đến coi thường  cuộc sống và tính mạng người dân? Nói… dại miệng, nếu 730 triệu m3 nước thủy điện ở cao trình 180m đổ ập xuống thì điều gì sẽ xảy ra? Đó là thảm họa, một thảm họa lịch sử trong ngành thủy điện thế giới, sau thảm họa từng xảy ra tại Mỹ hồi những năm đầu thế kỷ trước ở Los Angeles.

Sự cố rò rỉ nước ở đập thủy điện Sông Tranh 2 là vấn đề khoa học cần phải được đánh giá đúng tầm mức vì nó không chỉ liên quan đến lợi ích kinh tế quốc gia mà còn ảnh hưởng đến sinh mệnh hàng vạn người dân. Cần có đánh giá một cách tổng thể, xem xét lại toàn bộ để có một giải pháp căn cơ hơn, xử lý các tình huống liên quan, trong đó có vấn đề động đất. Sự an toàn của người dân các vùng hạ lưu bị tác động và đe dọa. Cần phải tính đến các phương án đảm bảo an toàn cho hạ du của tất cả các hồ, đập thủy điện trong cả nước. Bởi, cho đến nay vẫn chưa có các phương án phòng chống rủi ro khẩn cấp cho các hồ thủy điện khi xảy ra sự cố bất thường. Và cần thay đổi cách thông tin với người dân để không lặp lại những việc như đã thấy ở Sông Tranh 2 không như một đề nghị báo chí không nên tiếp tục đưa tin về sự cố đập thủy điện Sông Tranh 2 để người dân khỏi lo âu! “Trấn an” dân kiểu đó là coi thường tính mạng người dân.