Đừng làm hại chính ta

ANTĐ - Dịch cúm gia cầm đang có diễn biến theo chiều hướng xấu, nguy cơ bùng phát cao cả ở trong nước và các nước láng giềng. Nguy cơ dịch sẽ xâm nhập và bùng phát các ổ dịch bệnh cúm A/H5N1 trên các đàn gia cầm, thủy cầm và lây bệnh sang người với số mắc gia tăng tại Việt Nam là hiện hữu. Tuy nhiên, các hoạt động buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp động vật và sản phẩm động vật qua biên giới vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt. Đến nay, cả nước có 49 ổ dịch tại 14 tỉnh làm mắc bệnh và chết hơn 50.000 con gia cầm. Ngoài ra, còn một số địa phương khác có xuất hiện dịch dưới dạng nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình. 

Tổng đàn gia cầm toàn TP rất lớn, hiện đạt trên 23 triệu con, nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ trên 60% gây khó khăn cho việc quản lý, giám sát dịch bệnh. Hơn nữa, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm rất cao trong khi việc giết mổ vẫn thực hiện nhỏ lẻ là chủ yếu. Tuy đến nay chưa phát hiện các mẫu xét nghiệm có dương tính với virus cúm A/H5N1, H7N9 trên địa bàn Hà Nội, nhưng điều đáng nói là, giữa tình thế “nước sôi lửa bỏng” khi dịch cúm gia cầm H5N1, cúm A/H7N9… đang có nguy cơ bùng phát và xâm nhập vào nước ta bất cứ lúc nào thì người dân vẫn tỏ ra thờ ơ với dịch bệnh. Ý thức phòng, chống dịch cúm gia cầm không chỉ của người dân mà của cả cơ quan chức năng vẫn đáng trách. Ngay tại các chợ đầu mối ở Hà Nội tình trạng buôn bán gia cầm không rõ nguồn gốc vẫn còn tồn tại khá phổ biến trong khi các chuyên gia cảnh báo đây là nơi tập trung nguồn virus gây bệnh nhiều nhất. Gà đầu trọc (gà thải loại, hầu hết có nguồn gốc Trung Quốc), ốm, chết ngổn ngang trong chợ Hà Vĩ ( Thường Tín) - chợ gia cầm lớn nhất miền Bắc, cơ quan chức năng vắng bóng, trong khi dịch cúm hoành hành. 

Gia cầm sống hoặc gia cầm làm sẵn không rõ nguồn gốc, gà không kiểm dịch vẫn được bày bán công khai tại các chợ cóc, chợ tạm với giá rẻ. Người bán hàng làm gà ngay tại chỗ. Gà mổ bằng tay không, không có cống thoát nước thải. Lông, chất thải được người bán thu vào túi nilông, nước thải thì đổ thẳng ra mặt đường. Còn người dân thì cứ vô tư mua mà không hề quan tâm việc dịch đã “áp sát” Thủ đô. Nguy hiểm hơn nữa, giữa lúc dịch cúm gia cầm đang gia tăng, nhiều người dân vẫn thản nhiên ăn các món trứng chần, tiết canh ngan, dù phần đông họ không nắm rõ về nguồn gốc xuất xứ và đây là những món rất dễ chứa ổ virus cực kỳ nguy hiểm. Tâm lý của các thực khách vẫn cho rằng, dịch cúm chưa đến địa phương mình. 

Thời tiết mùa Đông - Xuân rất thuận lợi cho sự phát triển và lan rộng của vi rút cúm nói chung và cúm gia cầm nói riêng, cùng với tập tục chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, điều kiện kinh tế, vệ sinh thấp kém ở một số bộ phận dân cư. Trước kia các chuyên gia tin tưởng rằng khi thời tiết ấm lên, các ca bệnh cúm sẽ giảm đi nhưng với virút cúm H7N9 thì điều này không thể khẳng định. Trước nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm, bác sĩ Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo: “Vấn đề đáng chú ý nhất là dịch bệnh lây sang người rất khó phát hiện vì ban đầu chỉ là cúm và sốt đơn thuần, nhưng về sau sẽ gây tổn thương phổi và nguy cơ tử vong cao. Vì vậy khi phát hiện người có biểu hiện cúm, sốt cao sau khi ăn hoặc tiếp xúc với gia cầm cần đến bệnh viện để khám và điều trị bệnh”.

Dịch cúm gia cầm có thể phòng tránh được nếu như người dân nâng cao ý thức tự phòng và tự bảo vệ mình. Hãy vì trách nhiệm của công dân mà tự bảo vệ mình, bảo vệ dân mình. Người dân không nên buôn bán gia cầm lậu không rõ nguồn gốc. Đừng vì cái lợi trước mắt mà “tha” về Việt Nam những gà thải, gà bẩn để làm hại dân ta, biến chúng ta thành nạn nhân của dịch bệnh. Hơn bất cứ giải pháp nào khác, mỗi người dân cần phải nâng cao ý thức và quyết liệt hơn trong công tác phòng, chống dịch. Như nhận định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: “Công tác phòng chống dịch chỉ thành công khi mỗi người dân hiểu được nguy cơ, tác hại của dịch và kế hoạch phòng chống để tham gia”.

Kiên quyết không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, UBND TP Hà Nội vừa phát lệnh phòng chống dịch sởi, dịch cúm đối với các đơn vị liên quan.