Đùa với tính mạng khi nuôi thú dữ trong nhà

ANTĐ - Để chứng tỏ “đẳng cấp”, sự sành điệu, không ít người đã rước về cả những con thú chưa được thuần chủng, phớt lờ những nguy cơ đe dọa tính mạng của bản thân và người thân trong gia đình…

Đùa với tính mạng khi nuôi thú dữ trong nhà ảnh 1Vết thương do chó béc giê cắn ở bé gái 8 tuổi sống tại Gia Lai

“Nuôi ong tay áo”?!

Gần đây nhất, ngày 11-1 vừa qua, tại một biệt thự thuộc xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP.HCM, cháu bé 3 tuổi con chủ nhà khi chơi một mình ở sân vườn đã thò tay phải vào lỗ thủng chuồng đang nuôi gấu và bị gấu cắn đứt lìa bàn tay. Được biết, con gấu này được chính gia đình cậu bé nuôi trong khuôn viên vườn nhà. Mặc dù ngay sau đó, em bé này đã được đưa đi cấp cứu, song các bác sỹ không thể nối lại phần cánh tay đứt gãy của em do đã bị gấu cắn giập nát. Điều đáng nói đây không phải là sự việc hy hữu. Cuối tháng 4-2014, bé trai B.X.V hơn 2 tuổi (ở phường Hà Tu, TP Hạ Long, Quảng Ninh) khi chơi một mình đã chạy lại gần khu vực nuôi nhốt gấu và thò tay vào trong chuồng. Ngay lập tức, cháu V đã bị con gấu ngoạm đứt lìa cẳng tay trái. 

Tháng 9 -2013, cháu V.H.Q - 5 tuổi, ở Phú Thọ được đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu trong tình trạng đứt lìa 2 tay. Nguyên nhân do cháu Q được bố mẹ cho sang nhà người bác ăn cưới. Do hiếu động nên khi thấy nhà người bác nuôi gấu được nhốt trong lồng sắt nên Q đã thò tay vào trong và bị gấu cắn đứt lìa 2 tay. Dù các bác sỹ đã cố gắng hết sức song cháu Q vẫn bị mất tay phải sát khớp vai và cụt tay trái sát khuỷu. Nghiêm trọng hơn, trước đó, ông T.T. L ở quận Thủ Đức, TP.HCM trong lúc cho gấu ăn đã bị gấu cắn chết tại chỗ và ăn mất một phần thân thể.

Không chỉ có gấu mà chó cũng là loài vật nuôi khá nguy hiểm, là thủ phạm gây ra nhiều vụ tai nạn. Tháng 7-2013, bé N.V.H - 16 tháng tuổi (ở Hải Dương) khi chạy tới kéo tai con chó đang ăn đã bị chó cắn rách mặt. Bé H nhập viện trong tình trạng mất nhiều máu, mũi, tai, trán, má bị chó cắn nham nhở. Ngày 19-5- 2011, bé V.D.N (2 tháng tuổi, ở Phúc La, Hà Đông, Hà Nội)  khi đang ngủ đã bị con chó nuôi lâu năm trong nhà tuột xích tấn công. Bé N được đưa đi cấp cứu trong tình trạng sốc chấn thương nặng, suy mạch, toàn bộ vùng lưng bị cào rách da, chảy máu, có những nơi mất cả mảng da, ăn sâu xuống thịt…

Ngày 15-5-2014, các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng đã phẫu thuật nối thành công cẳng tay phải cho một bệnh nhân bị khỉ nuôi cắn nát cổ tay. Nạn nhân là anh H.P.T (ở huyện Đức Trọng, Lâm Đồng), nhập viện với vết thương hở khá lớn ở cổ tay phải, dây thần kinh và toàn bộ gân gấp cẳng tay động mạch trụ, động mạch quay đã bị đứt. Nguyên nhân do con khỉ đuôi lợn được gia đình anh T nuôi 8 năm nay bất ngờ nổi… cơn ghen khi thấy anh T bế cháu nhỏ nên đã lao vào tấn công chủ. 

Vô số nguy cơ

Theo thạc sỹ Nguyễn Khương - Bộ NN&PTNT, các loài động vật hoang dã như hổ, gấu, khỉ, vượn… và một số loài bò sát vốn sống trong môi trường hoang dã tự nhiên nên khi bị bắt, nuôi nhốt trong không gian chật chội, sự hung dữ và nguy hiểm của chúng sẽ tăng lên. Ngay cả với loài chó nhà, nếu bị nhốt, xích, bỏ đói thường xuyên, khi bị kích động chúng rất dễ tấn công con người. Còn với những giống chó hoang dã như chó pitbull, ngao Tây Tạng… do kích thước cơ thể của chúng khá lớn, bản tính hiếu chiến, hoang dã, tấn công kẻ thù đến cùng nên việc tiếp xúc với chúng khá nguy hiểm, đòi hỏi phải qua huấn luyện trước khi đưa về sống trong các gia đình. Tuy vậy, một số người không am hiểu điều này, sẵn sàng bỏ ra khá nhiều tiền để mua chó với tiêu chí “độc, lạ, hiếm” mà không cần biết nó đã được thuần hóa hay chưa, nên khi xảy ra tai nạn, hậu quả rất khó lường. 

Về ảnh hưởng của thú dữ nuôi tại nhà đối với sức khỏe con người, bác sĩ Lê Thanh Hải - Bệnh viện Việt Tiệp cho rằng, thực tế đã xảy ra không ít vụ thú nuôi (kể cả thuần chủng hay hoang dã) tấn công người, trong đó nạn nhân chủ yếu là trẻ em với nhiều tổn thương nghiêm trọng cả về thể chất và tinh thần. Ngoài ra, những nguy cơ về lây bệnh truyền nhiễm từ các con vật nuôi này cũng là vấn đề phải cân nhắc kỹ. Do đó, trước khi quyết định nuôi bất cứ con vật nào, các gia đình cần tìm hiểu thật rõ về đặc tính, môi trường sống của chúng, có biện pháp đảm bảo an toàn (làm chuồng trại, hàng rào bảo vệ chắc chắn..), kiểm tra kỹ xem con vật đó có giấy chứng nhận kiểm dịch và đã được tiêm phòng đầy đủ chưa, có được phép nuôi không… Bên cạnh đó, để thú giảm bớt tính hung dữ, người nuôi cần đặt chúng ở nơi rộng rãi, thoáng mát, yên tĩnh, tránh trêu chọc chúng. Với những hộ có trẻ em không nên nuôi các loại thú dữ hoặc có nọc độc tại nhà.

Để hạn chế những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra, tránh tình trạng nuôi thú dữ trong các gia đình phát triển đến mức khó kiểm soát, các cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp cụ thể về vấn đề này, siết chặt các quy định về nuôi, nhốt động vật, đặc biệt là động vật hoang dã, đồng thời giám sát chặt chẽ những địa điểm đã được cấp phép, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân nuôi thú dữ khi chưa đủ điều kiện…