Đưa nông sản lên nền tảng số là con đường ngắn nhất tiếp cận người tiêu dùng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đại diện Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, việc hợp tác, ký kết hợp tác mở gian hàng nông sản trên GrabMart là giải pháp khắc phục các khó khăn thực tiễn của các HTX trong việc chủ động chuyển mình kinh doanh cùng nền tảng số, quản trị hệ thống, nhân sự.

Đưa nông sản Việt lên sàn thương mại công nghệ, kết nối giúp tiêu thụ nông sản Việt dần giải quyết tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” là những nỗ lực mà Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đang “bắt tay” cùng siêu ứng dụng Grab để hỗ trợ các HTX vừa và nhỏ bán nông sản.

Trao đổi về việc “bắt tay” hợp tác với Grab đưa nông sản Việt lên chợ số GrabMart, phóng viên đã có những trao đổi nhanh với bà Hà Thúy Phương, Giám đốc Thương mại và Xuất nhập khẩu, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) - ITPC-VCA:

- Động lực nào để ITPC-VCA và Grab Việt Nam quyết định cùng ký kết, mở gian hàng ITPC-VCA trên GranMart, thưa bà?

Trong quá trình thực hiện Biên bản ghi nhớ (MOU) được ký kết giữa 4 đơn vị là AED, Agrotrade, ITPC-VCA và Grab Việt Nam nhằm hỗ trợ chuyển đổi số, kết nối tiêu thụ nông sản cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi nhận thấy số đông các HTX gặp khó khăn trong việc chuyển đổi cơ cấu quản trị, thiếu nhân lực và không quen thuộc với việc kinh doanh chủ động mà bị lệ thuộc rất nhiều vào thương lái.

Bà Hà Thúy Phương , Giám đốc Thương mại và Xuất nhập khẩu

Bà Hà Thúy Phương , Giám đốc Thương mại và Xuất nhập khẩu

Grab và ITPC-VCA chính thức ký kết hợp tác mở gian hàng trên GrabMart nhằm thông qua thế mạnh của hai bên về nền tảng Grab và quản trị mạng lưới HTX rộng khắp trên cả nước, tạo kênh kết nối giao thương đa chiều và thúc đẩy tiêu thụ nông sản và đặc sản địa phương một cách chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.

Việc hợp tác, ký kết hợp tác mở gian hàng trên GrabMart là giải pháp khắc phục các khó khăn thực tiễn của các HTX trong việc chủ động chuyển mình kinh doanh cùng nền tảng số, quản trị hệ thống, nhân sự. Với sự trợ giúp của ITPC-VCA và Grab, các HTX từ nay sẽ có thêm kênh an toàn, tin cậy và hiệu quả để thúc đẩy doanh số bán hàng, tinh gọn bộ máy.

Đồng thời, thể hiện nỗ lực nối dài của hai bên trong công tác nâng cao nhận thức và năng lực chuyển đổi số cho các nhà sản xuất nông nghiệp, đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy chuyển đổi số ngành nông nghiệp theo định hướng của Chính phủ.

Chương trình đánh dấu bước thực tế hoá những lý thuyết, giải pháp mà các bên đã đề ra, trực tiếp hỗ trợ người nông dân chuyển đổi số, kết nối tiêu thụ nông sản Việt, mang đến hiệu quả thiết thực lâu dài cho bà con nông dân và các nhà sản xuất nông nghiệp khắp cả nước.

Thêm vào đó, khi đưa nông sản kinh doanh trên nền tảng số cũng là con đường ngắn nhất để đưa hình ảnh của HTX, thương hiệu nông sản đến tay người tiêu dùng trên cả nước một cách nhanh và hiệu quả nhất.

Đại diện Grab Việt Nam và ITPC-VCA, AED và Agrotrade trong lễ ký kết hợp tác triển khai gian hàng ITPC-VCA trên Grab Mart
Đại diện Grab Việt Nam và ITPC-VCA, AED và Agrotrade trong lễ ký kết hợp tác triển khai gian hàng ITPC-VCA trên Grab Mart

- ITPC-VCA có kỳ vọng việc hợp tác này sẽ góp phần thúc đẩy, đưa nông sản Việt số hóa, lên chợ để đa dạng hóa kênh tiêu thụ sản phẩm dần tiến tới xóa bỏ tình trạng “được mùa mất giá”?

Việc ký kết hợp tác với Grab để đưa nông sản Việt lên chợ số GrabMart chỉ là một bước nhỏ, nếu để chấm dứt tình trạng nông sản thường xuyên tồn đọng, dư thừa khi được mùa thì phải có sự vào cuộc của nhiều bên, và bản thân các HTX. Đến nay, bà con nông dân vẫn chưa ý thức được phải liên kết chuỗi trong sản xuất, hình thành chuỗi liên kết đầu vào đầu ra sao nhịp nhàng. Qua thực tiễn chúng tôi khảo sát tại nhiều địa phương cho thấy, bà con vẫn sản xuất theo cảm tính, trồng và nuôi ồ ạt mà không có định hướng hay thông tin về thị trường nên mới thường xuyên rơi vào tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.

Thời gian qua, Liên minh HTX Việt Nam cũng đã triển khai nhiều chương trình sản xuất chuỗi đầu vào- đầu ra để hỗ trợ các HTX trong việc tiêu thụ sản phẩm. Các kết quả triển khai hỗ trợ cho thấy rất khả quan, các chương trình hỗ trợ tiêu thụ vải thiều, nhãn lồng, các sản phẩm nông sản đặc trưng của Sơn La, chè Suối Giàng Yên Bái, chè Thái Nguyên để xuất khẩu đi các thị trường khó tính như Nhật Bản, café, hạt tiêu… từng bước định hướng cho các HTX mạnh, điển hình từ đó là đầu tàu kéo các HTX yếu hơn, tạo tính lan tỏa cho các HTX khác trong cả nước. Việc ký kết và mở gian hàng trên GrabMart cũng là một quyết định quan trọng để ITPC-VCA có thể hỗ trợ các HTX có thể giành phần thắng chủ động ngay trên “sân nhà” mà không bị phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái.

- Một trong những băn khoăn lớn nhất dưới góc độ người tiêu dùng là Grab và ITPC-VCA có vai trò như thế nào trong việc kiểm soát chất lượng nông sản đưa lên "chợ số" GrabMart?

Việc kinh doanh nông sản trên chợ thương mại GrabMart sẽ có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên trong việc quản lý chất lượng hàng hóa. Liên minh HTX Việt Nam có chi nhánh tại 63 tỉnh, thành trên cả nước sẽ là những cơ quan đơn vị bám sát tình hình sản xuất thực tế tại địa phương nên sẽ có đánh giá sát nhất về hoạt động kinh doanh sản xuất của các HTX từ những khâu đầu tiên.

Ngoài ra, Liên minh HTX Việt Nam còn có Viện Khoa học công nghệ, thông qua Viện sẽ có phương pháp đánh giá giá chất lượng từ đầu vào như đất, nước đến quá trình trồng, đóng gói và đưa sản phẩm đi tiêu thụ.

Quan trọng nhất, ITPC-VCA sẽ phối hợp với Grab để đi khảo sát, đánh giá các sản phẩm và sàng lọc các sản phẩm của các HTX đạt chất lượng để đưa vào kinh doanh trên nền tảng GrabMart. Làm sao để đưa được những sản phẩm nông sản tốt nhất, chất lượng nhất đến tay người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy và quảng bá nông sản Việt một cách rộng rãi. Không chỉ dừng lại ở đây, trong quá trình triển khai hợp tác, Grab và ITPC-VCA sẽ tiếp tục ngồi lại để đánh giá và đưa ra các giải pháp hiệu quả hơn trong tương lai.