Chuyện nóng mùa thi cử ở Hàn Quốc:

Đua nhau đưa con đi tiêm "mũi thông minh"

ANTĐ - Thời gian gần đây, rất nhiều bậc cha mẹ ở Gangnam (Seoul, Hàn Quốc) đua nhau đưa con cái mình đến bệnh viện tiêm “mũi thông minh” kích thích não bộ, để cải thiện thành tích thi cử cho con. Hiện, về phía khoa học vẫn chưa có cuộc nghiên cứu nào chứng minh “mũi tiêm thông minh” thật sự có tác động tích cực đến não bộ và có gây tác hại đến cơ thể hay không?

“Mũi tiêm thông minh” 

Tháng 9-2015, vì vô cùng lo lắng cho cậu con trai 8 tuổi tham gia cuộc thi toán quốc gia dành cho học sinh tiểu học, song song với việc bồi bổ chuyện ăn uống như thường lệ, chị Shen còn cố gắng tìm kiếm những bài thuốc bổ. Khi nghe các phụ huynh khác rỉ rai nhau về “mũi tiêm thông minh”, không chút đắn đo, chị Shen đã đưa con tới bệnh viện. Theo lời vị bác sĩ thì mũi tiêm thông minh này có tác dụng tăng máu lên não, kích thích hoạt động não giúp tư duy tốt hơn trong cuộc thi, từ đó nâng cao thành tích của con trai chị.

 Đợt thi đó, con chị đạt thành tích rất tốt, vì thế chị Shen hoàn toàn tin tưởng vào hiệu quả của mũi tiêm có giá 120.000 won này. “Tôi cho rằng mũi tiêm này rất hiệu quả nên những lần sau, khi con tôi tham gia vào các cuộc thi, tôi sẽ đưa nó đi tiêm”, chị Shen nói. 

Cũng giống như chị Shen, kể từ 2 năm trước, chị Hwang đã bắt đầu đưa con đi tiêm mỗi khi kỳ thi cận kề. Mặc dù nửa tin nửa ngờ về công dụng của “mũi tiêm thông minh”, thế nhưng chị Hwang nghĩ tiêm cũng chẳng gây ra tác hại gì cho cơ thể. Nhiều lần thử nghiệm đồng nghĩa với việc cho ra hiệu quả không giống nhau. Lần đạt được thành tích cao thì mẹ con chị Hwang đều mừng rỡ vô cùng,  nhưng lần sau kết quả không như mong muốn, con của chị Hwang chỉ đạt điểm loại trung. Mẹ con chị Hwang chép miệng “thôi thì lần sau thử lại xem sao”. Nào ngờ, kết quả còn thê thảm hơn - điểm dưới trung bình. 

Một vị bác sĩ khá nổi tiếng cho biết, trước đây cũng thường có các sĩ tử đến bệnh viện truyền nước hoa quả nhằm tăng cường thể lực và giải tỏa áp lực trong các kỳ thi, nhưng hiện nay, bất luận là kỳ thi giữa kỳ hay thi học kỳ, hoặc thậm chí là thi năng khiếu, vẫn có rất nhiều học sinh từ tiểu học tới trung học đến bệnh viện tiêm thuốc nhằm đạt được thành tích cao. 

Nửa tin nửa ngờ

Bác sĩ khoa nhi Cai Xianxu cho biết, thực chất trong các “mũi tiêm thông minh” này là các vitamin chiết xuất từ lá cây bạch quả (Ginkgo biloba). Nhưng trong thời gian ngắn loại vitamin này khó có thể tăng cường khả năng ghi nhớ và hoạt động não của một người.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vẫn chưa có cuộc nghiên cứu nào chứng minh việc “mũi tiêm thông minh” thật sự có tác động tích cực đến não bộ, ngược lại, nó còn đem lại một số tác dụng phụ không mong muốn. Một giáo sư y học lại cho rằng, kỳ thực “mũi tiêm thông minh” ấy chỉ giống như một “hiệu ứng an ủi, vỗ về”, nhằm giúp những người tin tưởng vào hiệu quả của nó có thêm hy vọng mà thôi.

Thực tế cho thấy, Hàn Quốc là quốc gia thường đạt được những thành tích cao trong các kỳ thi quốc tế. Để đạt được những thành tích đó, các học sinh ở đất nước này đã phải học hành vô cùng áp lực. Được biết, trung bình mỗi ngày học sinh Hàn Quốc phải dành 18 giờ đồng hồ cho việc học hành. Các em phải dậy từ 6 giờ sáng, học cả ngày và làm bài tập tới tận đêm khuya. Thậm chí, trong giờ nghỉ giải lao, giờ ăn trưa các em cũng phải học. Không chỉ học sinh, phụ huynh của các em cũng vô cùng áp lực, trước ngày con cái đi thi họ đã tới chùa để cầu nguyện, còn trong ngày thi, họ đã dậy từ sáng sớm động viên tinh thần con cái và đứng ngồi không yên chờ tới lúc con bước ra khỏi phòng thi.