Dự thảo tiêu chuẩn quốc gia về nước mắm: Quy định mới sẽ làm lợi cho ai?

ANTD.VN - Trong bối cảnh đan phải đối đầu gay gắt với ngành công nghiệp nước mắm đang làm mưa làm gió trên thị trường, nước mắm truyền thống có thể sẽ gặp khó khăn gấp bội nếu Tiêu chuẩn nước mắm được ban hành.

Khó hiểu, viển vông

Dự thảo tiêu chuẩn quốc gia về ”quy phạm thực hành sản xuất nước mắm" do Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) soạn thảo, dù theo giải thích chỉ là tự nguyện, không ép buộc nhưng đang bị cho là sẽ làm khó, thậm chí từng bước "giết chết" ngành nước mắm truyền thống.

Theo đó, một số quy định trong Dự thảo Tiêu chuẩn được cho là không phù hợp như chỉ phân thành 2 loại là nước mắm nguyên chất và nước mắm. Trong khi đó, trên thị trường đang tồn tại 2 loại sản phẩm là nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp, còn gọi là nước chấm...

Dự thảo cũng yêu cầu kiểm soát dư lượng các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật… trong khi nguyên liệu làm nước mắm truyền thống ở Phú Quốc là cá cơm tự nhiên được đánh bắt từ biển.

Nhiều hộ sản xuất cho rằng nội dung nhận diện histamin trong dự thảo TCVN 12607:2019 hoàn toàn bị thừa.

Nước mắm truyền thống sẽ lao đao vì nếu quy định tại Dự thảo tiêu chuẩn nước mắm được áp dụng

Lý giải về Dự thảo tiêu chuẩn này, ông Đào Trọng Hiếu - Phó Trưởng phòng phát triển thị trường thuỷ sản (Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản- Bộ NN&PTNT) cho biết, Dự thảo là tiêu chuẩn về quá trình, chứ không phải tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm, không đưa ra các chỉ tiêu và mức giới hạn cần tuân thủ đối với các chỉ tiêu đó cho sản phẩm cuối cùng.

Chỉ khuyến khích, không bắt buộc

Trước lo ngại về tiêu chuẩn sau khi được áp dụng sẽ chuyển sang quy chuẩn, khi đó sẽ bắt buộc và gây khó khăn cho nhà sản xuất nước mắm truyền thống, TS Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và công nghệ cho biết, quá trình xây dựng quy chuẩn kỹ thuật là quá trình độc lập với quá trình xây dựng tiêu chuẩn.

Theo ông Linh, dự thảo tiêu chuẩn được tập trung công phu xây dựng trong 2 năm 2017-2018 chứ không phải “một sớm một chiều”. Mục đích chính của tiêu chuẩn cũng như tiêu chuẩn nói chung đưa ra khuyến nghị về xác định các mối nguy, từ đó có thể đưa ra cách thức giúp nhà sản xuất hạn chế mối nguy, tránh rủi ro cho chính nhà sản xuất và người tiêu dùng, ảnh hưởng sức khoẻ.

“Khuyến nghị có thể áp dụng hoặc không áp dụng, tuỳ vào điều kiện sản xuất thực tế của mỗi nơi. Mục đích chung là mang lại những tiến bộ khoa học và các thực hành sản xuất tốt của các nước, tổ chức quốc tế về giúp nhà sản xuất trong nước làm tốt hơn, quản lý quá trình sản xuất được an toàn, đảm bảo chất lượng, đảm bảo nguyên tắc mang lại lợi cíh cho tất cả các bên. Tiêu chuẩn mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, nhà sản xuất và cả nhà quản lý”- ông Linh lý giải.

Tiêu chuẩn làm lợi cho ai?

Dù vậy, hàng nghìn hộ nước mắm truyền thống cũng như các hiệp hội nước mắm truyền thống đều bày tỏ, nếu có lợi cho nhà sản xuất thì ở đây nên hiểu là nhà sản xuất nước mắm công nghiệp. “Không có lý do gì mà mình có lợi lại đi rần rần phản đối”- một số hiệp hội nước mắm truyền thống bày tỏ.

Bên cạnh đó, cũng theo các chuyên gia trong ngành nước mắm và các hiệp hội nước mắm truyền thống, cần phải làm rõ, Dự thảo tiêu chuẩn này mục đích cuối làm lợi cho ai? Đơn vị soạn thảo cho biết, công khai xây dựng trong 2 năm 2017-2018 nhưng tất cả các hộ, hiệp hội nước mắm không hay biết!?

“Cái mà Bộ NN&PTNT và các bộ ngành liên quan cần làm là phải phân định rõ để người tiêu dùng biết, như thế nào là nước mắm và nước chấm, để tránh tình trạng “lập lờ đánh lận con đen” như hiện nay, chứ không phải tập trung “giết chết” nước mắm truyền thống”- đại diện một số hiệp hội nước mắm truyền thống chia sẻ.

Đáng nói, vào năm 2016, khi nước mắm truyền thống chìm trong "cơn bão asen", Bộ NN&PTNT cũng đã đi kiểm tra một số cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống và kết luận "100% nước mắm truyền thống an toàn".

Với dự thảo Tiêu chuẩn nước mắm, dù chỉ là khuyến nghị không bắt buộc áp dụng, nhưng chắc chắn sẽ ít nhiều tác động tới tâm lý và thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Đây có thể xem đòn tác động mạnh tới cuộc cạnh tranh đang diễn ra giữa nước mắm công nghiệp và nước mắm truyền thống?